Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Nhìn Nhật Bản và Tây Ban Nha, lo cho tuyển Việt Nam thời HLV Troussier!

World Cup 2022 chứng kiến các đội bóng chuyền nhiều và chơi kiểm soát bóng sớm cuốn gói về nước.

Nhìn từ Nhật Bản và Tây Ban Nha

Ở World Cup 2022, Nhật Bản là đại diện châu Á chơi ấn tượng nhất khi đánh bại cả hai cựu vương là Đức và Tây Ban Nha. Đây là minh chứng cho triết lý bóng đá kiểm soát bóng đã không còn hiệu quả và dễ bị các đối thủ bắt bài.

Trong ngày ra quân, Nhật Bản chỉ có vỏn vẹn 24% thời gian kiểm soát bóng nhưng đánh bại tuyển Đức với tỷ số 2-1. Số đường chuyền của Nhật Bản cũng thấp xa tuyển Đức với 269 so với 771. 

Thời gian kiểm soát bóng của Nhật Bản còn tiếp tục thấp khi đụng Tây Ban Nha ở loạt cuối. Nhà vô địch World Cup 2010 kiểm soát bóng lên đến 83%, còn đại diện châu Á chỉ có 17%. Đây là thời gian kiểm soát bóng thấp kỷ lục. Tây Ban Nha cũng lần thứ hai cán mốc hơn 1000 đường chuyền (1058) trong 1 trận đấu, Nhật Bản chỉ có 228 đường chuyền. Vấn đề Nhật Bản thắng chung cuộc 2-1 để đi tiếp, Tây Ban Nha phải xếp thứ 2. 

Nhìn Nhật Bản và Tây Ban Nha, lo cho tuyển Việt Nam thời HLV Troussier! Ảnh 1
Tây Ban Nha phơi áo trước Nhật Bản dù kiểm soát bóng 83%.

Ở một kịch bản khác, Nhật Bản kiểm soát bóng và chuyền nhiều thì thua Costa Rica - đội bóng đại bại 0-7 trước Tây Ban Nha. Nhật Bản có 57% thời gian kiểm soát bóng và thực hiện 582 đường chuyền, còn Costa Rica có lần lượt 43% và 443 đường chuyền. 

Trong hai kỳ World Cup liên tiếp, triết lý bóng đá chuyền nhiều và kiểm soát bóng đã không còn lên ngôi. Tây Ban Nha và Đức đều bị loại sớm, hai đội từng lần lượt vô địch World Cup vào năm 2010 và 2014. Tây Ban Nha chính là minh chứng rõ nhất, bởi họ dễ dàng đẹp Costa Rica nhưng đụng một đối thủ thực dụng như Nhật Bản thì "ngã ngựa", sau đó bị Marocco loại dù có 77% thời gian kiểm soát bóng và 1019 đường chuyền.

Sau chức vô địch World Cup 2010, Tây Ban Nha có thành tích 3 kỳ tiếp theo lần lượt gồm bị loại từ vòng bảng, hai lần bị loại ở vòng 1/8. Thứ bóng đá kiểm soát và chuyền nhiều của Tây Ban Nha thực sự đã không còn hiệu quả, trong khi Pháp thành công với lối chơi thực dụng với 2 kỳ World Cup liên tiếp vào đến trận chung kết và 1 lần vô địch.

Cơ hội nào cho tuyển Việt Nam?

Với tuyển Việt Nam, liệu sẽ ra sao khi HLV Troussier muốn chơi bóng đá kiểm soát và chuyền nhiều?

HLV Philippe Troussier nói: "Đối với tôi, phòng ngự phản công chỉ là một phần của bóng đá. Chúng ta có thể áp dụng chiến thuật này nhưng tuỳ thuộc vào đối thủ, hoàn cảnh trận đấu.

Những trận ở cấp độ châu Á, khi chúng ta đối đầu đối thủ lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc thì có thể phỏng đoán chúng ta chỉ có thể kiểm soát bóng từ 30-40% trong thời gian thực tế. Phải có đấu pháp thiên về phòng ngự phản công nhiều hơn. Nhưng đối thủ cùng đẳng cấp, trong Đông Nam Á chẳng hạn, thì đương nhiên chúng ta được đánh giá mạnh hơn, có thể kiểm soát bóng vượt trội hoàn toàn so với đối thủ.

Lúc đó triết lý của tôi muốn đội bóng áp dụng, đó là kiểm soát bóng tốt, có nhịp chơi hợp lý, không nhất thiết lúc nào cũng phải tấn công nhanh mà có thể nhịp bóng nhanh chậm tuỳ hoàn cảnh, làm thế nào không bị mất bóng một cách dễ dàng. Các cầu thủ trong hoàn cảnh đó làm thế nào ra quyết định chơi bóng cho hợp lý và đặc biệt có sự hiệu quả trong 1/3 cuối sân".

Nhìn Nhật Bản và Tây Ban Nha, lo cho tuyển Việt Nam thời HLV Troussier! Ảnh 2
U23 Việt Nam nhận đến 7 bàn thua và 0 bàn thắng với lối đá chuyền nhiều.  Ảnh: VFF

Chúng ta sẽ thấy triết lý bóng đá kiểm soát và chuyền nhiều hứa hẹn rất đẹp nếu gặp đối thủ yếu, tổ chức kém. Tuyển Việt Nam có thể thắng Lào với cách biệt 6 - 7 bàn thắng. Nhưng mọi thứ sẽ khác biệt nếu đụng Indonesia, Malaysia với lối chơi phòng ngự phản công. Những trận đấu ở giải giao hữu vừa qua đã cho thấy lối chơi của U23 Việt Nam không hiệu quả và dễ bị thủng lưới khi đối thủ phản công. 7 bàn thua, 0 bàn thắng và 3 thất bại, con số nhìn theo chiều hướng nào thì HLV Troussier cũng làm chưa tốt.

Nhiều ý kiến cho rằng HLV Troussier cần thêm thời gian. Sự thật nhà cầm quân người Pháp đã làm việc với lứa cầu thủ hiện tại từ năm 2019, cộng thêm gần 1 tháng rèn quân khi V.League 2023 tạm dừng. Trên thế giới, trừ bóng đá Việt Nam thì không có nền bóng đá nào có khái niệm HLV cần thêm thời gian để xây lối chơi và rèn luyện cầu thủ theo kiểu tập trung để luyện chiến thuật một tháng, hoặc vài tháng. Điển hình HLV Polking chỉ cần 1 tuần để giúp Thái Lan vô địch AFF Cup 2020 với lối chơi nhỏ, kiểm soát trận đấu.

Nên nhớ, tuyển Việt Nam muốn đi World Cup 2026 thì phải thắng những đối thủ mạnh như Iraq, UAE, Oman, Thái Lan, Qatar... Thật lo cho tuyển Việt Nam nếu chọn lối chơi kiểm soát bóng và chuyền nhiều trước những đối thủ kể trên, giống như HLV Troussier đang cố gắng áp dụng cho U23 Việt Nam.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hoài Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất