Lần đầu tiên kể từ năm 1958 Italia mới vắng bóng ở sân chơi World Cup sau khi để cho Thụy Điển cầm chân 0-0 ở San Siro. Người Ý vắng mặt ở World Cup giống như cơn địa chấn thế kỷ của bóng đá thế giới, còn hàng triệu tifosi khóc than cho đội nhà.
Thất bại của Italia trước Thụy Điển sau 2 lượt đấu với tổng tỷ số 0-1 được xem là sự nghiệt ngã tận cùng dành cho người Ý. Khi những bậc thầy phòng ngự phải quỳ gối vì bất lực ghi bàn vào mành lưới của đối thủ. Họ “chết” ở San Siro vì “thứ bóng đá đặc sản” của chính mình: Phòng ngự.
Với triết lý phòng ngự ấy, người Ý thường thắng theo phong cách giữ sạch mành lưới và cần tối thiểu 1 bàn để kết liễu đối thủ. Hơn hết, bóng đá phòng ngự có thể gọi là xấu xí nhưng với người Ý là câu chuyện khác, đó được gọi là nghệ thuật.
Ấy vậy, người Ý đã “chết” trước Thụy Điển vì bất lực trong suốt 180 phút. Trận lượt về, Italia giành 73% kiểm soát bóng nhưng họ bất lực trước việc đối thủ đổ bê tông. Minh chứng cho điều ấy là Italia chỉ biết đưa bóng ra 2 cánh để tạt vào trong, chỉ riêng hiệp 1 thì họ có đến 20 quả tạt.
Người Ý nổi tiếng về phòng ngự đã rõ ràng “chết” vì không thể ghi bàn. Đơn giản, họ chưa bao giờ giỏi trong việc áp đặt lối chơi và “bóp chết” đối thủ. Nhất là trong bối cảnh Thụy Điển chọn cách phá bóng và trọng tài chính xác thì số phận trận đấu đã được định đoạt ngay trong hiệp 1 với 2 lần đội khách bị từ chối phạt đền.
Đêm San Siro sụp đổ trong nước mắt của những Buffon, Chiellini, Barzagli, Bonucci, De Rossi…, hàng triệu tifosi nhìn thấy rõ hơn ai hết sự bất lực “toàn tập” của đoàn quân Thiên thanh trước hệ thống phòng ngự dày đặc của Thụy Điển. Hẳn họ sẽ nhớ lại ký ức kiêu hùng trong quá khứ, như cách các đội bóng khác bất lực trước người Ý.
Và sau 60 năm, người Ý phải vắng bóng ở World Cup, bởi “chết” vì thứ đặc sản phòng ngự mà đối thủ xây dựng chỉ xứng là “cái bóng” so với họ. Điều ấy cho thấy rằng, nền bóng đá từng 4 lần lên đỉnh thế giới cần một cuộc cách mạng lớn, thay vì sống dưới ánh hào quá khứ sau lần vô địch World Cup 2006.
Phải như thế để phục hưng một nền bóng đá kiêu hùng và người Ý cần bắt tay từ ngay bây giờ, giống như cách người Đức thay đổi sau nỗi đau ở Euro 2004.