Logo Saostar - Special special

Lương Xuân Trường - Đứa trẻ đi qua giông bão và ước mơ vươn tầm ngôi sao

Lương Xuân Trường - Đứa trẻ đi qua giông bão và ước mơ vươn tầm ngôi sao
Lương Xuân Trường - Đứa trẻ đi qua giông bão và ước mơ vươn tầm ngôi sao

Ở nước ngoài, không ít đội bóng vẫn cất các áo đấu, găng tay, đôi giày của cầu thủ để xem như biểu tượng. Mục đích muốn nhắc nhở các thế hệ đi sau về những cột mốc của CLB, giống như cách ghi lại bước đi của thời gian.

12 năm trước, Lương Xuân Trường từ Tuyên Quang đến Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal - JMG. Cậu bé người Tuyên Quang lần đầu xuất hiện trên tấm hình ngồi cạnh bầu Đức giữa trời nắng ở Hàm Rồng, Gia Lai.

Những hình ảnh về Xuân Trường từ thuở nhỏ có thể được ngắm nhìn ở phòng truyền thống CLB HAGL đặt trong Học viện, như một trong những nơi trân trọng nhất. Dù CLB HAGL chưa tính đến chuyện đưa Xuân Trường, (kể cả Công Phượng) lên thành biểu tượng vì còn trẻ. Nhưng đến lúc này có thể nói Trường “híp” là gương mặt tiêu biểu nhất của HAGL.

Xuân Trường trưởng thành từ lứa đầu tiên của Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal - JMG. Trường “híp” là 1 trong 4 cầu thủ được HLV Wenger đánh giá giỏi nhất Học viện. Ba người còn lại là Công Phượng, Tuấn Anh và Đông Triều. Cả 4 người từng đi qua nước Anh để trải qua một cuộc thử nghiệm sau khi “tốt nghiệp” Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal - JMG.

Lương Xuân Trường - Đứa trẻ đi qua giông bão và ước mơ vươn tầm ngôi sao

Bóng đá đòi hỏi thành tích nhưng quá trình còn quan trọng hơn. Danh hiệu là mục tiêu cuối cùng của các đội bóng, nhưng những cột mốc sẽ có một ý nghĩa rất lớn, đứng riêng so với khía cạnh phải đeo huy chương trên cổ.

Một cậu bé từ Tuyên Quang - nơi gần như không có tên trong bản đồ bóng đá Việt Nam, tốt nghiệp Học viện, nói tiếng Anh chuẩn, đóng góp cho các ĐTQG, sau cùng đi nước ngoài chơi bóng. Điều này tạo ra những giá trị rất lớn nếu nhìn rộng hơn về khía cạnh ước mơ của những đứa trẻ mong một ngày trở thành cầu thủ bóng đá.

Một cầu thủ của Học viện bóng đá đầu tiên ở Việt Nam, được huấn luyện trong một môi trường tử tế, chuyên nghiệp, ăn học bài bản. Cầu thủ đó được thừa nhận về tài năng, có hàng triệu người yêu mến, sau đó đại diện cho cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu. Đó là một cột mốc đáng ghi nhận để tôn vinh cho những nỗ lực không ngừng của Xuân Trường.

Thật vui nếu Xuân Trường (và Công Phượng) sớm được Học viện Bóng đá HAGL chọn làm biểu tượng để tôn vinh ở phòng truyền thống. Nhìn xa hơn, Xuân Trường là biểu tượng mới của bóng đá Việt Nam.

Lương Xuân Trường - Đứa trẻ đi qua giông bão và ước mơ vươn tầm ngôi sao

Tháng 8 năm ngoái, tôi cùng với HLV Hữu Thắng, HLV Lê Thụy Hải, HLV Đinh Hồng Vinh và các chuyên gia Ý tham gia một cuộc tuyển sinh về bóng đá. Một cậu nhóc người Thanh Hóa có đôi chân khéo léo, chơi bóng kỹ thuật.

Xem thằng nhỏ chơi bóng thật thích, đá quá nhàn rỗi, thông minh. Anh cảm nhận nó có phong cách giống Xuân Trường.

HLV Hữu Thắng

Lương Xuân Trường - Đứa trẻ đi qua giông bão và ước mơ vươn tầm ngôi sao Ảnh 5
Lương Xuân Trường - Đứa trẻ đi qua giông bão và ước mơ vươn tầm ngôi sao Ảnh 6
Lương Xuân Trường - Đứa trẻ đi qua giông bão và ước mơ vươn tầm ngôi sao Ảnh 7

Một câu chuyện nhỏ nhưng cho thấy một giá trị lớn, những người làm bóng đá Việt Nam muốn tìm kiếm thêm những cầu thủ có phẩm chất như Lương Xuân Trường. Một hình mẫu để các đội bóng muốn có trong tương lai.

Bóng đá không có công thức tạo ra những ngôi sao. Một viên ngọc thô được mài giũa thành tài là cả một kỳ công rất lớn, bao gồm nhiều yếu tố lẫn may mắn chứ không đơn giản đi tuyển sinh sẽ có ngay được một măng non chắc chắn trở thành cầu thủ giỏi.

Xuân Trường không chơi thứ bóng đá rê dắt như Văn Quyến, Công Phượng. Xuân Trường không thể tạo ra sự bùng nổ bằng cách đi qua một loạt cầu thủ để làm nên những siêu phẩm đẹp mắt. Nhưng Xuân Trường có thể tạo ra những cảm xúc từ các đường chuyền dị biệt.

Lương Xuân Trường - Đứa trẻ đi qua giông bão và ước mơ vươn tầm ngôi sao

Năm 2016, Xuân Trường lần đầu lên tuyển Việt Nam. Trường “híp” có hai đường chuyền thành bàn theo kiểu nhấc bóng qua đầu. Một phong cách chơi bóng và kiến tạo chỉ được nhìn thấy ở những tiền vệ trứ danh như Xavi, Andrea Pirlo. Xuân Trường là “người mở khóa”, có thể thay đổi cục diện bằng những đường chuyền dài chuẩn xác.

Bốn năm trước, Xuân Trường lần đầu được HLV Miura gọi lên U23 Việt Nam. Xuân Trường tuổi 20 đã có thể tự nói chuyện với HLV trưởng bằng tiếng Anh.

Tuổi 20, Xuân Trường tự tin đứng trước truyền thông lẫn các quan chức bóng đá đến từ Hàn Quốc phát biểu không cần cầm giấy trong ngày ký hợp đồng với CLB Incheon United. Hôm đó, bầu Đức tự hào nhận xét ngắn gọn: Nó thông minh lắm đấy.

Lịch sử bóng đá Việt Nam phải ghi nhận Xuân Trường là cầu thủ trẻ nhất có trình độ và thông minh khi trả lời báo chí nước ngoài. Xuân Trường không cần phiên dịch vì nói tiếng Anh rất chuẩn. Thậm chí, câu chuyện Xuân Trường giỏi ngoại ngữ trở thành tấm gương cho giới trẻ.

Dưới thời HLV Park Hang Seo, Xuân Trường mang băng đội trưởng ở U23, đội phó ở tuyển Việt Nam. Xuân Trường là “cầu nối” của ông Park với tập thể. Xuân Trường có tố chất của một thủ lĩnh và thiện cảm của tất cả đồng đội. Hình ảnh được nhắc đến rất nhiều là chuyện Xuân Trường mang áo cho các đồng đội mặc ở U23 châu Á năm 2018. Một chi tiết nhỏ để thấy được Xuân Trường là mẫu cầu thủ được nuôi dưỡng tốt, có ý thức và sự trưởng thành vững vàng.

Tuổi 24, Xuân Trường lần thứ hai xuất ngoại. Xuân Trường nhận mức lương hơn 230 triệu đồng/tháng ở Thai League. Đó cũng là một điều đặc biệt nếu đặt trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang trong giai đoạn muốn vươn mình sau những thành công trong năm 2018.

Lương Xuân Trường - Đứa trẻ đi qua giông bão và ước mơ vươn tầm ngôi sao

Park Ji-sung của Đông Nam Á - đó là câu chuyện được nhắc đến rất nhiều về Lương Xuân Trường sau khi quyết định đến Hàn Quốc hồi cuối năm 2015. Một chiếc cầu nối nhiều mặt đã được tạo ra sau khi Xuân Trường đi nước ngoài, bao gồm cả chuyện bầu Đức có thể mời được HLV Park Hang Seo về Việt Nam.

Câu chuyện Xuân Trường đi Hàn Quốc từng được suy diễn theo nhiều khía cạnh. Nhưng rõ ràng hiệu ứng và giá trị rất lớn dù Xuân Trường chưa thể tạo được thành công như mong đợi. Bóng đá đòi hỏi thành tích nhưng bản thân cầu thủ khi ra nước ngoài chơi bóng đá đã tự tạo điều lớn lao cho cả một nền bóng đá.

Người Việt Nam yêu mến Xuân Trường nên quan tâm đến K-League (giải vô địch quốc gia Hàn Quốc). Điều này cũng giống như người Hàn Quốc xem tuyển Việt Nam nhờ hiệu ứng HLV Park Hang Seo. Bóng đá khu vực, châu lục sẽ biết nhiều đến Việt Nam khi có cầu thủ đi nước ngoài thi đấu.

Wu Lei - tiền đạo Trung Quốc đã có 12 phút thi đấu ở vòng 22 La Liga khi CLB Espanyol đối đầu với Villareal. Một con số gây sốc là có 40 triệu lượt xem từ Trung Quốc nhờ sự xuất hiện của Wu Lei. La Liga và CLB Espanyol rõ ràng hưởng lợi rất lớn từ Wu Lei.

Thai League trong thời gian tới sẽ hưởng lợi rất lớn khi có Xuân Trường, Đặng Văn Lâm thi đấu. Và khi dõi theo Thai League, người hâm mộ Việt Nam sẽ có được những cái nhìn bao quát hơn khi so sánh với V.League. Những người làm bóng đá Việt Nam phải cố gắng hơn trong việc nâng tầm chất lượng lẫn hiệu ứng giải đấu để bắt kịp Thai League, giải đấu có bản quyền truyền hình và mang về rất nhiều lợi nhuận cho các CLB.

Với các cầu thủ Việt Nam, mức lương 230 triệu đồng/tháng của Xuân Trường sẽ là một đòn bẩy lớn về tinh thần. Tất cả đều cố gắng để một ngày có thể đi nước ngoài thi đấu nếu muốn “lột xác” về hình ảnh lẫn tiền bạc.

Lương Xuân Trường - Đứa trẻ đi qua giông bão và ước mơ vươn tầm ngôi sao

Năm 2007, bầu Đức có một quyết định gây sốc cho làng bóng đá Việt Nam khi quyết định xây Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal. Một cột mốc lịch sử của bóng đá Việt Nam nhưng chỉ được ghi nhận sau một loạt kỳ tích trong năm 2018. Trước đó, “đám trẻ của bầu Đức” chịu vô vàn bi kịch từ định kiến lẫn áp lực dư luận, dù mang đến tình yêu và sự hồi sinh cả một nền bóng đá.

Cuối năm 2013, bóng đá Việt Nam chứng kiến một cơn sốt xem bóng đá qua YouTube. Hơn 500 nghìn người xem U19 Việt Nam với nòng cốt là lứa Công Phượng. Một thứ bóng đá quyến rũ như thêu hoa dệt gấm từ những đôi chân trần lần đầu xỏ giày trình làng người hâm mộ cả nước. Những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… mang đến hiệu ứng cực kỳ lớn, gần như chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam dành cho những chàng trai 17 - 18 tuổi.

Cơn sốt đỉnh điểm là sân Cần Thơ năm 2014 có hơn 50 nghìn khán giả đến xem lứa Công Phượng thi đấu. Bầu Đức thêm một lần gây sốc khi nhấc cả đám trẻ lên đá V.League 2015. HAGL đi đến đâu, ban tổ chức sân lo vỡ sân đến đó. Trận mở màn ở Gia Lai, sân Pleiku bị vỡ. Bầu Đức phải xuống tận sân lo chỗ đứng cho khán giả. Người hâm mộ mọi miền đất nước kéo về dõi theo lứa Công Phượng thi đấu.

Lịch sử V.League lần đầu có cảnh tượng ban tổ chức sân phải lắp thêm màn hình phục vụ cho người hâm mộ. Còn khán giả đến trước vài ngày để mong có tấm vé vào sân. Có những người trèo rào, đu người trên cổng để mong được xem bóng đá. Những tấm vé trị giá vài chục nghìn đồng được đẩy lên ngất ngưởng… Tất cả chỉ vì yêu mến lứa Công Phượng, Xuân Trường.

Một giải đấu tưởng chừng rơi vào cảnh chợ chiều sau nhiều hệ lụy, cuối cùng hồi sinh trở lại nhờ “đám trẻ nhà bầu Đức”. Một nền bóng đá đứng giữa lằn ranh mất niềm tin bỗng dưng sống trong hy vọng, thậm chí đến Chủ tịch VFF khóa VII - Lê Hùng Dũng còn mơ ước dự World Cup.

Lương Xuân Trường - Đứa trẻ đi qua giông bão và ước mơ vươn tầm ngôi sao Ảnh 12
Lương Xuân Trường - Đứa trẻ đi qua giông bão và ước mơ vươn tầm ngôi sao Ảnh 13
Lương Xuân Trường - Đứa trẻ đi qua giông bão và ước mơ vươn tầm ngôi sao Ảnh 14

Nhưng ở đời không có gì hoàn hảo. Tình yêu lớn đi kèm theo áp lực. Tất cả bỗng quên mất lứa Công Phượng, Xuân Trường chỉ là những chàng trai tuổi 19, 20. Họ bị nhanh chóng trở thành “nạn nhân” của một nền bóng đá từng bị nhận xét xây nhà từ nóc, với việc đòi hỏi phải thắng và thành tích.

Xuân Trường, Công Phượng là hai cầu thủ chịu nhiều áp lực nhất. Xuân Trường có lẽ không quên hết nỗi chua chát sau thất bại ở SEA Game năm 2017 trên đất Malaysia. Tiền vệ người Tuyên Quang như “chết lặng” với khuôn mặt thất thần, rũ rượi của chàng trai không thể thực hiện giấc mơ có HCV SEA Game của một nền bóng đá.

Từ một cầu thủ được yêu thích và chờ đợi, Xuân Trường bị chỉ trích rất nhiều, vô vàn mổ xẻ khi được làm đội trưởng U23 Việt Nam ở U23 châu Á năm 2018. Nhưng Xuân Trường chọn cách im lặng, đáp lại bằng nỗ lực và giá trị trên sân. Một thủ lĩnh lầm lì, khuôn mặt lạnh và chơi thứ bóng đầy khát vọng ở Thường Châu, Trung Quốc. Nhưng không thiếu những khoảnh khắc tỏa sáng về chuyên môn và ấm áp bên ngoài sân cỏ để làm tan chảy những định kiến trước đó.

Xuân Trường của giấc mơ, khát vọng tột cùng và tài hoa, khắc họa đầy đủ trong những phút có mặt ở trận tứ kết ASIAN Cup 2019 giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trường “híp” tung ra những đường chuyền sắc bén như dao, thể hiện đầy đủ phẩm chất của một tiền vệ đẳng cấp. Trước đó vài ngày, Xuân Trường là hiện thân cho sự bản lĩnh với cú đá phạt đền vào lưới Jordan, rất lạnh lùng với ngón tay giơ lên trời cùng nụ hôn trên ngực áo, một phong cách có thể gọi là trái tim nóng và cái đầu lạnh của một cầu thủ trẻ sớm trải qua nhiều giông tố.

Đội trưởng U23 Việt Nam bây giờ đón mùa xuân mới bằng bản hợp đồng đến đương kim vô địch Thai League. Một sự khẳng định về giá trị chuyên môn. Một phần thưởng cho những nỗ lực không bao giờ có hai chữ bỏ cuộc, hoặc sụp đổ trước định kiến và “búa rìu” dư luận.

Xuân Trường đi Thai League, ví như cánh chim đầu đàn cho thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam. Một câu chuyện giúp nhiều thế hệ nhớ đến Đội trưởng Tsubasa - bộ truyện tranh về bóng đá của Nhật Bản một thời được nhiều danh thủ thế giới gối đầu giường từ thuở nhỏ để mơ vươn tầm ngôi sao.

Tsubasa là một cậu bé thần đồng bóng đá của Nhật Bản. Cậu nhóc luôn sống trong giấc mơ một ngày thi đấu cho tuyển Nhật Bản và vô địch thế giới. Đội trưởng Tsubasa là hiện thân cho giấc mơ về bóng đá của người Nhật. Sau Đội trưởng Tsubasa, những cậu bé Nhật Bản bằng xương bằng thịt như Nakata Hidetoshi, Kagawa Shinji… đã thực hiện hóa được giấc mơ xuất ngoại để nâng tầm bóng đá Nhật Bản.

Lương Xuân Trường và Công Phượng xuất ngoại đã là giấc mơ có thật của bóng đá Việt Nam. Thế nên, trân trọng và tự hào khi bóng đá nước nhà có những cánh chim đi ra nước ngoài bằng năng lực thực sự, rồi một ngày chờ đợi vụt sáng để vươn tầm ngôi tầm ngôi sao. Họ sẽ chắp cánh cho những thế hệ sau tiếp bước ra nước ngoài. Chỉ có vậy, bóng đá Việt Nam mới đủ sức vươn mình và mơ về ngày được dự World Cup như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp