Chung kết China Cup dù sao cũng chỉ là một trận giao hữu không hơn không kém. Nhưng tất cả có thể nhận thấy sự nghiêm túc của Ryan Giggs.
Ông đứng ngồi không yên ngay từ khi trận đấu còn chưa bắt đầu và tiến ra đường pitch để đốc thúc học trò, lo lắng khi Luis Suarez sút trúng cột ở phút đầu tiên, tiếc nuối khi những pha dứt điểm của Gareth Bale cùng Sam Vokes ngay sau đó.
Sự nghiêm túc của Giggs dĩ nhiên lan tỏa tới các học trò, để rồi vào những giây cuối cùng, họ vẫn không ngừng tìm kiếm bàn gỡ hòa và Ashley Williams đẩy lên phía trước chơi như một tiền đạo. Tất cả đã rất thất vọng khi chỉ có 3 phút bù giờ, không đủ để họ đảo ngược kết quả.
Vậy là không có Cúp cho Giggs, trong tuần trăng mật của ông. Nó đã bắt đầu theo cách tuyệt vời nhất có thể, với chiến thắng 6-0 trước Trung Quốc, để Giggs trở thành HLV Xứ Wales sở hữu thắng lợi lớn nhất trong ngày ra mắt. Nhưng bây giờ, hẳn huyền thoại của MU đã nhận ra, trước mặt ông là một hành trình đầy gian khó.
Sir Alex Ferguson từng ca ngợi Giggs, nói cậu học trò cũ có “chất thép” trong người để trở thành một HLV xuất sắc. Tuy nhiên, hầu hết đều biết rằng, Fergie vĩ đại hiếm khi dự đoán đúng về tương lai các học trò cũ.
Như ông thừa nhận vào năm 2009, rằng “không bao giờ có thể hình dung Mark Hughes trong vai trò HLV, dù cả triệu năm đi nữa, đồng thời luôn tin Bryan Robson sẽ là chiến lược gia hàng đầu”.
Sự thật là Robson đã khiến 3 CLB đầu tiên, gồm Middlesbrough, Bradford City và West Brom, mà ông dẫn dắt… xuống hạng ngay lập tức. Với hy vọng sự nghiệp huấn luyện khởi sắc hơn, cựu đội trưởng MU phiêu dạt đến tận Thái Lan (2009 nhưng cũng không gặt hái thành công, để rồi ra đi sau 14 tháng.
Còn Hughes, tuy không rực rỡ nhưng ít nhất cũng trụ lại với nghề này 2 thập kỷ, đồng thời để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp tại Xứ Wales, Blackburn, Man City, Fulham, QPR và Stoke. Tuy mới 54 tuổi nhưng ông có tới 4.227 ngày và 444 trận cầm quân ở Premier League, chỉ ít hơn Sir Alex, Arsene Wenger, Harry Redknapp, David Moyes và Sam Allardyce.
Trong quá khứ, Sir Alex từng dẫn dắt vài trăm cầu thủ và gần 50 trong số đó đi theo bước chân ông thầy, trở thành HLV. Riêng tại MU, có đến 33, và Giggs là người mới nhất gia nhập vào danh sách. Thế nhưng tin xấu cho Giggsy, hầu hết người đi trước đều thất bại.
Thành công nhất cho đến nay là Laurent Blanc, với 15 danh hiệu cùng Bordeaux và PSG (bao gồm 4 chức VĐQG Pháp). Mặc dù vậy, Ligue 1 là một giải đấu ít cạnh tranh nên năng lực của Blanc vẫn bị nghi ngờ.
Ngoài Blanc, còn có Henning Berg, Alex McLeish, Ole Gunnar Solskjaer và Gordon Strachan cũng từng VĐQG với Legia Warsaw, Rangers, Molde và Celtic. Song đó đều ở các nền bóng đá không được đánh giá cao. Khi chuyển đến giải đấu chất lượng hơn, ví dụ ở nước Anh, tất cả đều có chung kết cục: bị sa thải.
Cách đây vài ngày, Japp Stam, một cựu học trò khác của Sir Alex, đã bị Reading đá ra đường sau chuỗi 9 trận không thắng, khiến đội bóng tiến gần đến nhóm cầm đèn đỏ ở Championship. Stam thuộc nhóm 9 cầu thủ MU đoạt cú ăn 3 mùa 1998/99 trở thành HLV, và là người thứ 6 thất nghiệp. Hiện chỉ còn 3 vẫn đang theo đuổi con đường này, là Phil Neville (tuyển nữ Anh), Cruyff (Maccabi Tel Aviv) và Giggs.
Không phải cầu thủ xuất sắc nào cũng sẽ là một HLV xuất sắc, và việc từng được huấn luyện bởi một ông thầy giỏi càng không đảm bảo họ sẽ kế thừa các phẩm chất tương tự. Đặc biệt với Sir Alex, thậm chí đã có thể rút ra kết luận, bất cứ học trò cũ nào của ông, nếu ôm mộng theo nghiệp huấn luyện, đều thất bại thảm hại.
Mọi thứ mới chỉ bắt đầu với Giggs. Nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu huyền thoại của MU biến mình thành một ví dụ để chứng minh lập luận trên.