Từ văn bản phản hồi cho 6 CLB
Như Saostar đăng tải vào hôm qua (26/9), VPF bác chuyện đại hội bất thường: HAGL, Bình Dương và 4 CLB làm đơn không đúng luật doanh nghiệp và điều lệ VPF.
Cụ thể, VPF phản hồi CLB HAGL và 5 CLB cùng một nội dung rằng: "Việc yêu cầu triệu tập ĐHCĐ bất thường của Quý cổ đông không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3,4 Điều 115 Luật doanh nghiệp 2020 và khoản 3 Điều 24 Điều lệ Công ty VPF. Do đó, yêu cầu của Quý cổ đông không thuộc trường hợp ĐHCĐ bất thường của Hội đồng quản trị Công ty VPF".
Chưa bàn đến chuyện các CLB và VPF đúng hay sai, trên tinh thần thì VPF liệu đã làm đúng trách nhiệm như mong muốn của các cổ đông hay chưa?
Vì chuyện có đến 6 CLB muốn đại hội cổ đông bất thường và gửi đơn từ cuối tháng 8 nhưng VPF đợi đến cuối tháng 9 mới phản hồi. Đúng ra, VPF cần sớm trả lời cho các CLB chứ không phải để "ngâm", bởi sự việc này rất nghiêm trọng với VPF.
Hơn hết, vai trò của VPF là không phải bắt bẻ câu chữ mà phải nhìn thẳng vào sự việc: 6 CLB phản ứng, muốn bầu lại lãnh đạo. Chuyện VPF nói các CLB chưa đúng thì bản chất chỉ là thủ tục hành chính, điều quan trọng nhất vẫn là số đông CLB muốn bầu lại vì mất niềm tin với lãnh đạo VPF ở hiện tại.
Ví dụ CLB Hải Phòng có đơn gửi vào ngày 26/8 với nhận xét rất nặng về VPF: "Nhiều CLB đã có ý kiến về việc đề nghị tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để xem xét việc bầu lại các thành viên HĐQT và các chức danh lãnh đạo của VPF do sự yếu kém, thiếu minh bạch, áp đặt, lợi ích nhóm, không tôn trọng pháp luật, không quan tâm đến quyền lợi của các câu bộ, vô cảm với xã hội, xa rời với tiêu chí hoạt động của công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam".
Nhưng VPF chỉ phản hồi cho CLB Hải Phòng vào ngày 25/9, tức tròn 1 tháng có đơn. Sự việc này nếu so sánh với văn bản của VPF từng gửi CLB Hải Phòng về phát ngôn của Chủ tịch Văn Trần Hoàn thì quá khác biệt. Văn bản được ký chỉ sau vài ngày có phát biểu của ông Hoàn.
Đến chuyện ở VPF
Cả 6 văn bản của VPF được ký bởi ông Trần Anh Tú, Chủ tịch VPF. Nhưng ngày 17/8 thì ông Tú làm giấy uỷ quyền cho ông Nguyễn Minh Ngọc (phó chủ tịch VPF kiêm Tổng giám đốc VPF và Trưởng ban điều hành giải). Ông Tú giao lại mọi quyền hạn của Chủ tịch VPF cho ông Ngọc từ ngày 25/8/2021 đến ngày 5/10/2021.
Câu chuyện của ông Trần Anh Tú ký 6 văn bản dù uỷ quyền cho ông Ngọc đến ngày 5/10, có thể là chuyện bình thường. Vì ông Tú có quyền thu lại quyền Chủ tịch VPF. Nhưng vấn đề cần nói là tinh thần trách nhiệm ở VPF, liệu có đúng như mong muốn của các CLB?
Ông Trần Anh Tú uỷ quyền cho cấp dưới trong thời điểm V.League 2021 xảy tranh cãi gay gắt về chuyện huỷ hay hoãn. Và hai giải đấu chuyên nghiệp đến ngày 23/9 mới có thông báo chính thức dừng giải từ VFF.
Sự thiện cảm của nhiều CLB dành cho ông Trần Anh Tú ở mức rất thấp, vì nhiều CLB chỉ trích ngay tại cuộc họp online vào ngày 23/8. Nhưng trong giai đoạn quan trọng nhất của hai giải đấu chuyên nghiệp và chuyện các cổ đông phản ứng thì ông Tú uỷ quyền lại cho cấp dưới với thời gian dài hơn 1 tháng.
VPF và futsal rõ ràng là hai việc khác nhau. Ông Trần Anh Tú là Chủ tịch VPF thì phải lo chuyện của VPF. Nhưng futsal đá xong thì 6 CLB mới nhận được phản hồi của VPF về chuyện đại hội cổ đông bất thường. Sự việc này dễ khiến cho nhiều người có cảm nhận Chủ tịch VPF lo xong việc futsal mới xử lý chuyện của VPF.
Bầu Đức từng nói thẳng ông Trần Anh Tú ngồi nhiều ghế mang đến sự bất cập lớn, khó hoàn thành tốt công việc. Nếu nhìn từ phản ứng của nhiều CLB, trong đó có 6 đội bóng muốn bầu lại lãnh đạo VPF thì khó nói ông Trần Anh Tú đang làm tốt ở VPF. Vì làm tốt thì các CLB sẽ không phản ứng và đề nghị đại hội cổ đông bất thường.
Nhìn vào VPF, bầu Đức và các CLB nghĩ thế nào? Họ chắc chắn không hài lòng, bằng chứng là một loạt phản ứng trên báo chí, tại cuộc họp của VPF và nhiều đề nghị bầu lại lãnh đạo.