Thể thao

Người Thái kiếm tiền từ du lịch thể thao và sự lãng phí của bóng đá Việt Nam

Văn Nhân
Chia sẻ

Bầu Đức có thể không phải mệt mỏi nếu ông lựa chọn sự đầu tư bóng đá theo đúng nghĩa sinh lời.

Buriram thay đổi nhờ bóng đá

Năm 2009, cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Thái Lan, ông Newin Chidchob đã đầu tư vào CLB Buriram United. Chuyện đầu tư vào đội bóng ở Buriram - nơi cách Thủ đô Bangkok khoảng 400km và giáp ranh biên giới Campuchia, có lẽ là một lựa chọn mang đến thách thức cho Newin Chidchob. Nhưng Buriram đã "thay da đổi thịt" nhờ bóng đá phát triển. Buriram bây giờ được gọi là "thành phố hạnh phúc" của Thái Lan. 

"Buriram là một tỉnh lẻ nằm gần biên giới Campuchia. Khách du lịch thường chỉ ghé ngang để tham quan công viên lịch sử Phanom Rung – một quần thể đền thờ Khmer nằm ở rìa của một ngọn núi lửa đã tắt. Họ lại đi tiếp sang những thành phố lớn khác, thay vì nghỉ lại Buriram. 

Nơi đây còn được xem là địa phương nghèo của Thái Lan, kinh tế dựa rất nhiều vào nông nghiệp. Nhưng CLB Buriram United ra đời và đạt được thành công, các ngành dịch vụ khác, đặc biệt là du lịch đã phát triển nhanh chóng. Điều đó làm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh Buriram", Newin Chidchob từng chia sẻ với truyền thông Thái Lan.

Người Thái kiếm tiền từ du lịch thể thao và sự lãng phí của bóng đá Việt Nam Ảnh 1
Người Thái kiếm tiền từ du lịch thể thao và sự lãng phí của bóng đá Việt Nam Ảnh 2
Người Thái kiếm tiền từ du lịch thể thao và sự lãng phí của bóng đá Việt Nam Ảnh 3
Người Thái kiếm tiền từ du lịch thể thao và sự lãng phí của bóng đá Việt Nam Ảnh 4
Buriram United giúp địa phương tăng trưởng gấp ba về số lượng du khách. Ảnh: Buriram

Điều quan trọng để CLB Buriram tiến hành thay đổi, đó là sự ra đời của sân Thunder Castle (lâu đài sấm sét) với sức chứa 32 nghìn chỗ ngồi, sau đổi thành Chang Arena. Thunder Castle không giống các sân bóng Việt Nam theo kiểu chỉ có khán đài và mặt sân, bởi ra đời theo tiêu chuẩn của sân Stamford Bridge (Anh). Sân nhà của Buriram được xây trên khu đất rộng 150 mẫu, có 800 chỗ đậu xe hơi và xe buýt, 3.000 xe máy... Nhiều hạng mục khác như nhà hàng, khách sạn, cửa hàng mọc lên xung quanh sân Thunder Castle.

Bóng đá tạo được thành công thì ông Newin Chidchob tiếp tục phát triển thể thao với trường đua Chang - nơi có tiêu chuẩn FIA – Grade 1 cho xe ô tô và FIM – Grade A dành cho mô tô. Các khách du lịch đến Buriram rõ ràng có nhiều lựa chọn từ chuyện thăm quan đến xem bóng đá, đua xe... Có nghĩa họ có thêm lý do để ở lại lâu và Buriram càng kiếm được nhiều tiền.

Theo ước tính, Buriram United và hệ sinh thái dịch vụ thể thao của đội bóng này thu hút đến 1,8 triệu du khách/năm, trong khi khách du lịch đến tỉnh Buriram vào khoảng 2,5 triệu người. Từ năm 2009 đến 2016, doanh thu du lịch của tỉnh Buriram tăng từ 808 triệu baht lên thành 2,4 tỷ baht, nhờ lượt khách tăng lên gấp 3 lần kể từ Buriram United được Newin Chidchob đầu tư.

Bóng đá cần được làm bài bản

Sự khác biệt có thể thấy Newin Chidchob phát triển CLB Buriram bài bản. Đội bóng này có doanh thu mấy trăm tỷ đồng/năm, thay vì hàng năm bỏ 80 - 100 tỷ đồng như các CLB tại V.League và cạn tiền thì nguy cơ giải thể. Đội bóng chuyên nghiệp phải sinh lời, kiếm càng nhiều tiền thì càng tốt. Bởi điều đó có ý nghĩa giúp cho địa phương tăng trưởng kinh tế, đặc biệt thúc đẩy du lịch phát triển. 

Và nói về "thành phố hạnh phúc" của Thái Lan - nơi này có những điểm tương đồng so với câu chuyện của bầu Đức và tỉnh Gia Lai, thậm chí còn đi sau ông chủ phố núi. CLB HAGL từng hội tụ nhiều yếu tố để hướng đến chuyện phát triển ngành công nghiệp du lịch thể thao ở Gia Lai. Cuộc chuyển nhượng Kiatisuk tạo ra tiếng vang cho HAGL và tỉnh Gia Lai ra cả Đông Nam Á. Lứa Công Phượng "ăn khách" bậc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Học viện HAGL từng hiện đại nhất Đông Nam Á, bây giờ vẫn thu hút nhiều du khách đến thăm quan và từng nằm trong 10 địa điểm du lịch của tỉnh Gia Lai. Bầu Đức có thể không phải mệt mỏi nếu ông lựa chọn sự đầu tư vào bóng đá theo đúng nghĩa sinh lời, hoặc có những con người giỏi để giúp ông phát triển CLB HAGL theo đúng xu thế chuyên nghiệp (bóng đá kiếm được rất nhiều tiền). Đây không phải quan điểm chủ quan, nếu nhìn sang CLB Buriram phát triển dù ông Newin Chidchob đầu tư từ năm 2009. 

Người Thái kiếm tiền từ du lịch thể thao và sự lãng phí của bóng đá Việt Nam Ảnh 5
Người Thái kiếm tiền từ du lịch thể thao và sự lãng phí của bóng đá Việt Nam Ảnh 6
Người Thái kiếm tiền từ du lịch thể thao và sự lãng phí của bóng đá Việt Nam Ảnh 7
Người Thái kiếm tiền từ du lịch thể thao và sự lãng phí của bóng đá Việt Nam Ảnh 8
Học viện HAGL thu hút nhiều du khách.

Nhìn một bức tranh rộng hơn, bóng đá là ngành công nghiệp sinh ra rất nhiều tiền, là môn thể thao quan trọng để góp phần phát triển du lịch nhờ mỗi trận đấu có mấy chục nghìn người đến sân, còn có thể lên cả tỷ người theo dõi qua các hệ thống khác nhau. Nhưng bóng đá Việt Nam vẫn duy trì khái niệm làm bóng đá rất tốn kém, hay bàn luận về chuyện tâm huyết và cống hiến cho thể thao nước nhà. Những khái niệm này tồn tại vì các CLB chỉ tiêu tiền mà chưa tạo ra lợi nhuận lớn, còn tất cả sinh lời sẽ thúc đẩy cả nền bóng đá tiến lên và góp phần lớn phát triển kinh tế. 

Ở châu Âu, bóng đá là nói về doanh thu và thành tích. Bundesliga có khoảng 6,6 tỷ USD/mỗi năm cho nền kinh tế Đức. La Liga có khoảng 1,3 tỷ USD vào GDP của Tây Ban Nha. Theo Beyond Football, Ngoại hạng Anh đóng góp 10 tỷ USD vào GDP của nước Anh ở mùa bóng 2019-2020. Con số này cao hơn GDP của 50 quốc gia trên thế giới. Giải đấu này nộp 4,7 tỷ USD tiền thuế cho Chính phủ Anh sau mùa giải 2019-2020.

Bóng đá Việt Nam liệu có đang lãng phí rất lớn so với giá trị thật của môn thể thao vua khi nhìn sang Thái Lan và bóng đá thế giới? 

Tại sao bóng đá Việt Nam hiếm khi nói về chuyện bóng đá phải kiếm được rất nhiều tiền, còn những người điều hành bóng đá chuyên nghiệp thường có báo cáo tài chính theo kiểu không lỗ, hoặc lời vài trăm triệu dù hàng năm cả hệ thống bóng đá tốn vài nghìn tỷ đồng?

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất