Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Nghịch lý 'công nghệ' xe bò rải vôi ở sân Mỹ Đình và giấc mơ World Cup

Sau chiến thắng của tuyển Việt Nam tại sân Mỹ Đình, giấc mơ World Cup được nhắc trở lại.

1. World Cup là niềm ước ao của mọi đội tuyển. Nhưng cơ hội dành cho tuyển Việt Nam có thể nói rất nhỏ nếu nghĩ về tấm vé đi tiếp vào vòng loại thứ ba World Cup 2026. Trận thắng Philippines chỉ ra nhiều vấn đề của tuyển Việt Nam trong bối cảnh HLV Kim Sang Sik mới làm việc cùng đội được 5 ngày. 

Tuyển Việt Nam được chơi trên sân Mỹ Đình nhưng để cho Philippines dẫn bàn và ghi 2 bàn thắng. Đội khách còn có ít nhất 3 cơ hội mười mươi trước khung thành của thủ môn Đặng Văn Lâm. Đó là thông số tệ khi tuyển Philippines yếu nhất bảng đấu. Mọi thứ có thể trở thành "thảm họa" cho tuyển Việt Nam nếu đối thủ là Indonesia hoặc Iraq. 

Tuy nhiên, chúng ta chưa thể đòi hỏi nhiều hơn ở tuyển Việt Nam trong bối HLV Kim Sang Sik không có sự chuẩn bị tốt như người tiền nhiệm Troussier. Ông Kim chỉ có 5 ngày làm mọi thứ cho trận ra mắt chính thức, cùng nghịch cảnh các học trò vắt sức đá 7 vòng đấu trong 26 ngày ở V.League. Tình cảnh đó là khác biệt lớn so với HLV Troussier - người từng có 8 tháng và 6 trận trận giao hữu để thắng Philippines 2-0 ở lượt đi.

2. Về thực tế, đẳng cấp tuyển Việt Nam và mặt bằng bóng đá Việt Nam chưa đáp ứng được tham vọng World Cup. Niềm tin từng dành cho HLV Troussier là sai lầm nghiêm trọng khi VFF chờ đợi phép màu từ "phù thủy trắng".

Một đội tuyển muốn đến World Cup thì không thể trông chờ vào HLV, mà cần có đầy đủ sức mạnh từ nhiều mặt và phát triển đồng bộ. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật Bản Kozo Takashima chia sẻ về kinh nghiệm phát triển bóng đá khi đến Việt Nam: “Bóng đá không có phép màu và điều kỳ diệu nào cả. Không có nền bóng đá nào có thể nhanh chóng phát triển và tạo ra sự đột biến nếu không có nền tảng tốt. Chắc chắn là không có điều kỳ diệu nào đâu. Chúng ta luôn phải tập trung vào 3 nền tảng chính: Đào tạo cầu thủ trẻ, bồi dưỡng cho các HLV và cơ sở vật chất”.

Soi cơ sở vật chất để thấy mọi thứ giống như nghịch lý. Sân Mỹ Đình chuẩn bị trước trận Việt Nam và Philippines với công việc kẻ vôi, bao gồm bốn người cùng thực hiện. Hai người đo đạc, một người đẩy xe và một người kẻ vôi. Hình ảnh này lạ lẫm cho những ai thường xem bóng đá quốc tế, kể cả nhiều sân bóng ở V.League cũng không xài... "công nghệ" rải vôi như sân Mỹ Đình. Cơ sở vật lạc hậu và tồi tàn của sân vận động quốc gia Mỹ Đình là chủ đề thường xuyên được bàn luận mỗi khi có tuyển Việt Nam thi đấu như mặt cỏ, khu kỹ thuật, ghế ngồi, nhà vệ sinh... Tất cả không xứng tầm với hình ảnh sân vận động quốc gia.

Nghịch lý 'công nghệ' xe bò rải vôi ở sân Mỹ Đình và giấc mơ World Cup Ảnh 1
Tuyển Việt Nam không thể mơ World Cup trong bối cảnh cơ sở vật chất lạc hậu, điển hình như sân Mỹ Đình vẫn còn duy trì cách rải vôi bằng... xe bò, thùng múc tát. Ảnh: Báo Lao Động

3. Nhìn rộng hơn, tình trạng cơ sở vật chất lạc hậu, thiếu thốn là vấn đề lớn của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua chứ không riêng sân Mỹ Đình. HLV CLB Thanh Hóa - Velizar Popov chê chính mặt sân Thanh Hóa theo đúng nghĩa không còn gì để tệ hơn. "Mặt sân Thanh Hóa tệ đến mức bạn đi bộ cũng có thể dính chấn thương", HLV Popov nói. Thủ môn Nguyễn Filip đưa lên mạng xã hội về mặt sân Thanh Hóa theo cách hài hước, kèm theo ba đáp án: Camp Nou – bãi biển – sân cỏ V.League. Quảng Nam FC đá V.League 2024 đến lúc sắp hết giải vẫn thuê sân Hòa Sân của Đà Nẵng...

Câu chuyện kể trên là phần nhỏ như hạt cát nếu bàn về cơ sở vật chất của các đội bóng. Ví dụ câu hỏi đặt ra như sau: Bao nhiêu CLB chuyên nghiệp đã có được sân tập, nơi ăn - chỗ ở bài bản? 

Không có cơ sở vật tốt thì rất khó để phát triển bóng đá và vé dự World Cup không thể thực hiện bằng niềm tin. Nhưng bóng đá Việt Nam không chỉ thiếu thốn cơ sở vật chất mà còn rất nhiều vấn đề khác cần cải thiện, phần lớn đều là những nghịch lý so với bóng đá thế giới.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quyên Qui mê tít chợ đêm Vui Phết tại Phú Quốc