Sau lượt đi, Nam Định FC đang có 10 điểm, nhiều hơn 3 điểm so với Sài Gòn FC - đội đang đứng bét bảng (vị trí rớt hạng).
So với năm ngoái, Nam Định kém 8 điểm so với chính họ. Nam Định xếp hạng 4, có 18 điểm sau 12 vòng đấu ở V.League 2021.
Không có gì khó hiểu khi CĐV Nam Định phản ứng đội nhà và đòi thay HLV Nguyễn Văn Sỹ. Thành tích không tốt là nguyên nhân đầu tiên. Sự khác biệt về tài chính là lý do thứ hai, khi Nam Định nhận được gói tài trợ 200 tỷ cho 4 năm.
Nhắc lại, Nam Định từng nghèo đến mức khán giả phải góp tiền trả lương cho cầu thủ vào năm 2018. Một câu chuyện ý nghĩa nhưng có hai mặt từ sự chung tay của khán giả. Mặt trái phản ánh bóng đá Nam Định là chuyên nghiệp nửa vời khi chơi trong tư thế “chạy cơm từng bữa”, có thể bị “khai tử” bất kỳ lúc nào. Mặt tích cực là Nam Định FC có bản sắc, có cái hồn của bóng đá vì người hâm mộ.
Đến năm 2021, Nam Định nghèo khó nhưng thi đấu rất hay, giống như “nhà nghèo học giỏi” ở V.League. Điều đó cộng với các khán đài sân Thiên Trường luôn đứng số 1 về khán giả ở V.League, tất cả tạo cảm hứng cho nhà tài trợ vào góp tiền phát triển đội bóng Thành Nam. Tức về lý thuyết thì nghèo đã đá hay và khán giả đông, Nam Định có tiền thì ai cũng có quyền nghĩ sẽ cất cánh.
Tuy nhiên, mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi. Nam Định FC đang có nguy cơ rớt hạng ở V.League 2022, dù họ có gói tài trợ đến 200 tỷ. Phải chăng là nghịch lý: Nghèo đá tốt, có tiền lo rớt hạng?
Kẻ giàu thực sự phải mua sắm theo kiểu như Bình Định FC với cả trăm tỷ trong thời gian qua, mua thoải mái và thoả thích. Nam Định FC không phải đội bóng giàu ở V.League 2022. Họ chỉ được gắn mác với con số 200 tỷ, tiền bạc không thể giúp họ “nhảy múa”.
Hồi tháng 4 năm nay, Nam Định FC phải tạm ứng tiền tài trợ để trả 3 tháng lương cho cầu thủ. Một đội bóng nợ lương thì không phải nhà giàu. Tiền chỉ đến vào tháng 4 thì chỉ có ý nghĩa trang trải kinh phí hoạt động cho toàn đội, không thể dùng để mua sắm khi thị trường chuyển nhượng đã đóng cửa. Có thể hiểu Nam Định bước vào V.League 2022 trong hình hài của đội bóng đang mang nợ, họ chỉ được cứu khi bóng lăn hơn một tháng.
Có tiền không thể mua sắm. Nam Định vẫn là Nam Định - đội bóng nghèo nhất V.League. Đây mới là bản chất và hình hài thật của đội bóng Thành Nam. Con số 200 tỷ rõ ràng không có ý nghĩa trong việc thay đổi lực lượng.
Trong giai đoạn chuyển nhượng giữa mùa này, Nam Định vẫn không có gì thay đổi ngoài thay ngoại binh. Lực lượng của đội bóng Thành Nam vẫn trong nhóm bị đánh giá yếu nhất. Sức mạnh của Nam Định vẫn là tinh thần chiến đấu hết mình của cầu thủ, sự đồng lòng của khán giả “tiếp lửa” cho đội nhà ở sân Thiên Trường.
Vấn đề trong giai đoạn lượt về của Nam Định FC là có tiền cũng không mua được cầu thủ giỏi. Những tin đồn kiểu như muốn mua thủ môn Đặng Văn Lâm, hay mua Công Phượng - Văn Toàn - Văn Thanh - Hồng Duy, tất cả chỉ có ý nghĩa nhiều về truyền thông và không thể trở thành sự thật. Cái mác “con nhà nghèo” và tư thế (không phải đội bóng tham vọng vô địch) là rào cản để Nam Định mua cầu thủ giỏi. Một điều quan trọng khác là Nam Định chỉ giàu lên so với chính họ, không phải giàu hơn so với phần còn lại. V.league cũng chưa bao giờ có tiền lệ xáo trộn mạnh về lực lượng ở giữa mùa nên Nam Định không thể mua được cầu thủ.
Nghèo mãi không sao. Có tiền thì nỗi lo rớt hạng đang treo lơ lửng. Đội bóng Thành Nam bây giờ phải quên đi chuyện họ đã có tiền, hãy đá với đúng tâm thế “con nhà nghèo vượt khó” như các mùa bóng trước.
Hy vọng Nam Định FC sẽ trụ hạng thành công. Đừng để rơi vào cảnh nghèo đá tốt, có tiền rớt hạng. Nên nhớ, đây là nghịch cảnh không ít đội bóng ở V.League từng trải qua.