Vậy là sau 92 trận đấu, 23 bàn thắng và 40 đường chuyền thành bàn, Ozil đã nói lời chia tay đội tuyển quốc gia Đức. Mang hai quốc tịch, Ozil có thể chơi cho Đức hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng anh quyết định gắn bó với đất nước nơi anh sinh ra và lớn lên. Ozil khoác áo U17 Đức từ tháng 9/2006 và cùng U21 Đức giành chức vô địch châu Âu năm 2009.
Lần đầu tiên Ozil khoác áo tuyển quốc gia là trận đấu Đức - Na Uy hồi tháng 2/2009. Gần 10 năm trôi qua, cầu thủ sinh năm 1988 cùng “Die Mannschaft” đã giành được không ít vinh quang.
Đầu tiên là huy chương đồng World Cup 2010 rồi đến đồng hạng ba EURO 2012, đỉnh cao là danh hiệu vô địch World Cup 2014 và tiếp đến lại vị trí đồng hạng ba EURO 2016.
Trong suốt quãng thời gian đó, bóng đá Đức luôn thừa nhận tài năng đặc biệt của Ozil, một chân chuyền siêu hạng. Anh 5 lần được bầu chọn là tuyển thủ quốc gia hay nhất của các năm 2011, 2012, 2013, 2015 và 2016.
Người thay đổi lối chơi của tuyển Đức
Nhưng sau thất bại thảm họa của “Cỗ xe tăng” tại World Cup 2018, Ozil - thay vì thủ phạm chính là HLV Joachim Loew - trở thành “con dê tế thần” để Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) đưa lên dàn hỏa thiêu. Thậm chí, Chủ tịch CLB Bayern Munich Uli Hoeness phủ nhận sạch công lao của Oezil khi mô tả anh “đã chơi tệ hại trong nhiều năm qua”.
Ozil không xứng đáng trở thành tội đồ như vậy, bởi anh hoàn toàn không phải là cầu thủ chơi tệ nhất trong màu áo tuyển Đức ở World Cup 2018. “Vinh dự” đó phải thuộc về những Sami Khedira, Jerome Boateng, Thomas Mueller, Julian Draxler.
Và lẽ ra bóng đá Đức cần phải tạc tượng tôn vinh Ozil, thay vì sỉ nhục anh như vậy. Bởi Ozil - chứ không phải ai khác - chính là đầu tàu kéo tuyển Đức ra khỏi thời kỳ tăm tối, đến với ánh sáng của vinh quang. Trong vai trò nhạc trưởng, anh là trung tâm, bộ não của đội bóng, là người kiến tạo xuất sắc mà rất lâu rồi bóng đá Đức mới sản sinh ra.
Đã bao lâu rồi tuyển Đức sở hữu một cầu thủ chơi mềm mại, khéo léo, có khả năng tung những đường chuyền xé nát hàng thủ đối phương? Khoảng 17 năm, tính từ thời điểm Ozil lần đầu khoác áo tuyển quốc gia vào năm 2009. Đó là Thomas Hassler, người được bầu chọn là cầu thủ hay nhất EURO 1992, người từng cùng tuyển Đức giành chức vô địch World Cup 1990.
Sau thời điểm EURO 1992 đó, Hassler còn tiếp tục chơi bóng tại World Cup 1994, EURO 1996, World Cup 1998 và EURO 2000, nhưng đã không còn giữ được phong độ và tầm ảnh hưởng như xưa. Năm 1996, Đức giành ngôi vô địch EURO ngay trên đất Anh, nhưng nhà tổ chức chính của Đức là Andreas Moeller, một cầu thủ có lối chơi thiên về sự mạnh mẽ.
Trong suốt một quãng thời gian rất dài, tuyển Đức chơi thứ bóng đá khô cứng do thiếu vắng những tiền vệ có trình độ kỹ thuật cao. Sau khi tiếp quản “Cỗ xe tăng” vào năm 2004, HLV Jurgen Klinsmann chủ trương áp dụng lối đá tấn công phóng khoáng.
Đức giành vị trí thứ 3 ở World Cup 2006 và huy chương bạc EURO 2008 (với HLV Joachim Loew). Nhưng về cơ bản “Die Mannschaft” vẫn chủ yếu triển khai tấn công bằng sức mạnh cơ bắp. Vũ khí của Đức là những cú đánh đầu của Miroslav Klose, những cú sút xa sấm sét của Michael Ballack, những pha bứt tốc bên cánh trái của Lukas Podolski.
Tất cả đã thay đổi khi Ozil xuất hiện. Tại World Cup 2010, người ta được chứng kiến một diện mạo mới của tuyển Đức: biến hóa hơn, mềm mại hơn, khó lường hơn. Ngay từ trận đầu tiên giữa Đức và Australia, Ozil đã thể hiện mọi phẩm chất của một thiên tài. Đó là các pha chạm bóng nhẹ nhàng đầy kỹ thuật và những đường chuyền xé toạc hàng thủ đội bóng xứ chuột túi.
Nỗi đau lớn hơn thất bại của Đức ở World Cup 2018
“Yếu tố tạo ra sự tàn phá là Ozil. Cách cậu ấy mở toang hàng thủ của chúng tôi thật đáng khen ngợi”, báo Guardian dẫn lời tiền vệ Tim Cahill thừa nhận khi đó. Ozil đã chơi xuất sắc cả World Cup 2010, trở thành cầu thủ có nhiều đường chuyền thành bàn nhất và có tên trong danh sách bầu chọn Quả bóng vàng World Cup.
Kể từ đó, một thời kỳ mới đầy huy hoàng của bóng đá Đức bắt đầu. Tại vòng loại EURO 2012, Ozil là cầu thủ đứng đầu danh sách chuyền bóng thành bàn. Đức không thể giành chức vô địch trên đất Ba Lan - Ukraine khi HLV Loew lựa chọn đội hình sai lầm ở trận gặp Italy tại vòng bán kết, nhưng Ozil vẫn chơi tuyệt hay.
Ở World Cup 2014, cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã có những đóng góp rất đáng kể vào chiến tích của tuyển Đức. Không được xếp đá vị trí số 10 sở trường do Marco Reus dính chấn thương nặng, Ozil buộc phải đá lệch cánh trái, nhưng vẫn đóng góp một bàn thắng và một đường chuyền thành bàn.
Trong trận chung kết trước Argentina, khi được trả lại vị trí trung tâm, Ozil ngay lập tức thể hiện mọi phẩm chất tinh túy bằng những đường chuyền cực hay, dù các đồng đội của anh không tận dụng thành công.
Hai năm sau, tại EURO 2016, Ozil một lần nữa tỏa sáng. Với một bàn thắng và một đường chuyền thành bàn, anh đưa tuyển Đức vào bán kết. Và fan tuyển Đức đã bầu chọn anh là cầu thủ hay nhất của “Die Mannschaft” tại giải đấu này.
Theo thống kê của UEFA, Ozil đạt tỷ lệ chuyền bóng thành công 91%, tạo ra tới 48 cơ hội ghi bàn cho đồng đội trong 6 trận. Ngay cả ở trận bán kết khi Đức thua Pháp 0-2, “Cỗ xe tăng” dưới sự dẫn dắt của Ozil đã kiểm soát trận đấu, tạo nhiều cơ hội ghi bàn hơn đối thủ và chỉ thất bại vì những sai sót đáng tiếc của hàng thủ.
Nhìn lại quãng thời gian gần 10 năm qua, có thể thấy Ozil chính là nguồn cảm hứng của tuyển Đức, là nhân tố quan trọng nhất giúp “Die Mannschaft” giành được những thành công phi thường. Do đó, ngày 22/7/2018 đã trở thành ngày buồn và đau đớn với bóng đá Đức hơn tất cả thất bại thảm hại mà tuyển Đức trải qua trên đất Nga.
Đó là ngày cầu thủ tài năng xuất chúng nhất của bóng đá Đức trong suốt 10 năm qua từ giã đội tuyển vì cảm thấy bị phân biệt chủng tộc.