4-2-2 LÀM NÊN THƯƠNG HIỆU CHO BÓNG ĐÁ ANH
Trước và sau World Cup 1950, cả thế giới chơi theo sơ đồ WM. “Đội bóng vàng” Hungary được ngưỡng mộ trong suốt nửa đầu thập niên 50, gồm cả World Cup 1954, bằng sơ đồ 4-2-4 tuyệt vời. Brazil của Didi, Vava, Pele, Garrincha, Zagallo cũng chơi 4-2-4 để vô địch World Cup 1958, nhưng khi bảo vệ thành công vương miện tại World Cup 1962 thì Garrincha và đồng đội đã chuyển sang cách chơi 4-3-3 rất tiên tiến.
Thế rồi, quê hương bóng đá đăng cai World Cup 1966 và lên ngôi vô địch với sơ đồ 4-4-2. Tóm lại, những năm 1950-1960 là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của chiến thuật bóng đá, với các sơ đồ mới liên tục xuất hiện và tỏ rõ tính ưu việt. Còn sau World Cup 1966? Người Anh chẳng cần thay đổi gì nữa. Gần nửa thế kỷ tiếp theo, tuyệt đại đa số các đội bóng Anh (gồm cả CLB lẫn ĐTQG) luôn ra sân với sơ đồ 4-4-2, như một sự mặc định. Thế giới xung quanh thì vẫn tiếp tục phát triển, với nhiều cách chơi mới mẻ hơn.
Nhưng cũng phải thừa nhận, cách chơi 4-4-2 vẫn tiếp tục tồn tại bên ngoài nước Anh suốt nhiều thập kỷ sau kỳ World Cup 1966. Đấy là sơ đồ chiến thuật phổ biến nhất, bền bỉ nhất, đơn giản nhất, hiệu quả nhất. Người ta dùng sơ đồ 4-4-2 không chỉ để ra sân thi đấu, mà còn để bầu chọn các đội hình kiểu mẫu, để ráp nối đội hình thật nhanh trong các trận đấu biểu diễn, để đặt tên cho các chương trình hoặc tạp chí bóng đá.
Nhìn lại lịch sử, ngoài chuyện nghĩ ra và hệ thống hóa hoàn chỉnh luật lệ, bóng đá Anh thật ra không có nhiều chi tiết chuyên môn đáng tự hào. Thành tích của nền bóng đá này cũng chẳng có gì ghê gớm, ngoài chức vô địch World Cup 1966. Dù sao đi nữa, “tác quyền 4-4-2” của người Anh thì đúng là đáng bội phục.
Công đầu thuộc về HLV Alf Ramsey. Người ta gọi sơ đồ chiến thuật 4-4-2 của ông tại World Cup 1966 là “kỳ quan không cánh”, bởi đấy là lần đầu tiên trong bóng đá đỉnh cao, có một đội tuyển sử dụng đội hình không có tiền đạo cánh, nhưng lại chiến thắng rực rỡ.
Ramsey từng là danh thủ, khoác áo đội Anh đến năm 1953, sau đó huấn luyện Ipswich. Không chỉ đưa Ipswich từ giải hạng Ba lên giải hạng Nhất, Ramsey còn đem về cho đội này chức vô địch Anh ngay trong nỗ lực đầu tiên. Chính tại Ipswich, HLV Ramsey đã nghĩ ra sơ đồ chiến thuật 4-4-2 cùng cách chơi mới mẻ kèm theo đó.
Điểm mấu chốt: các tiền đạo cánh hầu như không bao giờ tham gia phòng ngự, nếu thay bằng tiền vệ cánh thì Ramsey sẽ có các cầu thủ vừa tấn công vừa phòng ngự ở 2 biên. Tiện lợi đã đành, phát kiến về chiến thuật của Ramsey còn thành công ở chỗ hậu vệ biên của đối phương chẳng biết xử lý ra sao trước các tiền vệ biên, do họ chỉ quen đối phó với tiền đạo cánh.
Trận chung kết Anh - Đức
Những gì HLV Ramsey nghĩ ra hồi đầu thập niên 1960, đến giờ vẫn còn giá trị, đủ thấy sơ đồ 4-4-2 vĩ đại như thế nào. Một ví dụ: khi AC Milan nổi lên thống trị châu Âu và thế giới trong những năm 1980-1990, các HLV Arrigo Sacchi và Fabio Capello đều dùng sơ đồ chiến thuật 4-4-2.
Cũng từ thành công của Milan dưới thời Sacchi và Capello, sơ đồ 4-4-2 lại càng thịnh hành trong bóng đá đỉnh cao ở thập niên 1990. Vậy thì, đâu có gì lạ khi David Platt thừa nhận: ông và các cầu thủ Anh trong thế hệ của mình chẳng bao giờ quan tâm đến sơ đồ khác. Trong nửa thế kỷ, giới bóng đá Anh chỉ biết ra sân và chơi theo sơ đồ 4-4-2, sơ đồ đã đem về cho đội tuyển Anh chức vô địch quan trọng duy nhất.
Bỏ qua ảnh hưởng của chức vô địch World Cup 1966, vì sao người Anh “phải” chơi 4-4-2 suốt nửa thế kỷ? Theo Platt, đây còn là vấn đề “con gà và quả trứng”. Một mặt, phải chơi như thế vì bóng đá Anh không có tiền đạo cánh xuất sắc. Mặt khác, bóng đá Anh không có tiền đạo cánh xuất sắc vì họ chỉ chơi 4-4-2, nghĩa là không dùng tiền đạo cánh!
DUYÊN KỲ NGỘ TẠO NÊN KỲ QUAN
Mọi người đều biết, chiến thuật bóng đá luôn đòi hỏi phải có con người phù hợp đi kèm. Đây cũng là chi tiết cốt lõi khiến HLV Ramsey thành công với sơ đồ 4-4-2 tại World Cup 1966. Thật ra, ông dùng sơ đồ 4-3-3 trong suốt vòng bảng.
Nhưng khi ấy, đội Anh chẳng có tiền đạo cánh nào ra hồn. Trong 3 trận, ông luân phiên dùng 3 tiền đạo cánh khác nhau: John Connelly gặp Uruguay, Terry Paine gặp Mexico và Ian Callaghan gặp Pháp. Nhìn chung, đều không thuyết phục. Đã vậy, tiền đạo số 1 của bóng đá Anh khi ấy là Jimmy Greaves lại chấn thương, không thể dự trận tứ kết.
Ramsey bất ngờ dùng tiền đạo trẻ Geoff Hurst thay Greaves, và dùng cả cặp tiền đạo Hurst - Hunt vì một mình Hurst thì sợ không đủ uy lực. Để cân bằng giữa công và thủ, ông chuyển sơ đồ 4-3-3 sang 4-4-2. Thế là thành công vang dội. Sau chức vô địch World Cup 1966, thầy trò Ramsey còn đoạt hạng Ba tại EURO 1968 (thành tích cao nhất trong lịch sử tham dự EURO của đội Anh). Họ thắng ĐKVĐ TBN trong cả 2 lượt để vào bán kết. Trước đó, Anh cũng thắng nhà vô địch EURO 1964 ngay trên đất TBN, bằng cách chơi 4-4-2, trong quá trình chuẩn bị cho World Cup 1966.
Sơ đồ 4-4-2 rất thích hợp với một tuyển Anh vốn có các tiền vệ cánh công/thủ toàn diện (Alan Ball và Martin Peters). Sơ đồ này cũng thích hợp với cặp tiền đạo Geoff Hurst - Roger Hunt. Hai trung phong “tầm tầm” hỗ trợ cho nhau. Sơ đồ này cũng thành công nhờ cặp tiền vệ giữa sân bổ sung rất tốt cho nhau: Bobby Charlton lo tấn công, còn Nobby Stiles lo phòng thủ. Charlton kể lại trận giao hữu tại TBN: “Hậu vệ cánh của đối phương cứ trân mắt nhìn nhau, chẳng biết nên làm gì khi chúng tôi tấn công”.
Sau này, cách chơi 4-4-2 lại càng trở nên khăng khít với bóng đá Anh do những pha dốc biên, tạt cánh, đánh đầu, cùng nguyên tắc “chạy và sút” ào ạt rất thích hợp với khí hậu lạnh trên xứ sở sương mù. Đội hình 4-4-2 khai thác khoảng trống để tấn công rất tốt, nếu các cầu thủ “chịu chạy” (trong khi đội hình 4-3-3 rải người đều hơn, đòi hỏi kỹ thuật cá nhân nhiều hơn so với việc di chuyển).
Không chỉ thi đấu mà ngay cả trong các buổi tập, nhất là ở các đội trẻ, người Anh luôn có nhu cầu vận động nhiều, cả đội hình phải tập di chuyển đồng bộ với nhau, để chống lạnh. Rõ ràng, 4-4-2 là của người Anh. Và bóng đá Anh chính là thứ bóng đá 4-4-2!
CHDCND TRIỀU TIÊN VÀ EUSEBIO GÂY ẤN TƯỢNG MẠNH
Pele, Garrincha, Tostao, Franz Beckenbauer, Bobby Charlton, Uwe Seeler… World Cup 1966 bao gồm không ít cái tên huyền thoại. Nhưng dấu ấn cá nhân sâu đậm hơn cả thuộc về Eusebio - cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá BĐN (ông vừa qua đời năm 2014). “Viên ngọc đen”, hoặc “con báo đen” là biệt danh của cầu thủ đến từ Mozambique, xứ sở châu Phi khi ấy vẫn đang là thuộc địa của BĐN.
Ở thời điểm ấy, FIFA vẫn chưa cho rằng các nước châu Phi… biết chơi bóng. Họ chỉ cấp 1 suất dự VCK cho cả 2 lục địa cộng lại: châu Phi và châu Á. Rút cuộc, toàn bộ châu Phi tẩy chay vòng loại World Cup 1966. Nhiều đội châu Á cũng tẩy chay, kết quả là CHDCND Triều Tiên lấy vé sau khi thắng Australia - đối thủ duy nhất của họ.
Có đúng là châu Á và châu Phi… chưa biết chơi bóng? FIFA nhận một cái tát cho suy nghĩ này. Tại VCK, CHDCND Triều Tiên đã gây nên một trong những bất ngờ lớn nhất trong lịch sử World Cup khi thắng Italia 1-0 trong loạt trận cuối vòng bảng, loại luôn đội tuyển 2 lần vô địch World Cup ra khỏi cuộc chơi.
Vào tứ kết, CHDCND Triều Tiên lại chỉ mất 25 phút để dẫn 3-0 trước BĐN. Đến đây, World Cup 1966 lại được chứng kiến cú bất ngờ tuyệt vời khác, đến từ Eusebio. Một mình Eusebio ghi đến 4 bàn, giúp BĐN thắng ngược 5-3! Cuối cùng, tuy BĐN dừng chân ở vòng bán kết nhưng Eusebio đoạt danh hiệu vua phá lưới với 9 bàn thắng. Ông chính là cầu thủ vĩ đại đầu tiên bước ra từ châu Phi.
Cũng chính Eusebio và BĐN đã hạ bệ ĐKVĐ Brazil, ngay từ vòng bảng. Nhưng họ không vượt qua được chủ nhà Anh ở vòng bán kết. Trước khi thắng BĐN, Anh loại Argentina ở vòng tứ kết, trong một trận đấu đầy bạo lực - mở ra truyền thống “không đội trời chung”, kéo dài đến tận bây giờ giữa 2 đội này.
Cầu thủ đôi bên không chỉ tung ra những cú chém giò, mà còn kéo tóc hoặc chọc tay vào mắt nhau! Thủ quân Antonio Rattin của Argentina bị đuổi. Sau khi trận đấu kết thúc, HLV Alf Ramsey của đội Anh lại gây sóng gió trong cuộc họp báo: “Chúng tôi chưa trình diễn được lối chơi đẹp. Chúng tôi sẽ đá đẹp khi gặp đối thủ xứng đáng, chứ không đá đẹp trước loại đối thủ chơi như những con thú”. Báo chí Argentina điên tiết, gọi trận Anh thắng Argentina 1-0 là “cú ăn cướp của thế kỷ”. Còn báo chí Anh thì chỉ trích HLV Ramsey: Ông nói như thế thì chẳng quá xúc phạm những con thú!
Đức thắng Liên Xô ở bán kết, rồi thua Anh 2-4 trong một trận chung kết đầy tranh cãi. Bobby Charlton khi ấy là một tiền vệ xuất sắc trong đội hình Anh (đến cuối năm thì ông đoạt “Quả Bóng Vàng châu Âu”). Nhưng Charlton hầu như chỉ là một chiếc bóng mờ trong trận chung kết. Vì sao? Vì trong đội hình Đức cũng có một ngôi sao trẻ chơi rất hay ở hàng tiền vệ. Ngôi sao ấy cũng dường như… mất tăm trong trận chung kết.
Họ chơi hay đến nỗi khi kềm cặp nhau thì họ đều làm cho đối thủ bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Không ai phạm phải một sơ suất nhỏ trong suốt trận đấu. Cũng vì vậy, không ai có thể tỏa sáng. Một bên là Charlton của Anh. Còn bên kia? Tiền vệ mới 20 tuổi, tên là Franz Beckenbauer ấy, sau này trở thành cầu thủ vĩ đại nhất trong làng bóng Đức.
Trận Bồ Đào Nha - CHDCND Triều Tiên.
CHÚ KHUYỂN NỔI TIẾNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ BÓNG ĐÁ
Chuyện về Pickles được nói đến nhiều hơn cuộc tổng tuyển cử tại Anh trong năm 1966. Đấy là năm mà quê hương bóng đá giành được chức vô địch quan trọng duy nhất xưa nay: World Cup 1966. Mỗi tuyển thủ Anh được thưởng 1.000 bảng cho chiến thắng vinh quang trên sân nhà. Còn Pickles được thưởng đến 5.000 bảng. Sau này, “người hùng Pickles” còn được đưa lên màn bạc, được tài trợ 1 năm ăn uống và sử dụng các dịch vụ chăm sóc miễn phí.
Đến năm 1971 thì Pickles qua đời vì tai nạn giao thông, khi chú mải lo rượt theo một… con mèo. Vâng, Pickles chỉ là một… chú khuyển. Cái phần thưởng 5.000 bảng kia được tiếp quản bởi chủ nhân của Pickles, tên là David Corbett. Và có lẽ sẽ chẳng bao giờ chú khuyển Pickles hiểu được, nó đã làm nên điều gì trọng đại trong ngày 27/3/1966.
Vài tháng trước khi khai diễn World Cup 1966, chiếc cúp Jules Rimet được trưng bày tại Westminster. Có 5 vệ sĩ thường xuyên để mắt đến thứ bảo vật quý giá nhất trong môn bóng đá. Nhưng ngày 20/3/1966 là ngày Chủ Nhật, nên đa số vệ sĩ được nghỉ. Nhân viên trực thì thỉnh thoảng cũng phải làm tách cà phê hoặc đi vào nhà vệ sinh. Trong một khoảnh khắc sơ suất nào đó, đại loại như thế, cúp Jules Rimet đã bị đánh cắp. Câu chuyện làm rúng động không chỉ nước Anh, mà cả thế giới bóng đá nữa.
Những bộ óc siêu việt nhất của Scotland Yard (Sở cảnh sát London) lao vào điều tra, tìm kiếm trong vô vọng. Thế rồi, trong một dịp đi dạo tình cờ, Pickles làm cho chủ nhân của nó bực bội, khi nó xông vào đáy của một chiếc thùng rác trong vườn nhà người ta và sủa vang. Trò quái quỷ gì thế? Corbett càu nhàu đến xem cái vật mà Pickles cố giằng ra từ một mớ giấy báo. Và, sau một thoảng sửng sốt thì… Eureka!
Chỉ còn thiếu điều trần truồng phóng thẳng ra đường như nhà toán học cổ đại Archimedes, vì hoàn cảnh không giống như vậy, nhưng David Corbett cũng điên dại chẳng kém! Anh mừng còn hơn bắt được vàng, vừa chạy vừa la toáng: “Tôi đã tìm thấy chiếc cúp! Tôi đã tìm thấy!”. Sau này, cúp Jules Rimet lại bị đánh cắp lần nữa, tại Brazil năm 1983. Từ đó đến nay, nó vẫn chưa bao giờ xuất hiện trở lại…
NỔI TIẾNG VÌ QUYẾT ĐỊNH SAI
SVĐ quốc gia của Azerbaijan hiện nay, ở thủ đô Baku, mang tên Tofiq Bahramov. ĐTQG Azerbaijan thi đấu tại đấy. Khi đá những trận vòng loại quan trọng ở Champions League hoặc Europa League, các CLB hàng đầu Azerbaijan cũng dùng sân này. Sân bóng được đặt theo tên của trọng tài Tofiq Bahramov, khi ông qua đời năm 1993.
Bahramov là một trọng tài xuất sắc? Chưa hẳn, nhưng chắc chắn ông rất nổi tiếng. Và điều khiến ông nổi tiếng nhất lại là một quyết định sai lầm. Không có sai lầm mang tính lịch sử ấy, có khi người dân Azerbaijan cũng chẳng biết ông là ai.
Đường bóng căng bật xà, dội xuống mặt cỏ ở vị trí chẳng rõ là ở bên trong hay bên ngoài vạch cầu môn. Tình huống như vậy kể cũng không hiếm trong môn bóng đá. Nhưng tình huống mà trọng tài Bahramov cho rằng đã thành bàn trong ngày 30/7/1966 lại là tình huống mang tính quyết định đối với trận chung kết World Cup 1966. Thật ra, Bahramov chỉ là trọng tài biên. Trọng tài chính người Thụy Sỹ Gottfried Dienst hoàn toàn bó tay, và khi được trọng tài chính tham khảo ý kiến thì Bahramov quả quyết: pha bóng đã thành bàn.
Đấy là phút thứ 101 của trận chung kết. Anh và Đức hòa nhau 2-2 trong 90 phút chính thức, nên phải đá thêm hiệp phụ. Dĩ nhiên, các cầu thủ Đức cực lực phản đối, nhưng họ không thể thay đổi điều gì. Geoff Hurst được công nhận bàn thắng, và ông lại ghi thêm bàn nữa để ấn định chiến thắng 4-2 ở phút 120. Anh lên ngôi vô địch, còn Hurst đi vào lịch sử với tư cách cầu thủ duy nhất xưa nay lập được hat-trick ở trận chung kết World Cup.
Tất cả đều sẽ thay đổi nếu bàn thắng ở phút 101 của Hurst không được công nhận. Một thời, đấy được xem là tranh cãi lớn nhất trong lịch sử bóng đá. 40 năm sau, nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người ta mới chứng minh được rằng quả ấy… chưa vào. Nhưng Bahramov đâu cần biết vào hay chưa. Ông từng nói trước khi qua đời: “Họ là người Đức. Tôi đã phải chờ mãi, từ cuộc Thế chiến II, để có một cơ hội như thế này…”.
Bahramov bắt đầu nổi tiếng từ câu nói ấy.
KẾT QUẢ WORLD CUP 1966
(Từ 11/7 đến 30/7/1966, tại Anh)
- Vô địch: Anh.
- Á quân: Đức.
- Hạng 3: BĐN.
- Hạng 4: Liên Xô.
- Vua phá lưới: Eusebio (BĐN, 9 bàn)
- Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất: Franz Beckenbauer (Tây Đức)
- Đội hình tiêu biểu: Gordon Banks (Anh); George Cohen (Anh) - Bobby Moore (Anh) - Vicente (BĐN) - Silvio Marzolini (Italia); Franz Beckenbauer (Tây Đức) - Mario Coluna (BĐN) - Bobby Charlton (Anh); Florian Albert (Hungary) - Uwe Seeler (Tây Đức) - Eusebio (BĐN)Kết quả cụ thể
Bảng 1 (1.Anh, 2.Uruguay, 3.Mexico, 4.Pháp)
Anh - Uruguay: 0-0
Pháp - Mexico: 1-1
Uruguay - Pháp: 2-1
Anh - Mexico: 2-0
Mexico - Uruguay: 0-0
Anh - Pháp: 2-0Bảng 2 (1.Tây Đức, 2.Argentina, 3.Tây Ban Nha, 4.Thụy Sỹ)
Tây Đức - Thụy Sỹ: 5-0
Argentina - TBN: 2-1
TBN - Thụy Sỹ: 2-1
Argentina - Tây Đức: 0-0
Argentina - Thụy Sỹ: 2-0
Tây Đức - TBN: 2-1Bảng 3 (1.Bồ Đào Nha, 2. Hungary, 3. Brazil, 4.Bulgaria)
Brazil - Bulgaria: 2-0
BĐN - Hungary: 3-1
Hungary - Brazil: 3-1
BĐN - Bulgaria: 3-0
BĐN - Brazil: 3-1
Hungary - Bulgaria: 3-1Bảng 4 (1.Liên Xô , 2.CHDCND Triều Tiên, 3.Italia, 4.Chile)
Liên Xô - CHDCND Triều Tiên: 3-0
Italia - Chile: 2-0
Chile - CHDCND Triều Tiên: 1-1
Liên Xô - Italia: 1-0
CHDCND Triều Tiên - Italia: 1-0
Liên Xô - Chile: 2-1Vòng tứ kết
BĐN - CHDCND Triều Tiên: 5-3
Tây Đức - Uruguay: 4-0
Liên Xô - Hungary: 2-1
Anh - Argentina: 1-0Vòng bán kết
Tây Đức - Liên Xô: 2-1
Anh - BĐN: 2-1Tranh hạng Ba
BĐN - Liên Xô: 2-1Chung kết
Anh - Tây Đức: 4-2