Bóng đá không có khán giả sẽ chết. Nhưng trước khi làm những điều chinh phục khán giả thì điều kiện cần đầu tiên là phải tạo dựng được niềm tin. Bởi người ta vẫn nói: Mất niềm tin là mất tất cả.
Bundesliga của Đức đã vận hành theo công thức như thế nào để có được các khán đài đầy ắp khán giả, cao hơn cả Premier League, La Liga, Serie A?
Bóng đá Đức thu hút khán giả đến mức giải hạng Nhì (Bundesliga 2) có lượng khán giả trung bình đến sân gần bằng giải vô địch quốc gia Italia (Serie A).
Người Đức không vận hành giải theo kiểu Premier League, hay Real Madrid, Barcelona ở La Liga, tức không có những cuộc chuyển nhượng kiểu “bom tấn” theo kiểu kim tiền. Nhưng hai giải đấu của Đức thu hút khán giả đến sân trong sự ngưỡng mộ của cả châu Âu.
GĐĐH DFL (cơ quan điều hành Bundesliga) Christian Seifert nói rằng: “Chúng tôi bắt đầu từ lợi ích của người hâm mộ. Trên cơ sở đó, chúng tôi tìm các nhà tài trợ và giới truyền thông. Người hâm mộ luôn được đặt lên cao nhất trong mục tiêu phát triển của Bundesliga”.
Thế mới thấy rằng, khán giả có vị trí đặc biệt cho sự phát triển của bóng đá. Nếu để cho khán giả mất niềm tin vào giải đấu thì bóng đá không còn là… bóng đá.
Với người Đức, nếu có 1 đội bóng nào lách luật, tham gia cuộc chơi theo kiểu không sòng phẳng như các đội bóng khác thì phần còn lại của giải đấu sẽ “tẩy chay”. Red Bull Leipzig là ví dụ. Đội bóng này bị khán giả Đức phản ứng do sống nhờ tiền của nhà tài trợ, bị ví như “đội bóng bằng nhựa”. Tức nhà tài trợ có thể rút ống thở bằng cách thôi đầu tư thì đội bóng đó sẽ “chết”. Người Đức muốn bóng đá phải xây dựng có tính truyền thống, có giá trị lâu dài.
Câu chuyện của Red Bull Leipzig và Bundesliga tạo dựng niềm tin cho khán giả, nếu một người hâm mộ bóng đá Việt Nam đọc được sẽ nghĩ gì khi nhìn về V.League?
V.League đến lúc này chưa có đội bóng nào có thể nói “lấy bóng đá nuôi bóng đá” và bền vững để tạo ra giá trị truyền thống như Bundesliga. Tất cả phải phụ vào doanh nghiệp, hoặc các ông bầu mới sống được. Ngược lại, doanh nghiệp ngừng đầu tư thì “chết”, tức các đội ở V.League đang tồn tại giống như cách CĐV Đức nói là “đội bóng bằng nhựa”.
Thực tế, Xuân Thành Sài Gòn đã phải “chết chìm” khi bầu Thụy bỏ ngang. Khánh Hòa phải bán suất cho Hải Phòng vì doanh nghiệp rút lui. Hòa Phát Hà Nội biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam khi bầu Long nghỉ chơi… Rất nhiều ví dụ về “những đội bóng nhựa” của Việt Nam bị vỡ, biến mất.
Câu chuyện “đội bóng bằng nhựa” ở Việt Nam thực sự ra vẫn chưa phải là vấn đề đáng lo nhất, vì trên thế giới cũng có nhiều đội bóng lớn phải tồn tài như thế. Chúng ta phải chấp nhận trong hoàn cảnh của chính mình. Nhưng có một điều đáng sợ hơn là cuộc chơi đang bị mất niềm tin với người hâm mộ và chính những người trong cuộc. Ví dụ tin đồn “một ông chủ nhiều đội bóng”. Nhiều đội bóng cùng sống chung trên vai 1 người, chỉ cần người đó nghỉ thì số phận của các đội bóng này cùng… đắm.
Nếu đúng có chuyện “các đội bóng bằng nhựa” sống trên vai 1 một ông bầu thì còn ảnh hưởng đến các đội bóng khác. Vì chính những người trong cuộc thấy không sòng phẳng nên nghỉ. Ví dụ CLB Thanh Hóa rơi vào cảnh như thế khi bầu Quyết rút lui, với lý do chỉ có 1 mình FLC Thanh Hóa thì không thể vô địch. Xuân Thành Sài Gòn “chết” vì bầu Thụy bất mãn chuyện 1 ông chủ hai đội bóng…
Xa hơn, hệ lụy lớn là bóng đá Việt Nam mất niềm tin với khán giả. Vì ngay đến những người uy tín như bầu Đức nói “5 đánh 1” thì làm sao khán giả có thể tin vào giải đấu. Thực tế đã diễn ra như thế, sau phát ngôn của bầu Đức thì HLV Chung Hae Soung cũng bắt đầu sứt mẻ niềm tin vào V.League.
Nghịch lý của bóng đá Việt Nam là có những cái sai nhỏ theo kiểu như phát ngôn này nọ của HLV Võ Đình Tân thì VPF lập tức bảo làm ảnh hưởng đến giải đấu, nhưng chuyện to như “5 đánh 1” thì không ai đứng ra làm sáng tỏ cho người hâm mộ. Kiểu như bạn dựng 1 xe hàng rong bán ở lề đường nếu lấn chiếm vỉa hè sẽ bị xử lý, còn xây tòa nhà không đúng quy định thì có thể không bị nhìn thấy.
Bóng đá sẽ chết nếu không có khán giả, nhưng muốn có khán giả thì trước tiên phải tạo dựng được niềm tin. Bóng đá Việt Nam có đủ niềm tin với người hâm mộ chưa? Tôi nghĩ độc giả có thể tự trả lời mà không cần đến VFF, VPF lên tiếng.