Thể thao

Michael Owen: 'Bảo vật' bị đánh cắp từ xứ sở sương mù

Bá Định
Chia sẻ

Nhắc đến lịch sử các vòng chung kết World Cup, trong tâm trí người Anh, họ không tài nào quên nổi một ngôi sao mang đến cho làng túc cầu giáo những cảm xúc thăng hoa đến kỳ diệu.

Màn chào hàng gây “đốn tim” giới mộ điệu

Trận đấu thuộc vòng 1/16 tại France 98 giữa đội tuyển Anh và đổi tuyển Argentina. Beckham bên phía đội tuyển Anh đang có bóng. Chàng tiền vệ điển trai quan sát rất nhanh rồi tung một đường chuyền từ sân nhà.

Tuy nhiên, trước sự áp sát từ các tiền vệ đội tuyển Argentina, Beckham bị hụt bước khiến đường chuyền không được như ý muốn cho lắm. Nhưng không, một chàng trai nhỏ con mang áo số 20 của đội tuyển Anh nhận bóng, xuất phát sau Jose Chamot (Argentina) đến khoảng 5 mét nhưng vẫn kịp dốc bóng để cho hậu vệ già dơ này “hít khói”.

Bước chân chàng trai trẻ đến gần khung thành Argentina hơn. Anh tiếp tục phải đối mặt với một Roberto Ayala đầy tinh quái. Trên thế giới hiếm cầu thủ nào vượt qua nổi El Raton (biệt danh dành cho Ayala).

Paul Scholes đang chạy rất thoáng bên phải. Nhiều người hét to yêu cầu chàng trai nhỏ bé số 20 chuyền ngay cho Scholes. Nhưng không, điều kỳ diệu lại xảy ra, anh lướt qua Ayala như một tia chớp. Hàng phòng thủ Argentina bị xé toang.

Siêu phẩm để đời của Owen tại France 98 vào lưới Argentina từng “đốn tim” giới mộ điệu

Công đoạn cuối cùng của kiệt tác được cầu thủ số 20 kết thúc bằng pha sút bóng chéo góc chữ A khung thành thủ môn Carlos Roa. Hàng ngàn cổ động viên phấn khích trước màn solo có một không hai trong lịch sử bóng đá thế giới.

Họ bắt đầu so sánh siêu phẩm trên không khác gì Maradona từng làm với chính đội tuyển Anh. Những cổ động viên dù khó tính đến mấy cũng không khỏi trầm trồ thán phục.

Mọi ánh mắt đổ dồn về phía chàng trai mặt non choẹt dưới sân. Hàng loạt thắc mắc đặt ra về nhân vật bí ẩn vừa làm chấn động làng túc cầu giáo với một bàn thắng để đời. Tất cả hướng ánh mắt đến bảng điện tử chăm chú xem cái tên nhân vật bí ẩn được xướng lên.

Michael Owen…

Một cái tên mới mẻ trong đầu những người yêu bóng đá nhưng không quá lạ lẫm với người Anh. Họ biết về Owen từ trước vòng chung kết World Cup 1998. Cầu thủ sinh năm 1979 này trước đó không lâu vừa giành danh hiệu Vua phá lưới giải Ngoại hạng Anh với 18 bàn thắng.

Cho dù sau đó, Tam sư thất bại tức tưởi trên chấm phạt đền. Người ta vẫn không hề có ấn tượng gì quá đặc biệt hơn “thần đồng” mới được xứ sở sương mù chào hàng ra toàn thế giới.

Câu hỏi xoáy của một thiên tài

Sự nghiệp Michael Owen nổi lên từ rất sớm. Anh thuộc mẫu con nhà nòi về bóng đá. Ông Terry Owen (cha của Michael Owen) vốn xuất thân là một cầu thủ. Sự nghiệp ông gắn với CLB Everton - một đội bóng vùng Merseyside.

Ngay từ khi còn nhỏ, Michael Owen đã kế thừa niềm đam mê bóng đá mãnh liệt từ cha. Anh từng trở thành fan hâm mộ CLB Everton - đối thủ không đội trời chung với Liverpool. Nhận thấy những tố chất từ con trai, Terry Owen đã dồn hết tâm sức nhằm hoàn thiện kỹ năng chơi bóng cho Michael.

Không phụ sự kỳ vọng, Michael Owen bộc lộ tài năng từ rất sớm. Anh trở thành cây săn bàn chủ lực trong trường tiểu học. Lên 9 tuổi, anh ghi được 97 bàn thắng chỉ sau 1 mùa giải thi đấu cho đội bóng trường Deeside.

Owen bộc lộ tài năng từ rất sớm

Không chỉ vậy, anh còn ghi được 34 bàn thắng sau 24 trận đấu cho đội trẻ Mold Alexandra (một đội bóng của xứ Wales) khi chưa đầy 11 tuổi. Danh tiếng Owen nhanh chóng đến tai những tuyển trạch viên hàng đầu nước Anh. Họ nhanh chóng tiếp cận gia đình cậu bé.

Owen đã khiến cho thành viên Ban huấn luyện CLB Liverpool ngày ấy là Steve Heighway mất hàng giờ vắt óc viết bức thư gửi đến cậu cùng gia đình. Dường như, lá thư tay ấy đã chinh phục được một cậu bé mới 12 tuổi đang khát khao với những giấc mơ đẹp đang chờ đón phía trước.

Owen bị chinh phục ngay lập tức bởi lá thư của Heighway. Liverpool chính thức sở hữu viên ngọc quý giá trước mũi những ông lớn khác ở nước Anh. Tuổi thơ Owen bước sang một trang mới đầy tươi sáng.

Cũng chẳng ai nghĩ rằng, một bức thư tay bình thường như vậy vô hình chung giúp cho Quỷ đỏ vùng Merseyside viết lên một trang sử huy hoàng sau này. Chính Owen sau này cũng phải thừa nhận, anh bị đánh gục ngay khi đọc bức thư từ Heighway vì nó quá ấn tượng.

Bằng tài năng của mình, Owen đã giúp Liverpool giành nhiều danh hiệu lớn

Để Owen phát huy những tố chất thiên bẩm, ban lãnh đạo Liverpool gửi cậu đến Học viện bóng đá quốc gia Lilleshall - một môi trường đào tạo bóng đá hết sức khắc nghiệt dành cho những cầu thủ trẻ tại vương quốc Anh.

Giám đốc học viện thời điểm đó là Keith Blunt không thể nào quên nổi mùa thu năm 1993. Khi ông đưa ra lời cảnh báo cho 32 học viên vừa mới chào đón về những chông gai đang chờ đợi họ. Ông nhấn mạnh rằng, sẽ chỉ có 2 người trong số họ mới có thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Nhanh như sóc, Owen tiến lại bên cạnh Blunt. Cậu hướng ánh mắt về 31 thiếu niên còn lại rồi dõng dạc hỏi xoáy lại : “Ồ ! Ai sẽ là người còn lại nhỉ ?”. Câu hỏi khiến vị giám đốc học viện sửng sốt bởi nó cất lên từ một cậu bé với chiều cao khiêm tốn nhất trong số 32 học viên ngày ấy. Ông bắt đầu chú ý đến cậu nhiều hơn trong suốt quá trình huấn luyện.

Thế rồi, những gì xảy ra sau đấy đã trả lời tất cả. Lời khẳng định từ một thiên tài thực thụ của bóng đá Anh. Owen bắt đầu trình làng người hâm mộ ở tuổi 17 vào năm 1997.

Chỉ mất đúng 1 năm sau đó, anh trở thành Vua phá lưới giải Ngoại hạng Anh với 18 bàn thắng. Những cổ động viên The Kop bắt đầu chết mê chết mệt theo từng bước chạy từ chàng cầu thủ mỏng cơm trên sân.

Kiệt tác người Anh sau hơn 2 thập kỷ

Như một sự nghịch lý, dù trở thành quê hương của môn bóng đá nhưng số cầu thủ người Anh giành Quả bóng vàng châu Âu không nhiều. Kể từ khi Kevin Keegan đoạt danh hiệu này vào năm 1979, nước Anh trải qua suốt 2 thập kỷ không có nổi bất cứ một cá nhân nào được vinh danh cho đến khi Owen xuất hiện.

Ở xứ sở sương mù, công nghệ truyền thông phát triển quá mạnh vô hình chung trở thành con dao 2 lưỡi đối với nhiều cầu thủ trẻ. Chỉ sau một vài trận đấu, người ta sẽ tung hô một tài năng cá nhân lên tận mây xanh.

Owen giành Quả bóng vàng năm 2001

Mặc dù vậy, Owen không nằm trong số những cầu thủ trẻ bị truyền thông làm mờ mắt. Anh khẳng định bản thân bằng tài năng thực thụ. Thời điểm cuối thập niên 90 đầu thập niên 2000, bóng đá thế giới nổi tiếng với một vài kiểu mẫu trung phong điển hình.

Một dạng săn lùng trong vòng cấm đứng giữa lằn ranh giới của bẫy việt vị để chộp giật, hoặc đứng sát vòng cấm địa chọn vị trí thích hợp, chờ cơ hội kết liễu đối phương bằng những nhát kiếm chí tử như Filippo Inzaghi, Romario, Van Nistelrooy. Một dạng dùng sức mạnh, sự càn lướt nhằm tạo ra những cơ hội ghi bàn như Ronaldo de Lima, Batistuta, Henry. Owen không hề nằm trong số những mẫu tiền đạo như vậy.

Anh tạo ra một phong cách riêng bằng sự bù trừ những khiếm khuyết từ những mẫu tiền đạo trên. Thay vì đứng “mắc màn” trên phần sân đối phương, anh chủ động lùi về một chút để tìm những khoảng trống thích hợp, chẳng có được một thân hình đồ sộ để tì đè, anh tìm cách giữ thăng bằng, bứt tốc qua những hậu vệ đầy tinh quái.

Nhắc đến phong cách Owen, nhiều HLV phải nhận xét một điều, khi các hậu vệ để anh bứt tốc qua coi như chấp nhận “hít khói” đằng sau. Chính bởi phong cách đặc biệt tạo nên thương hiệu như vậy, Owen đưa Liverpool thăng hoa trong suốt từ năm 1997 đến 2004.

Tổng cộng, tiền đạo cao 1m73 này đóng góp 158 bàn trong 297 trận cho Quỷ đỏ vùng Merseyside. Đỉnh cao nhất là mùa bóng 2000-2001, anh ghi được 24 bàn trên mọi mặt trận góp phần vào cú ăn 5 vĩ đại của The Kop: vô địch cup FA, League Cup, siêu cup Anh, cup UEFA (nay là Europa League), siêu cup châu Âu.

Thành tích đó đã giúp cho Owen đoạt danh hiệu Quả bóng vàng châu Âu. Một danh hiệu đối với một cầu thủ người Anh sau hơn 2 thập kỷ khao khát. Bóng đá Anh thực sự đã có một tên tuổi để xứng tầm đẳng cấp thế giới.

Đáng nể hơn, những đối thủ trong cuộc đua danh hiệu cá nhân với Owen thời điểm đó toàn những hảo thủ lẫy lừng như “người ngoài hành tinh” Ronaldo, Zidane, Rivaldo, Luis Figo, Raul…

Nỗi khắc khoải về bảo vật bị đánh cắp

Tuy nhiên, tạo hóa không dễ dàng ban phát cho bất kỳ ai một cách quá đáng. Với khát khao nâng tầm nhằm bước vào ngôi đền huyền thoại của những danh thủ đẳng cấp nhất trong làng túc cầu giáo, Michael Owen đã quyết định chuyển sang Real Madrid để chinh phục những đỉnh cao danh hiệu lớn hơn cấp CLB.

Sự nghiệp Owen bắt đầu rẽ sang một hướng hoàn toàn khác. Anh mong mỏi được trở thành vì sao sáng trong dải ngân hà Galaticos do Chủ tịch Florentino Perez gây dựng bấy lâu.

Thế nhưng, chắc anh cũng chẳng thể ngờ nổi, quãng thời gian tại đây là những chuỗi ngày đen tối nhất trong sự nghiệp. Cần phải nói thêm rằng, thời điểm Owen gia nhập Los Blancos (biệt danh Real Madrid), dải ngân hà Galaticos đang bị loạn sáng.

Những chính sách mua bán vô tội vạ dẫn đến tình cảnh vừa thừa, vừa thiếu khiến cho Real đang trên đà khủng hoảng. Thêm vào đó, Owen không thể cạnh tranh nổi vị trí của Raul cùng “người ngoài hành tinh” Ronaldo.

Không hẳn bởi anh kém tài. Nhưng tập thể đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha cực kỳ phức tạp khác xa với bóng đá Anh. Nơi có những “cái tôi” tìm cách khẳng định vai trò số 1 trong lẫn ngoài sân cỏ. Huống hồ, anh đá cùng vị trí với “chúa nhẫn” Raul - một thế lực trong phòng thay đồ luôn chắc suất ra sân ở Real.

Quyết định chuyển sang Real Madrid khiến sự nghiệp Owen thay đổi hoàn toàn

Chưa kể, Real Madrid ngày ấy rất coi trọng hình thức. Đá hay đến mấy nhưng xấu trai như Makelele cũng phải “cuốn gói” khỏi Madrid. Owen luôn bị báo giới Tây Ban Nha soi mói bởi vẻ ngoài anh không được bắt mắt cho lắm vì ngoại hình quá mỏng cơm.

12 tháng sống trong sự cô đơn, ruồng rẫy từ đội bóng. Anh mài đũng quần trên băng ghế dự bị. Owen quyết định hồi hương trong màu áo Newcastle - một đội bóng khá tầm thường ở giải Ngoại hạng nhằm tìm lại bản năng sát thủ bấy lâu.

Nhưng những chấn thương từ trước đó liên tục cản trở Owen tỏa sáng. Dù vậy, người hâm mộ vẫn kỳ vọng vào Owen khá nhiều.

Vòng chung kết World Cup 2006, anh vẫn được góp mặt nhưng chấn thương trong trận đấu gặp Thụy Điển ở vòng bảng như báo hiệu ngày tàn trong sự nghiệp Owen đang đến rất gần.

Sự nghiệp Owen tụt dốc không phanh bởi những chấn thương triền miên

Chứng kiến “thần đồng” một thời của mình phải rời giải trong nỗi thất vọng ê chề, nhiều người Anh không khỏi ngao ngán cho số phận “thần đồng” một thời nơi đảo quốc sương mù.

Họ hiểu rằng, đôi chân anh đã quá mẫn cảm với những chấn thương sau chuỗi ngày bị đánh cắp ở Tây Ban Nha. Những ngày tháng xế chiều trong sự nghiệp Owen diễn ra trong nỗi tuyệt vọng, khắc khoải bởi từng cơn chấn thương hành hạ.

Dù chính “lão thần đồng” rất muốn cứu vãn cái sự nghiệp đang dang dở khi anh vẫn còn đang ở độ tuổi rất chín nếu so với những cầu thủ cùng trang lứa. Nhưng mọi thứ trở nên quá muộn.

Khoảnh khắc về cú solo tại France 98 của thần đồng Owen chỉ như mới ngày hôm qua là những gì duy nhất người ta nhớ về anh…

Chia sẻ

Bài viết

Bá Định

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất