Ông Đặng Hà Việt cho rằng mặt sân Mỹ Đình không được xanh vì thiếu nắng, không thiếu kinh phí mà quên bảo dưỡng. Quan điểm của lãnh đạo ngành thể thao là không tránh né những gì liên quan tới sân. Lãnh đạo đã nhắc nhở và yêu cầu phải xây dựng quy trình để công tác tổ chức các giải đấu trên sân Mỹ Đình ngày càng tốt hơn.
Phát biểu theo hướng nhắc nhở, rút kinh nghiệm của ông Đặng Hà Việt chưa thuyết phục người hâm mộ. Sân vận động quốc gia Mỹ Đình tổ chức các trận đấu của đội tuyển Việt Nam thì phải có trách nhiệm làm tốt nhất, đẹp nhất và lung linh nhất, thay vì nghĩ làm tốt hơn. Đây không chỉ là chuyện bóng đá mà còn liên quan đến hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bàn quốc tế.
Vấn đề thứ hai là BTC sân Mỹ Đình không làm miễn phí, bởi Liên đoàn bóng đá Việt Nam trả tiền thuê sân với giá 800 triệu đồng/trận, chưa có an ninh. 800 triệu đồng là con số cao gấp nhiều lần so với giá thuê sân ở V.League.
Về trách nhiệm chung, sân vận động quốc gia Mỹ Đình là đại diện cho hình ảnh bóng đá Việt Nam, xa hơn là thể thao Việt Nam. Về trách nhiệm được thuê, ban quản lý lấy tiền thuê sân Mỹ Đình với giá cao thì phải làm tốt.
Bàn về vấn đề của sân Mỹ Đình. Thật ngạc nhiên nếu nhìn sự việc xảy ra ở sân Mỹ Đình là nhắc nhở, hay rút kinh nghiệm, cùng một loạt lý do về cỏ úa. Không cần phải nói xa xôi về châu Âu, hãy nhìn hầu hết các sân ở AFF Cup 2022 thì mặt cỏ đều xanh mượt, đẹp như trải thảm. Tại sao sân bóng của Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... không bị cỏ cháy và úa? Do đó, chúng ta không chỉ nói về việc thiếu nắng, mà cần có giải pháp để khắc phục để mặt sân được đẹp.
Nên nhớ, Nhà nước từng chi 408 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp và mua mới trang thiết bị tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Một trong những việc quan trọng nhất là sửa sang cho sân Mỹ Đình. Những ai làm việc ở sân Mỹ Đình phải có trách nhiệm bảo dưỡng tốt.
Lấy ví dụ sân Thống Nhất từng có mặt sân thay mới vào năm 2019. Mức kinh phí được tiết lộ gần 7 tỷ đồng. Vấn đề quan trọng nhất là quá trình bảo quản, bảo trì để chăm sóc sân, bởi làm không đúng thì coi như "ném qua cửa sổ" số tiền lớn, gọi đúng là phung phí tiền và người khắc khe sẽ nói phá tiền.
Vấn đề của sân Mỹ Đình cũng thế. Dùng số tiền lớn để sửa sang và nâng cấp, trong đó mặt cỏ được ngợi khen trước SEA Games 31. Bây giờ các cầu thủ Việt Nam phải mang giày đinh tập luyện, vì sân có nhiều mảng lún và cỏ cháy. Đây là trách nhiệm của Ban quản lý sân Mỹ Đình chứ không phải rút kinh nghiệm, bởi trường hợp mặt sân hư thì tốn tiền tỷ để nâng cấp.
Cần nhắc, Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đang nợ thuế đất hơn 800 tỷ đồng."Chúng tôi xin Bộ Tài chính đóng khung số thuế nợ lại, không muốn phát sinh thêm nữa. Khu liên hợp sai nhưng trách nhiệm thuộc về cá nhân chứ không thể ngưng hoạt động. Cán bộ khu liên hợp không có lương, không đủ trả tiền để trả lương cho họ. Khu liên hợp là đơn vị tự chủ 100% nhưng hiện tại mức thu thấp, chưa đủ trả lương cho cán bộ. Khu liên hợp từ trên 200 người, đến khi tôi về nhận nhiệm vụ tại Tổng cục TDTT, còn 104, giờ còn trên 90 người", ông Đặng Hà Việt nói.
Mức thu thấp, nợ thuế hơn 800 tỷ đồng, không đủ tiền trả lương cho cán bộ... Trong cảnh khó khăn này, sân Mỹ Đình tiếp tục đánh mất hình ảnh với nhiều vấn đề thì làm sao kinh doanh tốt. Bên cạnh đó, sân xuống cấp, phòng vệ sinh bị chê bẩn, cầu thang dơ, mặt cỏ hư thì tốn nhiều tiền sửa chữa, trong đó có nguyên nhân quên bảo dưỡng.
Hơn một năm qua, sân Mỹ Đình liên tục trở thành "tâm điểm" của dư luận. Truyền thông Úc chê mặt sân như "bãi cỏ chăn bò". Trận giao hữu của tuyển Việt Nam và Dortmund thì xà ngang bung, cabin đổ, phòng vệ sinh bị chê hôi bẩn... Tất cả không còn là chuyện rút kinh nghiệm và nhắc nhở mà cần nói về trách nhiệm với sân vận động quốc gia Mỹ Đình!