Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Từ những cầu thủ không biết chữ đến Xuân Trường viết sách bằng tiếng Anh

Một câu chuyện có thật của làng bóng đá Việt Nam là chàng cầu thủ "cưa đổ" hot girl dù anh không... biết chữ.

Hoàng Phương, cầu thủ thi đấu cho Vũng Tàu “cưa đổ” bạn gái trong suốt ba tháng bằng cách nhờ bạn nhắn tin dùm. Sau quãng thời gian khó khăn nhất, Hoàng Phương chính thức hẹn hò với Thiên Lý và anh “bật mí” sự thật không biết chữ với bạn gái trong một lần đi xem phim. “Anh nói với em cái này, để em xác định xem hai đứa có quen nhau không… Anh không biết chữ. Nói thẳng với em vậy luôn… Anh cho em thời gian suy nghĩ”.

Lời thú nhận của bạn trai khiến cho Thiên Lý cứ ngỡ như chuyện đùa. Nhưng kết quả là sự thật như thế, Hoàng Phương không hề biết chữ. 

Chuyện cầu thủ không biết chữ là không hề hiếm gặp trong làng bóng đá Việt Nam trong quá khứ. Cựu thủ môn Đức Hùng cũng không biết chữ. Chàng thủ môn này từng thi đấu cho Khánh Hòa, Ninh Bình nên cũng khá nổi tiếng, nhất là chuyện rời phố Biển để đến CLB Ninh Bình. Nhưng có một bí mật lớn là Đức Hùng không biết chữ. Nguyên nhân được Đức Hùng lý giải là nhà nghèo, cơm không đủ ăn thì nói gì đến chuyện học hành.

Sau này có vợ, Đức Hùng được vợ dạy cho viết chữ. Thế nên, Đức Hùng đã có thể biết đọc, viết chữ và nhắn tin một cách bình thường, không còn phải “toát mồ hôi” với con chữ.

Không chỉ là câu chuyện con chữ, văn hóa thấp cũng khiến cho không ít cầu thủ Việt Nam rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” với những bản hợp đồng. Xa hơn là chuyện họ phải đối diện với những sự cám dỗ bên ngoài bóng đá, từ cách quản lý đồng tiền đến những cuộc chơi khi rủng rỉnh tiền bạc với các khoản lót tay và lương cao.

Ngược lại, những cầu thủ có văn hóa tốt thì gần như có một cái kết viên mãn với bóng đá. Cựu tiền đạo tuyển Việt Nam - Nguyễn Hải Anh bây giờ có nhà mặt phố, hai cửa đồ kinh doanh áo cưới ở TPHCM, mức thu nhập rất cao. Tất cả là nhờ anh biết đầu tư sau những khoản tiền kiếm được từ bóng đá. Sự khác biệt chính là Hải Anh đi đá bóng chuyên nghiệp từ ghế giảng đường. Anh tốt nghiệp Đại học rồi mới bén duyên với bóng đá.

Lương Xuân Trường - cầu thủ có chuyên môn giỏi và trình độ học vấn được xem như niềm tự hào của bóng đá Việt Nam.

Hiện tại, câu chuyện cầu thủ Việt Nam “mù chữ” đã trở thành quá khứ. Bởi trình độ của cầu thủ được nâng cao lên rất nhiều, nhất là những đội bóng ý thức được chuyện dạy văn hóa cho cầu thủ. Ví dụ Lương Xuân Trường, Công Phượng vừa chung tay cùng HLV Park Hang Seo, 2 trợ lý tuyển Việt Nam để ra mắt sách “2.000 từ vựng chuyên ngành bóng đá Anh - Việt - Hàn”. 

“Phần tiếng Anh do Xuân Trường và Youngsub hỗ trợ, thực hiện. Phần tiếng Hàn do mình ôm “show”. Sách có lời giới thiệu của HLV Park Hang Seo, cùng những cầu thủ nói tiếng Anh tốt như Xuân Trường, Công Phượng”, trợ lý Lê Huy Khoa chia sẻ.

Thật khó để đòi hỏi cầu thủ vừa đá bóng giỏi vừa học giỏi, vì họ có sự đánh đổi chứ không thể dàn trải mọi thứ. Nhưng chuyện các cầu thủ được ăn học tới nơi tới chốn sẽ tạo ra những ý nghĩa lớn. Đúng hơn, một cầu thủ được ăn tập, dạy bảo trong một môi trường bài bản, đầu tư tử tế về mọi mặt sẽ tạo nên những giá trị rất lớn vượt ra khỏi khuôn khổ bóng đá.

Bóng đá Việt Nam đang “lột xác” về tư tưởng, văn hóa của các cầu thủ. Từ quá khứ có những cầu thủ không biết chữ đến hiện tại có những người chung tay viết sách, thậm chí là bằng tiếng Anh. Lương Xuân Trường là ví dụ thiết thực.

Xuân Trường ăn tập ở Học viện bóng đá HAGL - JMG, một môi trường bài bản và tử tế với việc đào tạo cầu thủ có văn hóa, tốt nghiệp đại học và biết ngoại ngữ.

Bóng đá Việt Nam thoát “mù chữ” cho cầu thủ nhưng còn phải tiếp tục thay đổi để hướng đến những điều lớn lao hơn. Chuyện cầu thủ Việt Nam cần biết ngoại ngữ để xuất ngoại là một vấn đề. Đoàn Văn Hậu sang Hà Lan chơi bóng nhưng anh phải dự bị dài hạn, nguyên nhân được chính HLV trưởng CLB Heerenveen lý giải là… thiếu ngoại ngữ. Không có ngoại ngữ thì không thể giao tiếp trong cuộc sống, hay tiếp thu các bài tập và trao đổi với đồng đội trên sân. 

Độc giả có thể nhìn câu chuyện văn hóa quan trọng thế nào trong bóng đá qua lăng kính của nước Đức - nơi có nền bóng đá phát triển hàng đầu thế giới và ĐTQG có 4 lần vô địch thế giới. Bóng đá Đức nói riêng và bóng đá thế giới nói chung không hề hiếm những cầu thủ tốt nghiệp đại học, thạc sĩ hay tiến sĩ. Nhưng mặt bằng chung thì các cầu thủ Đức có trình độ văn hóa rất cao. Điển hình thủ Manuel Neuer từng gây sốc khi tham dự chương trình “Ai là triệu phú” ở Đức và chiến thắng với giải thưởng với số tiền 500.000 euro. 

Thành tích trong bóng đá là quan trọng nhưng trước khi gặt hái thành công thì chuyện tạo ra một nền móng vững chắc trên nền tảng giáo dục, rõ ràng sẽ mang đến những sự thay đổi lớn lao cho cả một nền bóng đá. Hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục có thêm những cá nhân xuất sắc như Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh…, bởi họ không chỉ đá bóng giỏi, biết ứng xử trên sân cỏ mà còn làm tấm gương cho giới trẻ trong quá trình học tập.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất