Trong những ngày qua, chuyện được quan tâm của thể thao Việt Nam có từ khóa hot liên quan đến tiền chuyển nhượng ở bóng đá. Hãy cùng Saostar điểm qua một số vụ đình đám trong một tháng qua:
- Tiền vệ Nguyễn Quang Hải ký hợp đồng 3 năm với CLB CAHN. Tổng kinh phí nếu tính lót tay, lương, thưởng thì Quang Hải sẽ nhận trên 30 tỷ đồng.
- Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức không ở lại Viettel và đội bóng mới sẽ trả cho Hoàng Đức số tiền không kém Quang Hải, tức trên 30 tỷ đồng.
- Thủ môn Đặng Văn Lâm đã đồng ý ký hợp đồng với một đội hạng Nhất với mức lót tay được tiết lộ 6,8 tỷ đồng/năm. Trường hợp cộng thêm tiền lương và các chế độ khác như tiền thưởng thì con số chắc chắn cao hơn 30 tỷ đồng.
Bóng đá Việt Nam bây giờ rõ ràng đang vào thời điểm "bùng nổ" về tiền lót tay cho các cầu thủ dù thành tích đội tuyển quốc gia sa sút lớn, các đội trẻ liên tục thất bại ở sân chơi khu vực. Tiêu cực của bóng đá Việt Nam xuất hiện nhiều trong thời gian qua. Ba năm qua đã có 7 CLB chuyên nghiệp không thể dự giải hạng Nhất và V.League.
Nhìn sang các môn thể thao khác, có thể nói bóng đá Việt Nam có sự khác biệt rất lớn về tiền bạc. Điển hình số tiền lớn nhất từng nói về thể thao Việt Nam đầu tư cho VĐV trong 20 năm qua, đó là mức kinh phí hơn 30 tỷ đồng cho kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Đây là tổng kinh phí kéo dài 7 năm để Ánh Viên sang Mỹ tập huấn từ năm 2012 đến 2019.
Sau Olympic 2020, nhiều ý kiến đã mổ xẻ chuyện Ánh Viên được đầu tư hơn 30 tỷ đồng mà không có huy chương ở Olympic. Nhưng Ánh Viên có 25 HCV SEA Games, 2 HCĐ Asiad, 1 HCV Olympic trẻ và nhiều thành tích ấn tượng khác. Sự tiếc nuối duy nhất là Ánh Viên không được điều chỉnh đúng lúc để có thành tích ở Olympic, bởi Ánh Viên là tài năng hiếm có của bơi Việt Nam.
Sự nghiệp thành công của Ánh Viên là cảm hứng lớn để nói về cuộc đời một VĐV, là tấm gương cho nhiều em nhỏ có mơ ước trở thành vận động viên. Ánh Viên đã hội tụ đầy đủ các yếu tốt đẹp như dành cả thanh xuân cống hiến cho thể thao, tinh thần vượt khó, vượt qua chính mình, ý chí mạnh mẽ, sự khiêm nhường, bình dị, gần gũi... Ánh Viên còn tạo ra hiệu ứng lớn để nhiều người yêu mến môn bơi. Điển hình ở Cần Thơ từng nở rộ phong trào bơi lội nhờ "hiệu ứng Ánh Viên". Thể thao Việt Nam sẽ còn rất lâu để có thêm một Ánh Viên mới trong tương lai.
Hơn 30 tỷ cho Ánh Viên càng ý nghĩa khi kình ngư người Cần Thơ giải nghệ vẫn theo đuổi ước mơ lớn với bơi lội. “Viên dừng lại hành trình thi đấu không có nghĩa là kết thúc ước mơ môn bơi lội. Viên vẫn đang tiếp tục ước mơ bằng cách khác. Đó là dạy các em nhỏ tập bơi cũng như truyền cảm hứng đến mọi người để ai ai cũng biết bơi. Đối với Viên, đó là một cách để bước tiếp ước mơ mà không phải làm một vận động viên mới làm được”, Ánh Viên nói về hành trình mới sau khi giải nghệ.
Thời gian qua, Ánh Viên có ước mơ phổ cập môn bơi cho các em nhỏ, nhằm đẩy mạnh việc phòng chống đuối nước cho trẻ em. Ánh Viên sẽ đi nhiều nơi trên cả nước để lan toả thông điệp tích cực và giúp mọi người ý thức hơn trong việc dạy trẻ em học bơi. Ước mơ khác của Ánh Viên là giúp bơi Việt Nam tìm ra được nhiều tài năng trẻ, nếu yêu thích môn bơi thì có thể theo đuổi sự nghiệp thể thao. Đó là câu chuyện có ý nghĩa với thể thao Việt Nam.
Nhìn tổng quan về sự nghiệp thể thao và tinh thần thể thao thì hơn 30 tỷ đầu tư cho Ánh Viên thực sự quá rẻ. Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng chuyện đầu tư cho Ánh Viên đã tạo ra ý nghĩa rất lớn nếu nhìn sang bức tranh chung về chuyện tiêu tiền của bóng đá Việt Nam. Điển hình giá cầu thủ đang tăng đột biến nhưng thành tích ĐTQG và hiệu ứng chưa tương xứng. Một số đội bóng tiêu hàng trăm tỷ đồng, rồi vài năm bị "khai tử"...