HLV Shin Tae Yong đăng đàn trên mạng xã hội rằng:"Tôi có câu hỏi dành cho những người hâm mộ bóng đá. Trận đấu này có đúng là tinh thần công bằng không?
Các cầu thủ trẻ sẽ cảm nhận và học được gì khi thi đấu ở trận đấu như thế này? Đây có thực sự là fair-play không?...".
HLV Shin Tae Yong đưa ra một loạt câu hỏi, kèm theo video trận Việt Nam và Thái Lan hòa 1-1.
Fair-play hay không? Điều đó không đến từ sự phán xét và suy nghĩ của HLV Shin Tae Yong. Bởi ông là HLV U19 Indonesia - đội bóng bị loại do thua đối đầu trước Việt Nam và Thái Lan. Ông Shin cũng không thể bắt đối thủ phải đá "chết bỏ" để Indonesia vào bán kết. Đó chắc chắn là một sự đòi hỏi vô lý và đầy ngớ ngẩn, vì Indonesia vào tình cảnh thuận lợi như Việt Nam và Thái Lan thì họ cũng cầu toàn.
Cầu thủ trẻ sẽ học được gì? Điều đó không phải trải qua một trận đấu mà cần một quá trình tích lũy. Nếu nhìn theo góc độ bóng đá trẻ (cấp U19) thì HLV Shin Tae Yong đừng phát biểu theo kiểu ngạo mạn (Việt Nam và Thái Lan sợ Indonesia), hay lên mạng xã hội trình bày và "vấy bẩn" đối thủ theo kiểu bàn về tinh thần fair-play. Ông Shin Tae Yong cần làm gương để dạy cho các học trò học cách chấp nhận thất bại.
Một HLV không thể hiện sự tôn trọng đối thủ, không chấp nhận sự thua cuộc ở sân chơi trẻ, không ngần ngại đổ thừa với lý do ngớ ngẩn (điều lệ giải đấu), cay cú ăn thua và bôi xấu đối thủ. Ông Shin Tae Yong liệu có thể dạy tốt cho các cầu thủ Indonesia phát triển một cách toàn diện?
Bóng đá Indonesia đã nổi tiếng xấu xí với thứ bóng đá quyết liệt, đá rắn và bạo lực. Bây giờ HLV Shin Tae Yong góp phần tạo thêm sự xấu xí với cách ứng xử thiếu chuyên nghiệp, bao biện và tìm lý do đổ lỗi cho thất bại.
Tương lai của các cầu thủ U19 Indonesia sẽ ra sao nếu định hình tư tưởng ăn thua, cay cú ngay từ lúc này? Đó là một dấu hỏi lớn sau giải U19 Đông Nam Á 2022. Khi bóng đá xấu xí, cách hành xử thiếu chuyên nghiệp được xem là một trong những lý do khiến cho các đội tuyển của Indonesia chưa thành công ở khu vực.
Bốn bàn thắng của Quốc Việt (nguồn: FPT Play):