1. Tháng 9/2015, CLB Đồng Nai biết trước bi kịch phải xuống hạng. Đội bóng này treo một dòng băng rôn ngay cửa sân vận động với dòng chữ: “CLB bóng đá Đồng Nam tri ân, xin lỗi lãnh đạo và người hâm mộ bóng đá Đồng Nai”.
Có nghịch lý hay không khi đội bóng xuống hạng lại đi xin lỗi lãnh đạo, sau đó mới đến người hâm mộ?
Bóng đá phải vì người hâm mộ. Đội bóng rớt hạng phải xin lỗi người hâm mộ đầu tiên. Vì CLB muốn tồn tại thì phải có khán giả, bởi bóng đá không có khán giả sẽ chết.
Bóng đá Việt Nam thực ra không chỉ có Đồng Nai, nhiều đội bóng làm bóng đá cũng chưa bao giờ trả lời được câu hỏi: Làm bóng đá vì ai?
Vì thực tế có một số ông bầu đến với bóng đá theo cách hào nhoáng, sau đó sớm rút lui với nhiều cách khác nhau. Hoặc 1 số đội bóng không sống bằng túi tiền của các ông bầu như Đồng Nai, sau khi lên chơi V.League thì bắt đầu tụt dần, rớt hạng đồng nghĩa với “khai tử”.
Có một số đội bóng chơi theo kiểu kỳ lạ là đá tới đâu thì hay tới đó. Đồng Tháp trong mùa bóng 2015 là ví dụ. Các cầu thủ nỗ lực đá lên V.League nhưng “thi đậu” xong đứng trước nguy cơ xuống hạng. Lý do không có kinh phí. Tức chẳng có một kế hoạch dài hơi, hay ít nhất bài toán giải quyết đầu ra cho chuyện lên chuyên nghiệp.
Câu chuyện kể trên cho thấy bóng đá Việt Nam vẫn chưa trả lời được câu hỏi: Làm bóng đá vì ai?
2. Hôm qua, Nam Định và HAGL tạo nên một trận cầu với hơn 30 nghìn khán giả đến sân, chưa tính nhiều CĐV không thể vào sân vì hết vé. Đáng nói, vé chợ đen lên đến 1 triệu/cặp.
Mùa này, Nam Định xét về tài chính và lực lượng thì chẳng thể so bì với phần còn lại của V.League. Nhưng đội chủ sân Thiên Trường có một thứ quan trọng nhất trong bóng đá là sức mạnh trên khán đài. “Cầu thủ số 12” trở thành điểm tựa vững chắc để mọi đội bóng đến sân Thiên Trường đều khiếp sợ, ngay đến CLB Hà Nội cũng phơi áo với tỷ số 0-2.
Nét đẹp trên khán đài của Nam Định chính là sự phản ánh lớn cho sân chơi V.League. Nam Định không có ngôi sao “triệu view”, không có sự hậu thuẫn của truyền thông, không có thành tích như “người hàng xóm” Hà Nội FC. Nhưng Nam Định có truyền thống bóng đá, có bản sắc của đội bóng, có những cầu thủ chơi hết mình vì khán giả nhà, ra sân chơi 100% khả năng vì hiểu được hoàn cảnh phải cố gắng vượt khó để tồn tại ở V.League.
Đúng hơn, Nam Định đá vì khán giả, họ không tham gia cuộc chơi theo kiểu này nọ… Vì thế, khán giả Nam Định ủng hộ đội nhà vô điều kiện. Thậm chí, Nam Định khó khăn thì khán giả sẵn sàng góp tiền để giúp đội nhà giải quyết khó khăn về tài chính. Đó là vẻ đẹp thuần khiết của bóng đá, khi CĐV và CLB hòa thành một để tạo nên sức bật và bản sắc.
Nam Định chính là câu trả lời cho câu hỏi: Đá bóng vì ai? Đội chủ sân Thiên Trường đá vì khán giả quê nhà!
3. Cũng trong ngày hôm qua, nhiều CĐV, người có chuyên môn chê HAGL đá ngây ngô khi dẫn Nam Định 2-1 đến tận phút cuối vẫn tấn công đến 3-4 cầu thủ, qua đó bị gỡ hòa 2-2 ở phút bù giờ.
CLB HAGL liệu có ngây ngô và chơi thứ bóng đá thơ ngây? Hãy nhìn lại 90 phút của đội bóng phố Núi, họ không hề như thế, chơi rất bản lĩnh để vượt qua sức ép 30 nghìn khán giả và ngược dòng dẫn Nam Định 2-1. HAGL không ngây ngô, chỉ là xác định đá cống hiến cho khán giả, chơi thứ bóng đá không toan tính quá nhiều theo kiểu làm mọi cách để có 3 điểm.
Đó cũng là lý do vì sao HAGL được yêu xuyên suốt trong nhiều năm qua. Họ được yêu kể cả trong lúc thiếu những ngôi sao như Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Thanh… HAGL không còn là đội bóng được yêu thích nhờ các Idol, hàng triệu người yêu đội bóng phố Núi theo đúng nghĩa CĐV yêu đội bóng.
Chúng ta có thể nhìn lại chiều dài V.League để thấy rằng, những nhà vô địch cũng chưa chắc có được tình yêu của khán giả nếu không có bản sắc riêng và lối chơi được yêu thích.
Từ Bình Dương đến Quảng Nam, Hà Nội đều từng rơi vào nghịch cảnh như thế. Họ có thành tích nhưng làm sao để khán giả yêu thì quả thực nan giải. Ngay đến CLB Hà Nội, thành tích rất nhiều, đông đảo ngôi sao “triệu view” nhưng sự thật thì chưa có được thứ tình yêu theo kiểu CĐV yêu đội bóng. Khán giả đến xem CLB Hà Nội thì phần lớn vì thần tượng, kiểu như xem cầu thủ nổi tiếng chơi bóng chứ chưa đến vì tình cảm dành cho CLB. Tiếng chửi trên khán đài sân Thống Nhất trong ngày Hà Nội đá với CLB TP.HCM là minh chứng.
Bóng đá không có khán giả sẽ chết. Nhưng bóng đá Việt Nam đang tồn tại những nghịch lý khó hiểu để trở thành rào cản lớn trong tình yêu của khán giả với đội bóng.