Xuất hiện ở tập 4 vòng Tinh hoa của Thần tượng Bolero năm nay, cô gái khiếm thị sinh năm 1995 Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm trở thành hiện tượng đặc biệt. Chất giọng ngọt ngào qua ca khúc “Hát nữa đi em”, Trâm làm khán giả xao xuyến. Thậm chí HLV Ngọc Sơn rơi nước mắt và chọn làm học trò.
Càng bất ngờ hơn, Ngọc Trâm là VĐV thể thao người khuyết tật quốc gia vừa thi đấu tại SEA Games về. Sau khi tìm đến nhà, phóng viên của Saostar càng thêm bất ngờ trước tài năng và sự cố gắng của Trâm trên con đường âm nhạc, thể thao lẫn con đường đời.
Sáng bán bánh, chiều tập chạy
Nhà Quỳnh Trâm nằm sâu trong một con hẻm trên đường Huỳnh Văn Chính (Tân Phú, TP.HCM) - mái ấm nhỏ là nơi 7 thành viên đang cư ngụ.
Gặp Trâm vào đầu buổi trưa, cô nàng đang loay hoay cân bột làm bánh su kem. Là chị cả trong gia đình có 5 chị em, Trâm ý thức được bản thân phải làm gì đó giúp đỡ cho ba mẹ. Chính vì vậy bên cạnh theo đuổi thể thao, cô đi học làm bánh. Tuy nhiên, thu nhập cũng không nhiều bởi phần lớn đơn hàng chỉ từ bạn bè quen biết.
Một ngày của Trâm thường xoay quanh: Sáng cô làm bánh, chiều lại lên sân Thống Nhất để tập luyện điền kinh cùng HLV Nguyễn Trung Hiếu. Đáng nói, cả hai thầy trò bình thường đều “tập chay” để duy trì thành tích, bởi VĐV khuyết tật chỉ có giải mới có lương.
Vui nhất với Trâm là những khi đi thi đấu về. Có tiền thưởng, cô hầu hết phụ giúp gia đình lo học phí cho các em. Phần tiền ít ỏi còn lại, cô đầu tư vào dụng cụ tập luyện thể thao.
Gia đình nhỏ mê âm nhạc
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có ai theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp nhưng Trâm lại được thừa hưởng niềm yêu thích âm nhạc từ những người thân bình dị này.
Màn đàn hát ngẫu hứng của Trâm và bố mình:
Ông Nguyễn Duy Tân - bố của Ngọc Trâm hiện đang là tài xế xe tải và có “ngón đàn” ghi-ta khá mùi mẫn. Những lúc không chạy xe, ông lại mang đàn cùng bạn bè ca hát. Đặc biệt, ông thích ngồi đàn cho cô con gái lớn hát nghêu ngao. Bên cạnh đó, cô em Quỳnh Trân (song sinh của Trâm) chơi đàn tranh cũng rất hay.
Chính vì vậy, dù gia đình nhỏ của Trâm không khá giả nhưng luôn tràn ngập âm nhạc, tình yêu thương và niềm tin vào cuộc sống. Điều đã giúp cho cô gái sinh ra vốn thiệt thòi có thêm động lực và trên môi luôn nở nụ cười dù đối mặt bất cứ khó khăn, thử thách nào.
Đam mê âm nhạc, giấc mộng “vàng” Para Games
Tính đến nay, Ngọc Trâm đã có 11 năm gắn bó với thể thao người khuyết tật với vô số tấm huy chương lớn nhỏ.
Trong đó, đáng tự hào nhất là 5 chiếc huy chương Para Games. Tuy vậy, Ngọc Trâm vẫn khao khát một lần “hóa vàng” cho 4 tấm huy chương bạc mà cô giành được tại đấu trường khu vực.
Kể về kỷ niệm thi đấu của mình, Ngọc Trâm nhớ lại: “Lần đầu được thi đấu quốc tế của tôi là vào năm 2010 tại giải Thái Lan mở rộng. Thường VĐV khuyết tật sẽ có người dẫn đường nhưng tôi lúc đó không có. Thế là toàn chạy hình zích zắc. May mắn là vẫn giành được HCV. Tôi hy vọng mình có thể giành HCV tại Para Games. Vừa chinh phục bản thân mình”.
Hỏi Trâm liệu rằng có khó khăn trong việc tiếp tục theo đuổi thể thao và đam mê ca hát, cô gái 23 tuổi cười trả lời: “Tôi thấy thể thao và âm nhạc hỗ trợ nhau rất nhiều. Âm nhạc giúp VĐV thể thao tươi vui, tinh thần lạc quan, thoải mái hơn. Thể thao giúp người ca hát có thêm sức khỏe, nội lực. Tôi sẽ cố gắng dung hòa cả hai. Tôi hy vọng mình nhận được nhiều lời mời đi hát. Bởi tôi rất thích được hát. Bên cạnh đó tôi sẽ vẫn tập luyện thể thao”.
Lỡ đường tình duyên vì là người khuyết tật
Là con gái dễ thương, yêu đời, chịu khó, Quỳnh Trâm nhận được sự quý mến của mọi người. Chia sẻ về chuyện tình cảm, cô tâm sự mình cũng từng một hai mối tình nhưng cũng không đi tới đâu.
“Tôi từng yêu người khuyết tật giống như mình. Nhưng gia đình người ta phản đối vì cho rằng tôi sẽ không giúp ích được gì cho con người ta. Thật sự thì họ nghĩ vậy cũng là chuyện bình thường nên tôi chấp nhận đường tình duyên mình lận đận. Với lại người khuyết tật cùng hoàn cảnh còn khó chấp nhận mình, huống hồ người bình thường”.