Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Nghịch lý bóng đá Việt Nam: Các doanh nhân yêu bóng đá đang giảm dần?

Bóng đá Việt Nam đang thành công nhưng bắt đầu xuất hiện những nghịch lý rất lớn, có thể nói đi ngược với xu thế chung của thế giới.

Ở kỳ 1 về nghịch lý bóng đá bóng đá Việt Nam, Saostar đã nêu vấn đề về sự chuyển dịch của cả nền bóng đá không đồng bộ với hệ thống chuyên nghiệp. Một bên thay đổi chóng mặt, một bên đi lùi về số đội. Năm 2007 có hai câu chuyện lịch sử cho bóng đá Việt Nam: V.League có 14 đội tham gia và Học viện HAGL ra đời. Một bên đến hiện tại có số đội từ 14 xuống còn 13, một bên ban đầu có một Học viện bây giờ nở rộ công tác đào tạo trẻ khắp cả nước với nhiều trung tâm, nhiều Học viện. Đây là nỗi lo cho tương lai bóng đá nước nhà bởi số đội chuyên nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội cho các cầu thủ trẻ được thi đấu và phát triển.

Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam còn tồn tại nhiều nghịch lý khác, trong đó có vấn đề hết sức nan giải là các doanh nhân làm bóng đá bây giờ giảm nhiều so với quá khứ. Câu chuyện này ảnh hưởng rất lớn đến cả nền bóng đá, đặc biệt thời điểm này cần sự dịch chuyển để hướng đến giấc mơ World Cup.

Nhìn vào "bộ máy" của VFF và VPF hiện tại, chỉ còn hai doanh nhân là ông Trần Anh Tú (Thường trực VFF, Chủ tịch VPF, Trưởng ban futsal) và ông Lê Văn Thành (phó chủ tịch VFF). Ông Tú được giới bóng đá gọi với tên quen thuộc là ông Tú "futsal", ông Thành từng nhiều năm đảm nhiệm chức chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. So với nhiệm kỳ trước (2014 - 2018), sự khác biệt khi có các doanh nhân lớn gồm ông Lê Hùng Dũng (Chủ tịch VFF), ông Đoàn Nguyên Đức (phó chủ tịch VFF) cùng ông Lê Văn Thành (Uỷ viên BCH), ông Trần Anh Tú. Ở VPF, ông Võ Quốc Thắng chèo lái trong vai trò Chủ tịch VPF. Đó là các tiền đề quan trọng để bóng đá Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và thành công rực rỡ ở hiện tại. 

Bóng đá Việt Nam kiếm được tiền như thế nào?

Nguyên Chủ tịch Lê Hùng Dũng - người vừa qua đời vào sáng ngày 17/6, ông xứng đáng được nhắc đến trong tư thế một doanh nhân làm thay đổi bóng đá Việt Nam. Ông Dũng thắng các ứng viên nặng ký là ông Đỗ Khắc Ngọc - Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank, ông Nguyễn Quốc Kỳ - CEO của Vietravel, qua đó trở thành phó chủ tịch tài chính ở nhiệm kỳ 5 (6/2005 – 2009). Giai đoạn tưởng chừng "đen như mực" (U23 Việt Nam bán độ ở SEA Games năm 2005) thì VFF thu về 240 tỷ nhờ ông Dũng giỏi kiếm tiền.

Ở nhiệm kỳ 6, Lê Hùng Dũng tiếp tục đắc cử phó chủ tịch tài chính và dòng tiền liên tục đổ về VFF. Sân chơi chuyện nghiệp cũng chuyển động và "đổi đời" khi ông Lê Hùng Dũng làm chủ tịch hội đồng quản trị Eximbank. Khoản tiền tài trợ cho 3 mùa giải liên tiếp của Eximbank có trị giá 90 tỷ đồng (từ 2011 - 2013, mỗi mùa giải 30 tỷ đồng). Đây là con số kỷ lục từ khi V.League ra đời vào mùa bóng 2001. 

Nghịch lý bóng đá Việt Nam (kỳ 2): Các doanh nhân yêu bóng đá đang giảm dần? Ảnh 1
Nguyên Chủ tịch Lê Hùng Dũng là một người rất tâm huyết với bóng đá Việt Nam.

Một trang mới cho V.League là VPF ra đời vào cuối năm 2011, bầu Thắng làm Chủ tịch VPF. Ba doanh nhân khác là ông Lê Hùng Dũng, ông Nguyễn Đức Kiên và ông Đoàn Nguyên Đức làm phó chủ tịch.

Bóng đá Việt Nam tiếp tục chuyển động với dấu ấn doanh nhân ở nhiệm kỳ 7 (2014-2018) của VFF. Ông Lê Hùng Dũng làm Chủ tịch VFF, bầu Đức làm phó chủ tịch tài chính. Ở VPF, bầu Thắng tiếp tục chèo lái sân chơi chuyên nghiệp, khi đó Toyota là nhà tài trợ chính cho V.League trong 3 mùa giải liên tiếp (2015 đến 2017) với con số 40 tỷ đồng/mùa.

Hơn một thập kỷ đầy sóng gió và bị mất niềm tin bởi nhiều tiêu cực, bóng đá Việt Nam đã sống khỏe, vượt qua được khó khăn, phần lớn công sức phải nhờ vào tài thao lược của các doanh nhân. 

Thành công của bóng đá Việt Nam đến từ đâu?

Chưa cần bàn đến tài năng kiến tạo, sự tâm huyết hay đam mê thì vai trò doanh nhân đã thể hiện rất rõ ràng qua hai giai đoạn thành công của bóng đá Việt Nam. 

Năm 2008, tuyển Việt Nam lần đầu tiên vô địch AFF Cup. Bầu Thắng là người "tặng" HLV Calisto và hỗ trợ VFF trả tiền lương. 

Năm 2018, tuyển Việt Nam lần thứ hai vô địch AFF Cup, còn có thêm một loạt thành công như 2 lần giành HCV SEA Games, Á quân U23 châu Á 2018, lần đầu vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022, Top 4 bóng đá nam Asiad 17. Bầu Đức là người mời HLV Park Hang Seo và thay VFF trả tiền lương trong hợp đồng đầu tiên.

Nhưng sự đóng góp về trí tuệ và công sức của các doanh nhân mới là "di sản", là tiền đề tạo ra sự thành công lâu dài ở hiện tại. 

Một nền bóng đá muốn phát triển phải hội tụ rất nhiều điều kiện. Nhưng có ba tiền đề quan trọng nhất gồm: Ngân sách tài chính, đào tạo trẻ, sân chơi chuyên nghiệp. Cả ba thứ này phải đồng bộ phát triển thì bóng đá nước nhà mới "thay da, đổi thịt".

Nghịch lý bóng đá Việt Nam (kỳ 2): Các doanh nhân yêu bóng đá đang giảm dần? Ảnh 2
Bầu Đức và bầu Thắng từng một thời sát cánh chèo lái bóng đá nước nhà.

Ai là người giỏi kiếm tiền nhất cho bóng đá Việt Nam? Doanh nhân Lê Hùng Dũng với 2 nhiệm kỳ làm phó chủ tịch tài chính, một nhiệm kỳ làm Chủ tịch VFF.

Ai là người tiên phong trong công tác đào tạo trẻ? Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức với sự ra đời của Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG vào năm 2007.

Ai là người chèo lái V.League từ ngày VPF ra đời? Doanh nhân Võ Quốc Thắng với hai nhiệm kỳ dồn hết tâm huyết và công sức chèo chống, thậm chí chấp nhận rời ghế chủ tịch CLB Long An.

Không có tiền, không thay đổi đào tạo trẻ, không chèo chống V.League. Bóng đá Việt Nam chắc chắn không thể thành công như hiện tại. Và sự thành công liên tục thì cần có một sự khởi đầu đúng, làm bài bản trong nhiều năm ròng rã chứ không phải "từ trên trời rơi xuống".

Sẽ có ý kiến đem những con số tài chính ở hiện tại ra so sánh với giai đoạn từ năm 2017 trở về trước. Nhưng mỗi thời thì hoàn cảnh khác nhau và có một chân lý rằng: Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tức kiếm được hàng tỷ đồng cho bóng đá ở giai đoạn mất niềm tin, "đói" danh hiệu thì các doanh nhân phải rất giỏi và có tầm. Còn giai đoạn bóng đá nở rộ về thành công, con số tài chính nhiều hơn quá khứ là điều đương nhiên. Về bản chất, những người kế nhiệm đang thừa hưởng giá trị và công sức của những người tiền nhiệm tạo ra.

Tre già nhưng măng không... muốn mọc

Như phần đầu của bài viết, nhiệm kỳ 8 chỉ còn 2 doanh nhân là ông Trần Anh Tú và ông Lê Văn Thành. Sự thật là ông Thành "bóng chuyền" chỉ ngồi ghế phó chủ tịch chính sau khi ông Cấn Văn Nghĩa rút lui. Đó là nghịch lý rất lớn của bóng đá Việt Nam, bởi giai đoạn rực rỡ lại thì doanh nhân bóng đá giảm dần ở VFF lẫn VPF.

Nhìn sang Thái Lan, nữ tỷ phú Madam Pang tạo ra dấu ấn rất lớn với chức vô địch AFF Cup 2020, sau đó gọi được một loạt cầu thủ Thái kiều về thi đấu cho U23 Thái Lan. Tham vọng của Madam Pang là tận dụng nguồn lực cầu thủ ở châu Âu và hướng đến World Cup 2026. Phải chăng bóng đá Việt Nam thiếu những người tâm huyết với bóng đá như Madam Pang?

Hãy lấy một ví dụ điển hình về một doanh nhân trẻ có phong cách trưởng đoàn khá giống như Madam Pang. Đó là anh Trần Văn Quỳnh (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vị Trí Vàng Land) đang làm trưởng đoàn các đội trẻ của HAGL từ U13 đến U21. Anh Quỳnh làm theo kiểu cho đi khi bỏ tiền túi thưởng cho các cầu thủ trẻ, bỏ công sức chăm lo từng bữa ăn cho toàn đội. Hôm xem HAGL đá AFC Champions League ở sân Thống Nhất, anh Quỳnh thấy sướng thì thưởng 500 triệu đồng. 

Nghịch lý bóng đá Việt Nam (kỳ 2): Các doanh nhân yêu bóng đá đang giảm dần? Ảnh 3
Anh Trần Văn Quỳnh - một doanh nhân yêu bóng đá theo cách riêng của mình.

Mới nhất, giải tứ hùng ở Hải Phòng chỉ tổ chức theo kiểu đá vui và tận hưởng không khí bóng đá, anh Trần Văn Quỳnh đã tài trợ với số tiền rất lớn. Đội vô địch nhận được 1,5 tỷ đồng, bằng 1/2 số tiền thưởng nhà vô địch V.League. 

Thông qua câu chuyện về anh Trần Văn Quỳnh để thấy rằng, doanh nhân yêu bóng đá của Việt Nam rất nhiều. Còn làm sao để họ đến với bóng đá giống như các ông chủ lớn trong quá khứ thì không hề dễ.

Nhìn thẳng vào vấn đề tồn đọng, bầu Đức, bầu Thắng cống hiến rất nhiều, làm vì đam mê và sự nghiệp bóng đá nước nhà, cuối cùng vẫn có những cuộc "ném đá giấu tay", hay bẻ lái dư luận làm họ buồn lòng.

Ai sẽ vào cống hiến khi ngay đến bầu Đức phán một câu chua chát về cuộc chơi là "qua cầu rút ván"?

Tấm gương của các ông bầu tâm huyết đã phản ánh phần lớn lý do các doanh nhân càng ngày càng không muốn tham gia vào VPF, VFF. 

Bóng đá Việt Nam đang thiếu đi các câu chuyện đẹp, hay những cuộc tôn vinh các doanh nhân một đời vì bóng đá, còn luôn thừa sự tranh cãi, ganh ghét, đố kỵ và tranh giành ngồi nhiều ghế.  

Cũng giống như câu chuyện thành công của bóng đá Việt Nam trong 5 năm qua, đằng sau sự ngợi khen các cầu thủ, HLV nhưng liệu có bao nhiêu người trong chúng ta tự hỏi rằng: Vị thế hiện tại của bóng đá nước nhà, hay hành trình đi đến thành công bắt đầu từ đâu?

Nghịch lý bóng đá Việt Nam (kỳ 2): Các doanh nhân yêu bóng đá đang giảm dần? Ảnh 4
Thành công của bóng đá Việt Nam luôn gắn liền với dấu ấn lớn của các doanh nhân.

Một nền bóng đá sẽ khó đi xa, thậm chí thụt lùi nếu quên mất thành công hiện tại đến từ đâu, hay bỏ qua đạo lý "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Vì hành trình quan trọng hơn đích đến, còn vinh quang hôm nay chính là các cột mốc để thấy rằng những người tiên phong mở đường cho bóng đá Việt Nam đã làm đúng và giỏi.

Không đội bóng nào có thể trụ mãi trên vinh quang, nhưng một nền bóng đá thì có thể tiến xa thêm và phát triển lên một tầm cao mới nếu biết kế thừa và phát huy các giá trị đúng đắn của những người mở đường. 

Sau khi thành công ở khu vực, bóng đá Việt Nam phải hướng ra châu Á, xa hơn là giấc mơ World Cup 2026. Các mục tiêu to hơn thì cần nhiều hơn sự chung tay của các doanh nhân. Vấn đề bóng đá Việt Nam đang trong nghịch lý là các doanh nhân làm bóng đá bây giờ giảm nhiều so với quá khứ. Một nỗi lo lớn nếu nhìn lại chặng đường 20 năm qua có dấu ấn rất lớn của các doanh nhân yêu bóng đá.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố