Đẳng cấp của nữ tỷ phú Madam Pang
2 triệu baht là số tiền mà Madam Pang treo thưởng cho tuyển Thái Lan trước trận tranh hạng Ba ở King’s Cup 2022. Đây là một ví dụ để thấy đẳng cấp của một doanh nhân làm Trưởng đoàn ĐTQG, họ sẽ làm mọi cách để đội tuyển thắng vì lo sợ mất uy tín.
Ở AFF Cup 2020, Madam Pang bỏ tiền túi mua một loạt đồ hiệu để tuyển Thái Lan vừa giải trí vừa nhận quà xịn xò. Nữ tỷ phú Thái Lan cũng nhiều lần thưởng hậu hĩnh cho các đội tuyển Thái Lan. Tất cả tạo ra cú hích tinh thần lớn cho “voi chiến”.
Câu chuyện ở SEA Games 31 là minh chứng lớn nhất. Madam Pang bay về Thái Lan và mang đồ ăn sang Việt Nam. Lý do nhiều cầu thủ Thái Lan nhớ quê nhà và thèm đồ ăn của Thái Lan. Bà cũng liên hệ một nhà hàng Thái Lan chế biến đồ ăn. Nếu không có tiềm lực tài chính mạnh thì Madam Pang không làm được như thế. Nên nhớ, Liên đoàn bóng đá Thái Lan rơi vào cảnh lâm nợ.
Ngoài ra, tư thế doanh nhân và thường thưởng to cho tuyển Thái Lan giúp Madam Pang tạo ra ảnh hưởng với chính các cầu thủ Thái Lan. Đơn giản là nữ tỷ phú chỉ bỏ tiền túi thưởng cho họ, không phải theo đội để chia tiền thưởng. Điều đó giúp cho Madam Pang có thể làm cầu nối để tác động các ngôi sao về phục vụ ĐTQG ở các giải đấu không thuộc FIFA, tức các CLB có quyền không nhả quân.
Thắng thua trên sân là chuyện của HLV, chuyên môn các cầu thủ. Nhưng hậu phương vững mạnh, tiền thưởng tạo cú hích tinh thần thì dấu ấn của Madam Pang thực sự lớn. Có thể nói khác biệt hoàn toàn so với chuyện của tuyển Việt Nam, khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam thưởng nóng cho đội tuyển. Chỉ đến lúc có thành tích thì các doanh nghiệp thưởng cho thành công của thầy trò HLV Park Hang Seo.
Đến lúc VFF thay đổi?
Gần nhất, một doanh nhân làm Trưởng đoàn đội tuyển là ông Phạm Thanh Hùng - cựu chủ tịch CLB Quảng Ninh. Ông Hùng làm Trưởng đoàn của tuyển nữ ở SEA Games 30.
Hồi đó, ông Phạm Thanh Hùng thưởng tuyển nữ 1,5 tỷ đồng cho tấm HCV SEA Games 30. Trận ra quân hoà Thái Lan thì ông Hùng thưởng 500 triệu cho thầy trò HLV Mai Đức Chung. Ông Hùng thưởng thêm 1 tỷ cho tấm vé vào bán kết. Tổng cộng ông Hùng thưởng 3 tỷ cho tuyển nữ Việt Nam ở SEA Games 30.
Nếu không phải ông Phạm Thanh Hùng (doanh nhân làm Uỷ viên Ban chấp hành VFF khoá 8) thì tuyển nữ Việt Nam liệu có được Trưởng đoàn thưởng tiền?
Câu trả lời không có! Chỉ có những tranh luận về chuyện chia tiền thưởng của đội tuyển nữ.
Trong quá khứ, bầu Đức, bầu Thắng, ông Lê Hùng Dũng vào VFF và đóng góp rất lớn. Ví dụ U22 Việt Nam thua Hàn Quốc ở hồi tháng 7/2017. VFF đã thưởng 600 triệu, còn bầu Đức (lúc đó làm phó chủ tịch VFF) xem thấy sướng thì thưởng 1 tỷ đồng cho toàn đội. Bầu Đức cũng móc tiền túi mời HLV Park Hang Seo và trả lương trong 2 năm…
Những ví dụ nêu trên để thấy bóng đá Việt Nam không thiếu doanh nhân làm được như Madam Pang. Vấn đề VFF cần phải tập hợp được các doanh nhân yêu bóng đá và dám nói dám làm để cống hiến cho bóng đá nước nhà. Họ có thể hỗ trợ bằng nhiều cách khác nhau, từ vai trò Uỷ viên Ban chấp hành VFF đến Trưởng đoàn các đội tuyển, phó chủ tịch VFF…
Đúng hơn, doanh nhân phải có chức vụ ở VFF thì mới đóng góp, san sẻ nhiều trách nhiệm cho VFF. Vì họ có tiền, có tư thế và nói là làm.
Ở Đại hội VFF khoá 9, một loạt doanh nhân như ông Cao Tiến Đoàn, ông Trần Văn Quỳnh, ông Võ Văn Thư, ông Hồ Hồng Thạch… xứng đáng được bầu vào chức vụ Ban chấp hành VFF. Họ là doanh nhân và sắm vai trò quan trọng ở các CLB nên đóng góp được cho VFF.
Ngược lại, một số người cũ nên xem xét về chuyện tiếp tục vào Ban chấp hành VFF khoá 9. Ví dụ ông Dương Văn Hiền - Trưởng ban trọng VFF có cần thiết phải vào Ban chấp hành VFF khoá 9 khi chuyên môn đặc thù (trọng tài)? Những người cũ như ông Bùi Xuân Hoà (sinh năm 1953), ông Nguyễn Húp… có cần tiếp tục tham gia hay nhường cơ hội cho doanh nhân?
Tất cả đang chờ đợi những lá phiếu bầu ở Đại hội VFF khoá 9. Hy vọng rằng nhiệm kỳ tới sẽ có nhiều doanh nhân vào VFF.