1. Người hâm mộ có thể xem qua lăng kính về ba câu chuyện của ba ông chủ ở 3 giải đấu theo cấp độ từ giải hạng Nhì, hạng Nhất và V.League.
Ở Măng Đen, Kon Tum, chủ tịch CLB Kon Tum (đội bóng vừa lên hạng Nhì) - ông Trần Văn Quỳnh đang miệt mài phát triển thương hiệu Cafe’ de Măng Đen và cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ông Quỳnh bảo rằng, mỗi ngày phải nghĩ đến nó 16-18 tiếng, bởi không làm tốt thì khó chăm lo được cho đội bóng Kon Tum, xa hơn là chuyện quyết tâm làm đào tạo trẻ và mang lại niềm vui cho người hâm mộ Kon Tum. Ông Quỳnh còn thẳng thắn kể CLB Kon Tum là đội bóng nghèo, điều kiện còn nhiều khó khăn. Nhưng ông khát khao cống hiến cho bóng đá và sẵn sàng làm theo kiểu “nhặt từng đồng” để lo cho đội bóng, mọi thứ sẽ tốt dần khi chuyện kinh doanh ổn định.
Ông Trần Văn Quỳnh có niềm tin lớn sẽ đưa thương hiệu Cafe’ de Măng Đen ra cả nước, thậm chí trong tương lai ra nước ngoài. Mục đích muốn giúp cho một vùng đất cất cánh, người dân có công ăn việc làm, người nông dân trồng cà phê được sống tốt hơn… Câu chuyện này chỉ ra rằng, đằng sau niềm hạnh phúc của người hâm mộ Kon Tum về tấm vé thăng hạng của đội nhà, đó là sự gian khó thầm lặng của vị Chủ tịch CLB Kon Tum.
“Kon Tum là tỉnh nghèo nhất Tây Nguyên, nên tôi khát khao làm được điều gì đó cho tỉnh nói chung và cho vùng đất Măng Đen nói riêng . Chỉ vài năm nữa, người dân cả trong và ngoài nước sẽ biết đến cafe xứ lạnh Măng Đen, biết đến CLB bóng đá Kon Tum với nhiều câu chuyện nhân văn, đẹp đẽ”, ông Trần Văn Quỳnh nói.
2. Cách Kon Tum gần trăm cây số, Gai Lai - nơi đang có CLB HAGL của bầu Đức. Ai cũng biết bầu Đức gặp vô vàn khó khăn trong gần 1 thập kỷ qua, nhưng vị doanh nhân nổi tiếng nhất bóng đá Việt Nam không hề than thở về thăng trầm làm ảnh hưởng đến tình yêu bóng đá. Bầu Đức từng kể rằng, có những ngày ông làm mệt đến mức ngả lưng ngủ quên luôn trên ghế làm việc, còn chưa kể phải di chuyển bằng xe liên tục qua các tỉnh.
24 năm gắn bó, bầu Đức đóng góp rất nhiều cho bóng đá Việt Nam nhưng rõ ràng có những khoảng lặng trong cuộc đời mà đôi lúc không thể nói thành lời. “Làm bóng đá rất phức tạp và tốn kém. Sau 22 năm, tôi đã tốn kém trên dưới 2.000 tỷ đồng”, bầu Đức nói.
Ông chủ HAGL bây giờ vẫn miệt mài phát triển mảng nông nghiệp, ông tin rằng khó khăn rồi sẽ qua. Người hâm mộ cả nước mong đợi bầu Đức vượt khó thành công, rồi tiếp tục đóng góp thật nhiều cho bóng đá nước nhà.
3. Một người bạn được xem như tri kỷ của bầu Đức về bóng đá, ông Võ Quốc Thắng là một doanh nhân đáng ngưỡng mộ và đầy tâm huyết với bóng đá nước nhà. CLB Long An đã có hơn 22 năm chơi chuyên nghiệp và bầu Thắng chăm lo một cách tử tế nhất, kể cả những giai đoạn thăng trầm trong kinh doanh thì chưa bao giờ người hâm mộ nghe một điều tiếng gì về chuyện tiền bạc của CLB Long An. Cũng ít ai biết rằng, ông chủ tập đoàn Đồng Tâm có thói quen ăn trưa tại căn tin của công ty, phần ăn giống tất cả nhân viên. Bầu Thắng từng kể rằng, những ngày đầu tiên bắt đầu xây dựng Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc, Long An) thì ông phải làm việc đến nửa đêm, bởi ông xem dự án này là tâm huyết cả cuộc đời, là nơi giúp cho rất nhiều người Long An có công ăn việc làm và có nguồn thu để chăm lo cho đội Long An.
Có một lần người viết hỏi bầu Thắng rằng: Với rất nhiều việc ở các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, mỗi ngày thì ông phải dành bao nhiêu giờ để làm việc?
Ông chủ Đồng Tâm cười, rồi nói: “Câu này khó trả lời cho chính xác, vì có những hôm thì tôi phải làm cả ngày lẫn đêm. Tôi chỉ biết là buổi sáng thức dậy từ sớm, sau đó làm việc và mệt lúc nào thì ngả lưng để chợp mắt một tí. Nói như thế nào nhỉ? Tôi đâu thể dừng lại để dành thời gian cho chính mình, vì trách nhiệm của tôi với tất cả những ai đang gắn bó với Đồng Tâm, sau đó trách nhiệm của tôi - một người công dân phải tận tụy làm việc để góp phần phát triển xã hội”.
Không chỉ Cảng Quốc tế Long An, bầu Thắng có khu công nghiệp Thuận Đạo ở Bến Lức, Long An với hơn 50 nghìn người lao động. Tập đoàn Đồng Tâm còn kinh doanh rất nhiều ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Kể ra vài mẩu chuyện về bầu Thắng, bầu Đức, ông Trần Văn Quỳnh để thấy rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì những ông chủ làm bóng đá rất đáng trân trọng và cần ủng hộ họ, bởi chuyện nuôi một đội bóng rất tốn kém. Và không phải ai cũng có thể gắn bó hơn 2 thập kỷ giống bầu Đức và bầu Thắng, hay cố gắng nhặt từng đồng trong thời điểm khó khăn để làm bóng đá như ông Trần Văn Quỳnh.