“Trung thu của con”, bức ảnh gây xúc động mạnh khi ghi lại khoảnh khắc đứa trẻ ôm cổ mẹ hôn trong đêm mà nhiều đứa nhỏ được gia đình cho đi vui chơi.
Đứa nhỏ hôn cổ người mẹ trên xe chở đầy ve chai là Thịnh, cậu bé không nhà, mỗi đêm ngủ lề đường. Đằng sau nụ hôn khiến nhiều người bật khóc là giấc mơ được ăn học đàng hoàng như bao em nhỏ khác của Thịnh.
Mới đây, Saostar đã kết hợp với Tập đoàn C.T Group Việt Nam để giúp đỡ cho mẹ con Thịnh. Họ bắt đầu một cuộc sống mới với giấc mơ mới là có cuộc sống no ấm, được ăn học.
Giấc mơ của Thịnh thực sự là một câu chuyện nhân văn để nhiều người suy ngẫm về cuộc sống quanh ta mỗi ngày. Cuộc sống rất cần những tấm lòng bao dung, nhân ái để giúp đỡ những mảnh đời cơ cực, bất hạnh.
Tôi tin rằng mỗi chúng ta luôn muốn hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ai cũng có khát khao sống tốt mỗi ngày. Thế nên, cần lắm những câu chuyện đẹp để làm lan tỏa tình yêu thương đến mọi người và giúp những người khốn khổ thay đổi số phận.
Đằng sau mỗi câu chuyện đẹp còn chứa đựng nhiều ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống. Ai cũng muốn được nghe, đọc và chia sẻ những câu chuyện đẹp, ý nghĩa, thay vì mỗi ngày nghe đến những điều tiêu cực. Đó là giá trị xã hội, với mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thông qua câu chuyện mẹ con cu Thịnh được nhận được sự san sẻ của nhiều người khiến cho tôi nhớ đến câu chuyện đẹp của bóng đá Việt Nam cách đây không lâu. Đó là sự chung tay của CĐV Nam Định vì đội nhà. Nhiều khán giả Nam Định quyên tiền để cho đội bóng với khát vọng muốn thầy trò HLV Nguyễn Văn Sỹ trụ hạng thành công ở V.League.
Tại sao CĐV Nam Định sẵn sàng bỏ tiền nuôi đội nhà, còn nhiều đội bóng khác có mở cửa thì không nhiều khán giả đến xem?
CLB Nam Định là “đội nhà nghèo” nhưng họ đá vì khán giả, đá hết mình vì màu cờ sắc áo, đá với khát vọng phải tồn tại ở V.League. “Những đứa con thành Nam” là niềm tự hào của CĐV Nam Định. Thế nên, khán giả mới bỏ tiền “cưu mang” trong lúc khốn khó.
Bóng đá Việt Nam từ rất lâu rồi thiếu đi sự quan tâm của khán giả, thậm chí là lạnh nhạt. Tôi cho rằng một phần nguyên nhân lớn là những câu chuyện tiêu cực nổi bật làm lấn át đi sự tốt đẹp, thiếu những câu chuyện nhân văn lan rộng ra xã hội.
Bóng đá được nhiều người nghĩ đến tính giải trí nhiều hơn là giá trị cuộc sống. Thế nhưng, khi tính giải trí của bóng đá Việt Nam chưa có thì cần những câu chuyện đẹp được nhắc đến thường xuyên. Vì chỉ có những giá trị đẹp và câu chuyện nhân văn mới trường tồn trong trái tim người hâm mộ.
Hồi đầu tháng 10 năm nay, một câu chuyện đẹp của bóng đá Việt Nam là hậu vệ Hoàng Quảng (CLB Sài Gòn) cõng cụ già tại sân bay. Tiếc rằng, hành động đẹp này không được quan tâm bằng chuyện một ông bầu bỗng dưng hứa thưởng cho CLB Cần Thơ 3 tỷ nếu trụ hạng thành công.
Nhiều năm qua, không ít người than thở vì sao bóng đá Việt Nam không thể hái ra tiền, thiếu những người mới vào làm bóng đá. Câu chuyện này nằm ở vấn đề hình ảnh xấu xí và thiếu những giá trị tốt đẹp được lan rộng ra xã hội.
Có tốt đẹp, có giá trị cuộc sống thì mọi người mới vào chung tay phát triển. Không ai bỏ tiền để vào nghe chuyện tranh cãi lùm xùm, tiếng than trách của khán giả, hay một ông bầu liên quan nhiều đội bóng. Vì bóng đá hay cuộc sống đều cần những câu chuyện đẹp hướng đến những điều tích cực.
Bóng đá Việt Nam sau 18 năm lên chuyên nghiệp vẫn nghĩ mãi cách làm sao có thể sống tốt, thì cần nhìn lại có đẹp, có tốt chưa. Nếu chưa thì điều quan trọng là phải tự làm đẹp bằng những câu chuyện có giá trị cộng đồng, giảm bớt điều tiếng và định kiến.
Đúng hơn, bóng đá Việt Nam cần có những câu chuyện đẹp, có khát vọng đổi đời vì sự phát triển chung, kiểu như chuyện nụ hôn cu Thịnh trên xe đầy ve chai với giấc mơ con chữ để đổi đời.