Ở một giải đấu mà Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) xác định giống như một cuộc chơi để các cầu thủ trẻ cọ xát, đá theo kiểu có thành tích thì sướng, không có cũng chẳng sao, HLV Nguyễn Quốc Tuấn bỗng dưng trở thành “tấm bia” cho dư luận chỉ trích sau trận thua U22 Indonesia.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: Tại sao VFF chọn HLV Nguyễn Quốc Tuấn nắm U22 Việt Nam?
Có một câu chuyện ít ai biết, HLV Nguyễn Quốc Tuấn không phải là phương án được VFF chọn nắm U22 Việt Nam. Có lẽ ông Tuấn cũng không biết điều này, nếu biết thì ông Tuấn đã từ chối. VFF gửi lời mời HLV Đinh Hồng Vinh nhưng không được nhận lời, sau đó cờ đến tay HLV Nguyễn Quốc Tuấn.
Ghế HLV trưởng U22 Việt Nam dự U22 Đông Nam Á từ câu chuyện kể trên đã mất đi giá trị khá nhiều. Dù những người tỉnh táo trong cuộc nhìn nhận thì ngồi vào chiếc ghế này sẽ chịu áp lực rất lớn. Vô địch không mang lại nhiều ý nghĩa. Thất bại trở thành câu chuyện cho dư luận mổ xẻ.
Nguyên nhân là những thành công của HLV Park Hang Seo đã phủ kín từ cấp độ U23 đến tuyển Việt Nam trong xuyên suốt một năm qua. Ông Park được ca ngợi giống như vị thánh ở bóng đá Việt Nam. Thế nên, ai lên nắm ghế U22 Việt Nam đều cùng nhận 1 đáp án là bị so sánh với tài cầm quân của ông Park. Vô địch cũng mờ nhạt nếu đặt bên cạnh ánh hào quang của ông Park.
Một vấn đề khác là U22 Việt Nam dưới tay HLV Quốc Tuấn không có những cầu thủ tốt. Phần lớn thuộc lứa U19 Việt Nam từng rớt từ vòng bảng U19 Đông Nam Á, U19 châu Á dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn. Đó là sự khác biệt lớn từ cách hỗ trợ cho HLV Quốc Tuấn. Nếu người nắm U22 Việt Nam là HLV Park Hang Seo, thậm chí là HLV Hoàng Anh Tuấn có thể câu chuyện về con người đã khác.
Nhưng đó là thiệt thòi có thể chấp nhận được với HLV Nguyễn Quốc Tuấn. Có một điều bi hài kịch khó tin mà bất kỳ ai rơi vào cảnh như ông Tuấn cũng không thể chấp nhận: U22 Việt Nam đang dự U22 Đông Nam Á với thành tích ấn tượng ở vòng bảng, còn VFF ở nhà họp với HLV Park Hang Seo để chốt người nắm U22 Việt Nam dự SEA Games 30 vào tháng 11 năm nay. Người được chọn là trợ lý Lee.
Vậy VFF chọn ông Tuấn lên nắm U22 Việt Nam để làm gì? Chẳng phải chỉ là phương án chữa cháy, theo kiểu chọn ai cũng được, miễn gật đầu cầm quân.
Bây giờ, U22 Việt Nam thua U22 Indonesia ở bán kết, HLV Nguyễn Quốc Tuấn trở thành tâm điểm chỉ trích. Ông Tuấn đáng thương hơn là bị chê trách. Đúng hơn, ông Tuấn rơi vào vòng xoáy khá giống cảnh ngộ của HLV Park Hang Seo ở 17 năm trước.
Ngày 10/10/2002, U23 Hàn Quốc thua Iran trên chấm phạt đền với cú đá trúng xà ngang của Lee Young-pyo. Hàn Quốc dừng chân ở sân chơi ASIAD tại thành phố Busan. Người Hàn Quốc không chấp nhận điều này, khi cách đó vài tháng thì tuyển Hàn Quốc đi đến bán kết World Cup 2002.
8 ngày sau (ngày 18/10/2002), Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc (KFA) có cuộc họp kéo dài 4 giờ. Quyết định được đưa ra là sa thải HLV Park Hang Seo.
3 tháng trước đó, HLV Park là trợ lý của HLV Guus Hiddink cùng Hàn Quốc tạo nên cơn địa chấn cho bóng đá thế giới. Ông Park từ trợ lý lên cầm quân ở ASIAD giống như người được chọn nếu thất bại sẽ nhận sự chỉ trích, vì ánh hào quang của Guus Hiddink đang quá lớn ở thời điểm đó.
Điểm khác trong câu chuyện của ông Tuấn và ông Park là sự trân trọng lẫn danh dự dành cho người cầm quân. Ông Tuấn chỉ được VFF chọn mang tính thời điểm, vì có vô địch U22 Đông Nam Á cũng chắc chắn mất ghế khi trợ lý Lee được chọn dẫn U22 Việt Nam dự SEA Games 30. HLV Park Hang Seo hơn ông Tuấn là Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc mở cuộc họp kéo dài 4 giờ để sa thải sau thất bại, chứ không phải làm xong 1 giải đấu rồi về lại vị trí cũ.
Xét ở mọi góc độ, ông Nguyễn Quốc Tuấn thực sự đáng thương hơn ông Park ở 17 năm trước…