Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

'Vua Kazu' của bóng đá Nhật Bản và Công Phượng

Một người bước sang tuổi 57 liệu có thể còn chơi bóng đá chuyên nghiệp?

Câu trả lời là có. Kazuyoshi Miura đang đầu quân cho Oliveirense ở hạng Hai của Bồ Đào Nha. 

Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang tranh luận về "trẻ - già" ở đội tuyển thời HLV Troussier, Kazuyoshi Miura vẫn tiếp tục hành trình bóng đá chuyên nghiệp ở tuổi 57. Kazuyoshi Miura hay còn được gọi ngắn gọn là "Vua Kazu" - người đại diện cho tinh thần bóng đá Nhật Bản. 

Trong kí ức của nhiều cầu thủ Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, bộ truyện tranh Captain Tsubasa của họa sĩ Yoichi Takahashi có sức ảnh hưởng rất lớn về cảm hứng với bóng đá. Sức ảnh hưởng của Tsubasa lớn đến mức những danh thủ như Zinedine Zidane, Ronaldinho, Fernando Torres, Alessandro del Piero, Andres Iniesta... chơi bóng vì niềm cảm hứng từ Captain Tsubasa. Và Kazuyoshi Miura chính là một phần cảm hứng để Yoichi Takahashi cho ra đời bộ truyện tranh nổi tiếng toàn thế giới. Chàng thủ quân Tsubasa là hóa thân của "Vua Kazu".

Không phải ngẫu nhiên Kazuyoshi Miura được xem như biểu tượng của bóng đá Nhật Bản. Ông có một hành trình "vạn dặm" đến Brazil, Ý, Bồ Đào Nha, Úc... Con đường vô cùng khó khăn ấy được Miura chinh phục một cách phi thường khi bắt đầu rời Nhật Bản ở tuổi 15. Thật khó tưởng tượng được khát vọng của Miura lớn như thế nào với quyết tâm phải ra nước ngoài chơi bóng. Và người Nhật gọi ông là "Vua Kazu" để nhắc nhở cho những đứa trẻ về tinh thần vượt khó, niềm đam mê và ý chí. Những cầu thủ Nhật Bản sẽ nhìn vào Kazuyoshi Miura để phấn đấu.

'Vua Kazu' của bóng đá Nhật Bản và Công Phượng Ảnh 1
Kazuyoshi Miura vẫn đang thi đấu chuyên nghiệp ở Bồ Đào Nha dù ông bước sang tuổi 57. 

Câu chuyện của Kazuyoshi Miura cho thấy việc lựa chọn một biểu tượng để thế hệ trẻ yêu bóng đá noi theo có ý nghĩa đặc biệt. Văn hóa càng có sức ảnh hưởng rất lớn tới bóng đá, bộ truyện tranh Captain Tsubasa đã góp phần thay đổi cả bóng đá Nhật Bản là minh chứng. Hành trình tiến bộ của tuyển Nhật Bản với các trận đấu tại World Cup 2022 khi đánh bại Đức và Tây Ban Nha, có thể nói đang trên đường bắt kịp kỳ tích trong Tsubasa. 

HLV Nhật Bản - ông Shinozaki (đội Jubilo Iwata) nói với tôi vào tháng 6 năm ngoái là Nhật Bản muốn vô địch World Cup vào năm 2050. Shinozaki nói đầy nghiêm túc: “Bạn có thể cười với điều tôi sắp kể nói ra đây, nhưng tôi tự tin để nói ra câu chuyện này, đội tuyển Nhật Bản có mục tiêu năm 2050 sẽ vô địch World Cup. Chúng tôi biết nhiều người không tin nhưng cần phải có mục tiêu lớn, dài hạn để tất cả cùng nỗ lực.

Bây giờ các cầu thủ trẻ của Nhật Bản khi được hỏi có ước mơ gì với bóng đá, các em đều nói phải ra nước ngoài thi đấu. Chúng tôi cần một chân đế thật lớn để có những cầu thủ thật giỏi, đủ trình độ cạnh tranh với các đội tuyển mạnh nhất. Ở Nhật Bản, chúng tôi không quan niệm chuyện cầu thủ đi nước ngoài kiếm được bao nhiêu tiền, chỉ cần đủ năng lực thì tất cả được tạo đều kiện để sang châu Âu chơi bóng”.

Những cầu thủ trẻ của Nhật Bản chơi bóng với ước mơ xuất ngoại. Có nghĩa là gì? Đó chẳng phải là viết tiếp hành trình của Kazuyoshi Miura. 

Bóng đá có những giá trị vô hình mà không thể đong đếm theo kiểu chờ đợi thành tích. Người Nhật tôn vinh Kazuyoshi Miura cũng không vì thành tích lịch sử, không vì tài năng xuất chúng, mà họ chọn Miura giống như một cuốn sách về bóng đá để dạy cho thế hệ sau.

Chưa bàn về những vấn đề khác, nhìn từ Kazuyoshi Miura và bộ truyện tranh Captain Tsubasa ảnh hưởng đến bóng đá Nhật Bản, bóng đá Việt Nam đang có gì ngoài chủ đề nói về chiến thắng và thành tích?

'Vua Kazu' của bóng đá Nhật Bản và Công Phượng Ảnh 2
Tiền đạo Nguyễn Công Phượng xứng đáng được ghi nhận về hành trình xuất ngoại. 

Thật ra bóng đá Việt Nam đã có từ 10 năm trước, đó là chuyện những đứa trẻ của bầu Đức ra nước ngoài, điển hình là Công Phượng. Nhưng phần lớn chúng ta không ủng hộ Công Phượng như cách người Nhật Bản dành cho Kazuyoshi Miura. Công Phượng có nhiều yếu tố để nghĩ về những giá trị tốt đẹp cho thế hệ sau của bóng đá Việt Nam. Từ một cậu bé sinh ra ở một vùng quê của Nghệ An, Công Phượng đã vượt qua nhiều định kiến, sự giới hạn về thể hình để đến ngày chơi bóng chuyên nghiệp, nhận được yêu mến của hàng triệu người, giống gạch nối làm sống lại tình yêu bóng đá cho người Việt Nam... Chàng trai xứ Nghệ đi lên từ mái nhà tranh đã in dấu giày ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ. Bây giờ Công Phượng tiếp tục hành trình "mang chuông đánh xứ người" ở Nhật Bản. Liệu có xứng đáng để các đứa trẻ ngưỡng mộ? 

Tinh thần thể thao không có nghĩa được đánh giá từ sự nghiệp thể thao theo kiểu đếm từng chiếc huy chương, mà xuất phát từ ý chí vượt khó, niềm đam mê và sự sống hiến. Bóng đá Việt Nam đang rất cần những câu chuyện đẹp làm cảm hứng, những thần tượng đúng nghĩa để làm "cầu nối" cho tương lai và thúc đẩy vượt qua giới hạn một nền bóng đá cần xuất ngoại cầu thủ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất