Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Liverpool - Man Utd: Mối thâm thù còn hơn một trận bóng đá

Lịch sử kể rằng thù hận giữa 'Quỷ đỏ' với 'Lữ đoàn đỏ' bắt nguồn từ việc xây con kênh ở Manchester năm 1877, khiến vô số lao động tại Liverpool thất nghiệp. Nhưng nếu đúng như vậy, tại sao Liverpool không ghét Man City, hay Man Utd không thù Everton?

Mâu thuẫn từ việc mở cảng?

Theo nhận định của một số tờ báo Anh, giống nhiều trận derby vĩ đại khác, hận thù giữa Liverpool với Man Utd không chỉ gói gọn trên sân cỏ, mà chịu ảnh hưởng từ các mâu thuẫn trong xã hội. Nguyên nhân ban đầu là do trong thế kỷ 19, hai thành phố miền Tây Bắc cách nhau chỉ 56km đều là những thế lực kinh tế của nước Anh.

Liverpool và Manchester từng có thời rất hòa hợp trong làm ăn.

Trong lúc Liverpool sắm vai trò bến cảng lớn nhất thế giới thông thương đến Bắc Mỹ, Manchester làm trùm ngành sản xuất vải nhờ cuộc cách mạng công nghiệp ở xứ sương mù. Nhưng khi kinh tế thế giới suy thoái vào cuối thập niên 1870, Manchester quyết định xây cảng riêng dù đường biển chỉ dài 65km. Bởi họ cảm thấy Liverpool hét giá nhập khẩu bông vải thô cao quá. Từ khi cảng mới hoàn thành, Manchester không chỉ khiến vô số lao động ở Liverpool thất nghiệp, mà còn làm giảm giá trị của vùng Merseyside.

Tuy nhiên, xung đột lợi ích đó tuy khiến quan hệ giữa người dân hai thành phố không còn mật thiết như xưa, nhưng chưa hẳn là lý do chính khiến Liverpool và Man Utd nay ghét nhau như nước với lửa. Bằng chứng là từng có thời, các thành viên hai đội này vô cùng gắn bó, dù Man Utd chào đời với tên Newton Heath năm 1878, sớm hơn Liverpool 14 năm (1892).

Manchester mở càng khiến dân lao động Liverpool mất việc vô số.

Đỉnh điểm của tình bằng hữu là vụ bê bối năm 1915, khi các cầu thủ Liverpool tham gia dàn xếp tỷ số để giúp Man Utd tránh rớt hạng. Hậu quả của tình yêu vô lối ấy dẫn tới án cấm thi đấu suốt đời dành cho 4 cầu thủ Liverpool và 3 của Man Utd. Đến năm 1958, hai đội vẫn còn “tình thương mến thương” khi Liverpool chủ động đề nghị cho Man Utd mượn cầu thủ, sau thảm kịch rớt máy bay tại Munich khiến “Quỷ đỏ” gần như mất sạch dàn sao khủng.

Thậm chí tới đầu thập niên 1960, các cầu thủ Man Utd vẫn quen tới Anfield xem Liverpool chơi bóng vào những lúc rảnh rỗi. Và đến năm 1964, Man Utd còn cho phép Phil Chisnall chuyển sang Liverpool. Nào ngờ đó cũng là vụ chuyển nhượng cầu thủ cuối cùng trực tiếp giữa hai đội cho tới tận bây giờ.

Các thành viên trong đội Liverpool và Man Utd từng có thời thân thiện như cảnh trên.

Ngày nay, nhắc tới Liverpool vs Man Utd thường chỉ còn mấy vụ tai tiếng. Ngoài những cuộc chiến đổ máu giữa các CĐV hai đội vào cuối thập niên 1970, các thành viên “Quỷ đỏ” từng bị CĐV Liverpool xịt hơi cay khi vừa bước xuống xe buýt trước trận đấu tại Anfield năm 1986. Đỉnh điểm xung đột có thể kể tới năm 2011, tiền đạo Liverpool Luis Suarez bị treo giò 8 trận do lăng mạ hậu vệ Man Utd Patrice Evra.

Bầu không khí ở các trận đấu giữa hai đội ngột ngạt tới mức trong cuốn tự truyện “Steven Gerrard, câu chuyện đời tôi”, huyền thoại Liverpool phải tỏ ra rất bức xúc mỗi khi nhớ lại: “Tôi chưa từng thấy nơi nào ghét mình giống Man Utd. Everton ghét tôi vì tôi thường ghi bàn vào lưới họ. Nhưng họ cũng tôn trọng tôi. Tất cả khác hẳn tại Old Trafford. Người ta ghét tôi chỉ vì tôi đến từ Liverpool. Những tiếng la ó khiến tôi thậm chí không nghe được tiếng còi”.

Nhưng giờ đây, hai đội như nước với lửa.

Ý nghĩa của derby nước Anh

Đến đây, vấn đề được đặt ra là tại sao đang yên lành thì Liverpool với Man Utd bỗng trở mặt thành thù như vậy? Dấu mốc để tìm ra đáp án này thật ra không quá khó, khi lần cuối cùng hai đội chuyển nhượng cầu thủ cho nhau là thập niên 1960. Giai đoạn đó chính là lúc Man Utd đột ngột vươn lên trở thành ngôi sao mới trên nền trời bóng đá nước Anh và châu Âu, với 2 ngôi vô địch Quốc gia và trở thành đại diện đầu tiên của xứ sở sương mù đoạt được Cúp C1.

Những vụ gây gổ trên sân giữa cầu thủ hai đội là quá đỗi bình thường.

Bị Man Utd cắt mất chuỗi 3 mùa vô địch và nẫng mất vinh dự trở thành đội bóng Anh đầu tiên chinh phục Cúp C1, Liverpool đã nổi giận và giáng trả bằng 4 Cúp C1 và 11 ngôi vô địch Anh trong suốt 2 thập niên sau đó. Đòn thù này thật sự đã làm nhục Man Utd do khiến “Quỷ đỏ” trải qua 26 mùa liên tiếp trắng tay ở Premier League.

Man Utd càng tức tối do trong vòng 20 năm đó, các CĐV Liverpool thường ngân nga lời hát nhắc lại vết thương của “Quỷ đỏ” là vụ rớt máy bay Munich 1958. Phải mãi tới năm 1989 khi xảy ra thảm họa sập tường sân Hillsborough, các fans Liverpool mới bớt dần những lời hát cay nghiệt nhắm vào đội chủ sân Old Trafford.

Steven Gerrard bị đuổi trong tình huống này chỉ là 1 trong 16 thẻ đỏ qua 48 lần derby Anh ở Premier League.

Còn hiện nay, không khó giải thích tại sao các CĐV Liverpool ngày càng ghét Man Utd: Vì cảm thấy những chiến tích của đội nhà thường không được ghi nhận xứng đáng, trong lúc thành quả của đối thủ thường được thổi phồng quá đáng.

Chẳng hạn sân Old Trafford chưa chi đã được ví von như “Nhà hát của những giấc mơ”, hoặc cú ăn ba lịch sử năm 1999 được dựng thành phim “Beyond the Promised Land” là hai ví dụ tiêu biểu. Chưa kể là dù nổi tiếng muộn hơn, nhưng lượng người hâm mộ Man Utd hiện đã vượt trội so với đối thủ.

Bên cạnh đó, cả Anfield lẫn Old Trafford lúc nào cũng chật kín người xem, nhưng Man Utd kiếm tiền nhiều hơn vì sức chứa nhỉnh hơn 30.000 chỗ, giúp “Quỷ đỏ” bỏ túi thêm 1,4 triệu bảng mỗi trận. Thực trạng này buộc Liverpool phải tìm đất xây sân mới để bớt thua thiệt.

CĐV Man Ud rất hãnh diện vì đội nhà có số ngôi vô địch Anh vượt qua Liverpool.

Liverpool căm ghét Man Utd là vì vậy, còn Man Utd sao lại ghét Liverpool? Việc này một phần do 26 năm bị Liverpool đè ở giải VĐQG, mặt khác do sau chiến thắng ngoạn mục trước Bayern Munich ở chung kết Champions League năm 1999, các fans Man Utd đã ngạo nghễ tuyên bố: “Champions League khó thắng hơn Cúp C1 cũ”. Niềm vui ấy chỉ kéo dài được vài năm thì bị thầy trò Rafael Benitez dập tắt với ngôi vô địch châu Âu lần thứ 5 của Liverpool.

Đến lúc này, các CĐV Man Utd ắt hẳn cay đắng nhận ra rằng đội nhà có thể mua được các siêu sao bằng rất nhiều tiền, nhưng không đủ để thống trị châu Âu như Real Madrid, AC Milan, Bayern Munich, Ajax Amsterdam và… Liverpool. Tất cả nỗ lực của Man Utd nhiều thế hệ chỉ đem về vỏn vẹn 3 Cúp C1/Champions League, trong lúc Liverpool đã có 5 danh hiệu đó, song hành cùng Barcelona, Bayern Munich và chỉ kém Real Madrid, AC Milan.

Nhưng Man Utd cũng thèm khát vị thế của Liverpool ở Cúp C1/Champions League.

Thực trạng đó giải thích tại sao ngay cả ở các trận không gặp Liverpool, một số CĐV Man Utd vẫn cất vang lời hát công kích Liverpool dù ngồi ấm chỗ chưa đầy 30 giây. Bởi như người La Mã cổ đại đúc kết, “người đời chỉ ghét kẻ mà họ sợ”. Đúng là Liverpool chưa từng vô địch Premier League lần nào, nhưng kẻ thống trị Man Utd thừa hiểu mình không thể lơi chân, vì sẽ có ngày đối thủ hiện kém họ 2 ngôi vô địch Premier League và hơn 2 Cúp C1/Champions League cũng sẽ quật khởi trở lại.

Khát vọng đua tranh không mệt mỏi như thế giữa Man Utd với Liverpool giải thích tại sao trận derby Anh thuộc loại hấp dẫn nhất thế giới. Và vì đây là cuộc so tài giữa hai đội giàu thành tích nhất của xứ sở sương mù ở cả giải VĐQG lẫn Cúp C1/Champions League, nên không khó hiểu khi Liverpool vs Man Utd được gọi là derby nước Anh.

Cuối tuần này tại Anfield, derby Anh hứa hẹn sẽ lần nữa thể hiện được hết sức cạnh tranh kéo dài hàng thập niên của hai đội.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Châu

Được quan tâm

Tin mới nhất