Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Kỳ 3- Nước mắt 'tiểu tiên cá' Ánh Viên

Khi một VĐV hay tập thể sa sút thì phần lớn tập trung vào việc mổ xẻ chuyên môn. Câu chuyện của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên sa sút đang được nhìn nhận như thế. Lỗi nằm ở đâu?

Trong ngày Ánh Viên thi xong nội dung 400m hỗn hợp ở giải bơi thế giới 2019, thành tích sa sút thì lập tức xuất hiện dày đặc trên truyền thông. Một tuyển thủ quốc gia của đội tuyển bơi Việt Nam tâm sự với tôi rằng: “Anh ơi, em lo quá. Sợ chị Viên đọc được những thông tin kiểu này sẽ càng bị áp lực. Em thấy một số ý kiến nói đúng nhưng không dám share về (chia sẻ trên mạng xã hội). Em sợ chị Viên đọc được sẽ buồn lắm”.

Vì sao Ánh Viên tụt dốc về thành tích? Trước tiên, chúng ta nhìn ở góc độ cô gái người Cần Thơ bị áp lực thành tích đè như thế nào.

HLV Đặng Anh Tuấn từng chia sẻ cách đây 1 năm về chuyện Ánh Viên bị trầm cảm. “Chúng tôi phải nhờ tới bác sĩ tâm lý điều trị trong suốt 3 tháng. Do áp lực về thành tích, Ánh Viên dần dần rơi vào trạng thái trầm cảm khiến em ấy không còn là chính mình. May mắn là thời điểm này, Ánh Viên đã trở lại là Ánh Viên”, HLV Đặng Anh Tuấn nói trước thềm ASIAD 18.

Ánh Viên từng bị trầm cảm 3 tháng.

Có bao giờ lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam tự trả lời câu hỏi: Ai tạo ra áp lực thành tích để Ánh Viên bị trầm cảm? 

Thử nhìn lại một giải đấu để thấy điều nghịch lý. Trước SEA Games năm 2017, lãnh đạo đề ra mục tiêu của bơi Việt Nam là 10 - 12 HCV. Trừ Ánh Viên, những gương mặt được dự đoán có HCV là Hoàng Quý Phước, Lâm Quang Nhật, Huy Hoàng nhưng họ tối đa chỉ mang về 3-4 HCV. Vậy số huy chương còn lại phải dồn lên vai Ánh Viên.

Kết thúc SEA Games năm 2017, bơi Việt Nam có 10 HCV. Huy Hoàng và Nguyễn Hữu Kim Sơn, mỗi người góp công 1 HCV. 8 tấm huy chương còn lại thuộc về Ánh Viên. Nhưng khi được hỏi tại sao để Ánh Viên bơi quá nhiều thì Trưởng đoàn thể thao Việt Nam ông Trần Đức Phấn lý giải: Không bắt Ánh Viên phải bơi nhiều như thế, không cần phải lấy HCV bằng mọi giá, chỉ cần tập trung vào hai nội dung thế mạnh để hướng đến ASIAD 18.

Hơn hết, Ánh Viên vắt cạn sức đấu nhiều nội dung, giành 8 HCV nhưng ông Đặng Anh Tuấn bảo bị trầm cảm vì bản thân Viên cảm thấy thành tích chưa làm hài lòng ban huấn luyện.

Từ câu chuyện nêu trên, chúng ta có thể thấy được áp lực thành tích dành Ánh Viên là quá lớn. Mấu chốt thế này, nếu không để Ánh Viên lấy HCV bằng mọi giá thì sao bơi Việt Nam đề ra mục tiêu 10-12 HCV ở SEA Games 29.

Phải chăng cũng chính tư tưởng gặt nhiều HCV khu vực đã góp phần lớn khiến cho Ánh Viên không thể bơi ra “biển lớn” ở các sân chơi ASIAD, Olympic?

Giới hạn của Ánh Viên nếu muốn thi thố châu lục thì phải tập trung xuyên suốt 1 -2 cự ly mạnh nhất của chính mình. Nhưng thầy Ánh Viên và ngành thể thao không nghĩ thế. Ánh Viên được đăng ký thi rất nhiều cự ly ở SEA Games. Cuối cùng, Ánh Viên chỉ “ngụp lặn” ở… SEA Games.

Bây giờ, Ánh Viên sa sút thì tất cả lại mổ xẻ theo hướng là lý do này, lý do nọ, như tập huấn một trò - một thầy, do thầy… Thật ra, đó chỉ là cách đổ lỗi, sao không thừa nhận thẳng rằng: Nguyên nhân chính là bệnh thành tích “ao làng” nên vắt cạn sức lực của Ánh Viên để có huy chương.

Một vấn đề đặt ra sau khi nhiều người mổ xẻ chuyện vì sao Ánh Viên sa sút: Ngành thể thao Việt Nam có thay đổi hay vẫn chạy theo thành tích. Tức SEA Games 30 diễn ra vào cuối năm nay, Ánh Viên sẽ bơi như thế nào, chỉ bơi các nội dung sở trường, hay tiếp tục dàn trải để gánh áp lực gặt HCV.

Hãy chờ xem!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hiểu lầm về Hoa hậu Kỳ Duyên