“Người Việt Nam rất yêu bóng đá nhưng đó là bóng đá chiến thắng”. Đó là phát biểu của HLV Park Hang Seo sau 2 năm cầm quân ở Việt Nam. Và bản thân ông Park không dám chắc duy trì sự thành công cho bóng đá Việt Nam đến thời điểm nào, bởi trong bóng đá không có đội bóng thắng mãi mãi, cũng không có HLV nào luôn đứng mãi trên đỉnh cao sự nghiệp.
Câu chuyện kể trên được nhìn từ chính HLV Park Hang Seo ở quá khứ. 18 năm trước, Ông Park là trợ lý cho HLV Hiddink, cùng tuyển Hàn Quốc gây chấn động bóng đá thế giới khi đi đến bán kết World CUP 2002. Chỉ một năm sau thì Hàn Quốc (tứ đại anh hào World Cup) đã thua Việt Nam 0-1. Nhưng sự nghiệp HLV Park Hang Seo còn chịu cảnh cay đắng hơn rất nhiều, vì ông bị sa thải chỉ vài tháng sau World Cup 2002, lý do là Olympic Hàn Quốc chỉ đi đến bán kết ASIAD năm 2002.
Rõ ràng, không đội bóng nào là bất khả chiến bại, không HLV nào không từng trải qua những tháng ngày cay đắng trong sự nghiệp. Ông Park và tuyển Việt Nam cũng khó thoát kịch bản chung của bóng đá. Quan trọng là sau những cột mốc thành công thì di sản để lại là gì, qua đó làm hành trang cho tương lai. Điều đó càng có ý nghĩa lớn với những nền bóng đá đang phát triển như Việt Nam, bởi con đường vươn tầm châu lục vẫn còn có khoảng cách lớn.
Bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo liên tiếp thành công qua các giải đấu như U23 châu Á 2018, ASIAD 18, AFF Cup 2018 (vô địch), ASIAN Cup 2019, SEA Games 30 (HCV). Hai năm rực rỡ này góp phần giúp cho V.League có thêm khán giả, các doanh nghiệp chịu đầu tư tiền bạc để Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cải thiện tài chính, nhiều trung tâm bóng đá ra đời… Tất cả là những tín hiệu rất đáng mừng để người hâm mộ kỳ vọng về sự phát triển chung.
Nhưng một thực tế sòng phẳng cần được nhìn nhận, đến thời điểm nhất định thì tuyển Việt Nam sẽ không còn tạo ra thành công, đúng hơn là thứ bóng đá chiến thắng như mong đợi của người hâm mộ. Cũng không loại trừ có những sự chỉ trích dồn về phía thầy trò HLV Park Hang Seo, một thói quen của nhiều người hâm mộ: Thắng tung hô, thua “ném đá”.
Vậy điều quan trọng của bóng đá Việt Nam sau những cột mốc dưới thời HLV Park Hang Seo là gì?
Câu hỏi này phải dành cho VPF và VFF. Khi bóng đá thăng hoa thì lãnh đạo bóng đá càng phải chứng tỏ được vai trò của những người đang cầm trịch nền bóng đá đang có các ĐTQG thành công số 1 khu vực (tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup và U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 30). Đó là những thay đổi, kế hoạch để giúp bóng đá Việt Nam phát triển chứ không phải xảy ra những vấn đề như câu chuyện chỉ trích lên quan đến các chiếc ghế.
Ví dụ bầu Đức từng tranh cãi với bầu Tú về chuyện một người ngồi nhiều ghế ở VPF vào năm 2018. Bầu Đức cũng tức giận vì tiêu chí bằng cử nhân đại học. Không sớm không muộn thì VFF lại “thòng” chuyện bằng cấp sau khi U23 Việt Nam giành Á quân U23 châu Á 2018. Còn VPF rơi vào cảnh một người ngồi đến ba ghế (Chủ tịch, Tổng giám đốc VPF và Trưởng giải).
Gần nhất, câu chuyện V.League 2020 bao giờ lăn bóng trở lại tạo nên tranh cãi. VPF bị lãnh đạo CLB phê bình ngay tại cuộc họp, bởi công văn liên quan đến bóng lăn có trước công văn về dịch Covid-19. Câu chuyện bầu Tú ngồi 2 ghế ở VPF tiếp tục trở thành chủ đề tranh luận, bị lãnh đạo CLB ở V.League phản ứng.
Các ĐTQG thành công nhưng câu chuyện chung của bóng đá Việt Nam đang tồn đọng nhiều vấn đề. Trong đó, VPF đã và đang trở thành bài toán cần được giải một cách hợp lý. Ví dụ bóng đá Việt Nam liệu có thiếu người giỏi khi để bầu Tú ngồi suốt 2 năm trong vai trò Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF, trong khi ông Tú đang là Trưởng ban Futsal, ủy viên Thường trực VFF, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TPHCM?
Nếu không giải quyết được khúc mắc nơi thượng tầng VPF thì liệu V.League có tốt lên để bắt kịp Thai League? Đây là câu hỏi không chỉ dành cho các CLB chuyên nghiệp mà còn với VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam)? Vì VPF ra đời nhằm tách bạch khỏi VFF nhưng bây giờ người của VFF đang nắm giữ quyền điều hành VPF.
Đừng để lãng phí thành công của các ĐTQG. Bài học này từng xảy ra với bóng đá Việt Nam khi ĐTVN đi đến tứ kết ASIAN Cup 2007, vô địch AFF Cup 2008 nhưng mọi thứ nhanh chóng phai nhạt, chỉ còn là chuyện cột mốc. Thực trạng của nền bóng đá đã xảy ra chuyện tiêu cực ở V.League, khán giả quay lưng. Hậu quả là thành tích các ĐTQG chịu bết bát trong nhiều năm liền. Mọi thứ chỉ tốt trở lại khi có “đám trẻ” của bầu Đức, lứa U20 Việt Nam dự U20 World Cup và HLV Park Hang Seo.