Phản ứng kỳ lạ của Mourinho lúc Blind sút thắng phạt đền
Tình tiết hấp dẫn nhất tại “Nhà hát của những giấc mơ” vào sáng ngày 1/11/2017 ắt hẳn phải là pha đá phạt đền thứ 2 của Man Utd. Vừa được Jose Mourinho gắn cho mác là “cầu thủ không thể đụng tới”, Romelu Lukaku tưởng chừng anh sắp có cơ hội giải tỏa cơn khát bàn thắng kéo dài suốt tháng qua trên chấm 11m.
Lẽ thường thì một đặc ân vào thời điểm đó sẽ không gặp phải phản ứng đáng kể. Bởi lẽ, Man Utd đang đặt 1 chân vào vòng 1/8 Champions League. Phong độ của Man Utd tại Premier League cũng ấn tượng với ngôi nhì bảng. Và “Quỷ đỏ” đang trên đường lập kỷ lục mới với chuỗi 38 trận bất bại trên sân nhà.
Do đó, Mourinho hoàn toàn có cơ sở để giải tỏa áp lực cho Lukaku. Đấy có thể xem như màn khởi động cần thiết trước trận đấu quan trọng với Chelsea vào Chủ nhật này. Nhưng cho dù thời gian thi đấu chỉ còn chừng 10 phút, Mourinho vẫn rất cẩn trọng. Ông tước quyền đá phạt đền của Lukaku. Thậm chí ông cũng không cho Ander Herrera đá phạt. Mourinho chỉ đạo Daley Blind thực hiện quả 11m.
Cầu thủ người Hà Lan lạnh lùng sút bóng thẳng vào giữa khung thành. Thủ môn Mile Svilar của Benfica đổ người sang bên. Chưa biết đây có phải quyết định hợp lý hay không, vì Blind chưa từng đá phạt đền cho chủ sân Old Trafford. Nhưng kết quả khẳng định “người đặc biệt” đã chính xác.
Vấn đề chỉ là trong lúc các cầu thủ Man Utd mừng bàn thắng, Mourinho lại có vẻ không vui. Đứng ngoài đường biên, ông la hét và ra dấu hiệu gì đấy. Tan trận đấu, ông có vẻ muốn bước vào sân, nhưng chẳng hiểu sao bỗng đổi hướng đi thẳng vào đường hầm. Tất cả biểu hiện nêu trên của Mourinho đều thật khó hiểu.
Thế nhưng, cách giải thích của “người đặc biệt” sau đó có thể nhận ra ông nói thật: “Marcus Rashford chịu trách nhiệm đá phạt đầu tiên ở trận này nhưng lại sút hỏng. Và khi có quả phạt đền thứ 2, anh ta không còn ở trên sân. Các cầu thủ khác đều háo hức muốn nhận trách nhiệm. Romelu và Ander sẵn sàng đá, nhưng tôi chọn Blind”.
“Đấy là chọn lựa của tôi”, Mourinho khẳng định. “Tôi không hiểu tại sao người ta cứ hỏi tôi về vụ này. Tôi chỉ phải trả giá cho quyết định của mình, dù tốt hay xấu. Ở hiệp 1, tôi có quyết định tồi do cầu thủ mà tôi chọn đã đá hỏng. Ở hiệp 2, tôi đơn giản chỉ đưa ra quyết định khác. Các cầu thủ đều tôn trọng quyết định của tôi. Vậy thôi. Hết chuyện”.
Giải mã tên hề tên hề Pennywise trong “người đặc biệt”
Dĩ nhiên là chuyện chưa hết. Vì hiếm có ai vừa ra quyết định chính xác lại tỏ vẻ không vui. Thái độ kỳ lạ mà Mourinho biểu hiện xem ra chỉ có một cách hiểu: Sự không hài lòng của nhà hoạch định chiến lược bỗng nửa đường phải điều chỉnh kế hoạch. Do đó, có thành công vẫn cảm thấy mất vui.
Sự đòi hỏi cao ở bản thân tới mức biến thái này có thể ví như sự tồn tại của gã hề ma quái Pennywise mang theo nỗi ám ảnh của tuổi thơ ẩn sâu trong tâm hồn Mourinho. Trong tiểu thuyết kinh dị “It” của Stephen King được chuyển thể thành phim 2 lần, tên hề Pennywise là nỗi ám ảnh chung của mọi đứa trẻ, nên con quái vật huyền bí “It” thích đội lốt gã này để dọa mấy đứa bé. Vì thế, tên hề Pennywise còn là biểu tượng phản ánh nỗi sợ tột cùng ẩn sâu trong mỗi con người.
Vậy thì ở trong José Mourinho, tên hề Pennywise đến từ thời điểm nào. “Lúc tôi lên 9 hoặc 10 tuổi, cha tôi bị sa thải ngay kỳ Giáng sinh. Ông ấy đang làm HLV, nhưng kết quả không được tốt. Ông ấy vừa thua trận ngày 22 hoặc 23 tháng 12. Đúng hôm Giáng sinh, điện thoại đổ chuông và ông ấy bị sa thải ngay giữa buổi ăn trưa của nhà tôi”, José Mourinho từng tiết lộ câu chuyện về người cha, ông José Manuel Mourinho Félix.
Tất nhiên là sự cố cực sốc đó không đủ để buộc Mourinho chọn lối đi khác với nghề cầm quân. Thế nhưng, món quà Giáng sinh chẳng ai muốn có ấy mãi luôn ám ảnh trong tâm trí ông. Điều đó giải thích tại sao Mourinho không thấy vui dù Blind sút thắng phạt đền. Ông muốn kiểm soát tốt mọi thứ để đảm bảo mình không thất bại - khái niệm đồng nghĩa với mất việc. Vì vậy, diễn biến trận đấu bỗng có tình huống vượt ngoài dự kiến thì dù có thắng, Mourinho vẫn cảm thấy bấp bênh.