Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Sự bao che cho cái xấu ở V.League làm khổ tuyển Việt Nam?

Bốn trận thua của tuyển Việt Nam ở bảng B chỉ ra nhiều bài học lớn cho bóng đá Việt Nam, trong đó có V.League.

Về chuyên môn, quy luật chung của bóng đá là một đội bóng đối đầu các đội mạnh hơn sẽ bộc lộ ra sự yếu kém, hạn chế. Tuyển Việt Nam không thể thoát khỏi quy luật này, và HLV Park Hang Seo cũng thẳng thắn thừa nhận sự hạn chế khi lần đầu ĐTQG dự vòng loại cuối cùng World Cup.

Chuyện nâng tầm ĐTQG không thể nào diễn ra theo kiểu làm được ngay sau vài trận thua. Đó phải là một quá trình tích luỹ, vận động để phát triển toàn diện nhiều mặt cho cả nền bóng đá chứ không thể "xây nhà từ nóc", phải có nền tảng vững chắc thì ĐTQG mới "thay da đổi thịt". Điển hình ngành thể thao đã có mục tiêu cho tuyển Việt Nam là đến năm 2050 vào Top 8 đội mạnh nhất châu Á. Tức kế hoạch dài hạn gần 30 năm để nâng tầm cho tuyển Việt Nam.

Tuy nhiên, một số vấn đề có thể sớm cải thiện để tuyển Việt Nam giảm đi sự hạn chế về chuyên môn so với các đối thủ, qua đó tránh được các bàn thua đáng tiếc ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022.

Đó là tư duy chơi bóng kiểu V.League đang khiến tuyển Việt Nam nhận rất nhiều bàn thua. Đội bóng của HLV Park Hang Seo nhận đến 7 tình huống bị phạt đền, có những pha phạm lỗi không cần thiết.

Cụ thể, Đoàn Văn Hậu tranh bóng quyết liệt dẫn đến quả phạt đền trước Malaysia. Rất may là tuyển Việt Nam có bàn thắng ấn định chiến thắng 2-1, ba điểm trước Malaysia là điều kiện then chốt để giành vé vào vòng loại thứ 3. Ngược lại, thầy trò HLV Park Hang Seo có thể mất sạch mọi thứ nếu bị Malaysia cầm hoà 1-1 sau bàn thua từ chấm 11m.

Hai cái vung tay của Tấn Tài và Duy Mạnh trước Oman là thói quen chơi bóng ở V.League. Pha vung tay của Tấn Tài đáng bị chê trách khi anh phá bóng ra xa khung thành, nhưng vung tay vào mặt cầu thủ Oman trong vòng cấm. 

Sự thật là đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022, tuyển Việt Nam thua 4 trận và xuất hiện con số kinh ngạc về số lần bị phạt đền (7 lần) thì điểm yếu của hàng thủ mới được "mổ xẻ". Ngược lại, phần lớn bỏ qua trong một thời gian dài vì đội bóng của ông Park giành chiến thắng. Tức "ngủ quên trong chiến thắng" mà không sửa sự yếu kém, bây giờ trả giá trước các đối thủ mạnh.

Ngược dòng quá khứ để nói về câu chuyện kể trên, Duy Mạnh từng suýt khiến tuyển Việt Nam phải rơi vào thế khó trước Malaysia, anh đánh nguội đối thủ ở trận chung kết lượt đi. Sự may mắn là sân chơi này không có công nghệ VAR nên Duy Mạnh thoát thẻ đỏ.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Đoàn Văn Hậu thường xuyên bị fans Đông Nam Á "cà khịa" trong mỗi lần đội bóng của họ đụng tuyển Việt Nam. Văn Hậu đá rất rát, có những pha vào bóng trên mức cần thiết nên dẫn đến chấn thương cho đối thủ. Nhưng đội bóng của ông Park thắng và fan hâm mộ Việt Nam bảo vệ cho Văn Hậu.

Người hâm mộ Việt Nam có lẽ chưa quên được tình huống thủ môn Nguyên Mạnh có pha trả đũa cầu thủ Indonesia ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2016. Hậu quả là Nguyên Mạnh bị đuổi, còn Quế Ngọc Hải phải sắm vai thủ môn bất đắc dĩ.

Duy Mạnh và Đoàn Văn Hậu cũng là hai cầu thủ khiến cho tuyển Việt Nam bị phạt đền nhiều nhất ở vòng loại World Cup 2022. Mỗi người có hai lần bị thổi 11m. Sự thống kê này không phải chê trách Văn Hậu và Duy Mạnh mà phản ánh về văn hoá chơi bóng ở V.League đang làm khổ tuyển Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam từng có một thời bị nói là chơi bóng theo kiểu "chém đinh chặt sắt". Sự xấu xí đến mức tiền vệ Thái Lan - Chanathip nói thẳng cầu thủ Việt Nam chơi bóng xấu xí, luôn tìm cách đá xấu.

Sự bao che cho cái xấu ở V.League làm khổ tuyển Việt Nam? Ảnh 1
Tuyển Việt Nam bị 7 tình huống phạt đền sau 12 trận ở vòng loại World Cup 2022.

Lăng kính thu nhỏ cho chủ đề này là các cầu thủ SLNA từng một thời bị phản ứng vì đá rát, vào bóng thô bạo gây ra những chấn thương kinh hoàng cho đồng nghiệp.

Gần nhất, V.League 2021 "dậy sóng" với ba tình huống xấu chơi liên tiếp của các cầu thủ Hà Nội FC trước CLB Đà Nẵng. Văn Quyết đạp đối thủ, Việt Anh sút bóng vào mặt đối phương đang nằm sân, Duy Mạnh đánh nguội. Nhưng không có tấm thẻ đỏ nào xảy ra với họ. Một điều cần  nhắc, Duy Mạnh và Việt Anh là tuyển thủ.

Cái xấu của một số cầu thủ Việt Nam ở V.League có thể nói là được bao che, không có những án phạt thích đáng để răn đe. Họ quen với những hành động đó nên tái diễn khi thi đấu cho ĐTQG.

Nếu có sự mạnh tay, quyết liệt với cái xấu thì chắc chắn các cầu thủ Việt Nam sẽ tránh được các lỗi không cần thiết trong màu áo ĐTQG. Chúng ta có thể nhìn vào cách chơi bóng của các cầu thủ HAGL như Hồng Duy và Văn Thanh. Dù cũng đá vị trí phòng ngự nhưng họ không để xảy ra các lỗi dẫn đến phạt đền. Câu chuyện này không phải khen - chê mà phản ảnh về văn hoá chơi bóng của các CLB ở V.League. Cầu thủ HAGL bị bầu Đức cấm đá xấu, đá láo với đối phương. Chỉ cần xuất hiện chuyện phi thể thao thì bầu Đức phạt rất nặng, bất kể là Xuân Trường hay Công Phượng cũng bị phạt.

Ngược lại, đội bóng của bầu Hiển thường xuyên có những pha bóng xấu xí bị dư luận phản ứng nhưng cứ lặp đi lặp lại. Đó là điều đáng tiếc vì Hà Nội FC có nhiều tuyển thủ ở tuyển Việt Nam.

Đúng hơn, bầu Hiển từng nói ông Park lười làm mới, bảo thủ ở tuyển Việt Nam. Nhưng ông bầu Hà Nội FC cũng nên nhìn nhận lại chính đội bóng Thủ đô về văn hoá chơi bóng ở V.League: Tại sao cầu thủ Hà Nội FC hay đá xấu mà không thể thay đổi?

Tựu trung, văn hoá chơi bóng ở V.League cần thay đổi, phải quyết liệt trước sự xấu xí. Đây là vấn đề cần thay đổi để giúp cho tuyển Việt Nam tránh bị phạt đền và thẻ đỏ đáng tiếc ở vòng loại World Cup 2022.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất