Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Những cô gái không quà cũng… không hoa ngày Valentine

Hôm qua là ngày lễ Tình nhân (Valentine), một ngày để các chị em rủ nhau khoe quà trên mạng xã hội.

6 năm trước, tôi đến sân Hoa Lư (TPHCM) trước ngày Quốc tế phụ nữ (8/3). Hôm đó, chị Kim Chi đang cho đội nữ TPHCM tập luyện. Sau buổi tập, tôi xin chị Chi được phỏng vấn về chủ đề ngày 8/3. Vì tình cảm chị em thân thiết nên chị Chi không từ chối. Chỉ là trong lúc trò chuyện thì chị rưng rưng nước mắt khi nói về ngày 8/3.

Từ những giọt nước mắt của chị Kim Chi ngày đó, tôi gần như không viết thêm về các chủ đề như 8/3, 14/2 (Valentine) của bóng đá nữ. Bởi chúng ta có thể nghĩ đơn giản là dành cho sự tôn vinh cho các chị em, nhưng đằng sau là nỗi buồn tê tái của họ. Vì vốn dĩ đời cầu thủ nữ đi đá bóng thì hiếm người có hoa, quà vào dịp Valentine, 8/3, 20/10…

Tuyết Dung - cô gái nổi tiếng của bóng đá Việt Nam. Không ít lần tôi hỏi Dung về chuyện tình yêu, hay tâm sự vào những ngày lễ. Nhưng sau lần thấy Dung bật khóc thì tôi không hỏi em về chuyện riêng tư. Tôi biết nếu hỏi thì Dung sẽ kể nhưng chắc chắn em rất buồn.

Hôm qua là ngày lễ Tình nhân (Valentine), một ngày để các chị em rủ nhau khoe quà trên mạng xã hội. Nhưng tôi “dạo” qua các facebook cá nhân của tuyển nữ Việt Nam, hầu hết không có 1 tấm ảnh nào nói về quà và hoa nhân ngày Valentine.

Tôi chờ qua ngày Valentine mới đặt bút viết về họ. Tôi xin lỗi các cô gái về bài viết này. Vì có thể nhiều cầu thủ nữ, ban huấn luyện với những chị Kim Chi, Kim Hồng đọc được bài viết này sẽ buồn. Tuy nhiên, nhân sự kiện tuyển nữ Việt Nam đi World Cup và nhận được nhiều sự quan tâm thì tôi muốn nói thêm về những sự hy sinh thầm lặng, sự đánh đổi rất lớn của đời con gái đi đá bóng.

Những cô gái không quà cũng… không hoa ngày Valentine Ảnh 1
Tuyển nữ Việt Nam chính là những cô gái không quà cũng… không hoa ngày Valentine. Ảnh: VFF

Đúng hơn, đời con gái đi đá bóng có quá nhiều điều thua thiệt so với chính các gái bình thường trong cuộc sống. Từ mái tóc, làn da… đến vóc dáng và hạnh phúc riêng tư đều phải đánh đổi cho sự nghiệp thể thao. Ví dụ hôm qua thì họ là những cô gái không quà cũng… không hoa.

Nói như ông Chung “gái” thì gắn bó nhiều năm với bóng đá gái, thứ mà ông mong nhận nhất là những tấm thiệp cưới của họ. Nhưng rất hiếm nhận được thiệp của học trò.

Mong rằng những ngày qua thì sự quan tâm rất lớn đến bóng đá nữ không phải theo kiểu thấy thắng là khen, thấy kỳ tích là thưởng. Nếu có thưởng thì hãy thưởng cho trọn vẹn, theo đúng nghĩa “thương thì thương cho trót, vót thì vót cho tròn”. Đừng để người được nhiều, kẻ không có thì kém vui như vụ thưởng xe máy.

Và không có phần thưởng nào ý nghĩa bằng chuyện làm sao cải thiện thu nhập cuộc sống cho các cầu thủ nữ trong tương lai. Đây là vấn đề thuộc về trách nhiệm của những người quản lý ngành thể thao.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất