“Thương hiệu Beckham” từ lâu không còn gắn liền với hình ảnh của một cầu thủ quần đùi áo số nữa. Dưới bàn tay góp sức của cô vợ Victoria, Beckham dần trở thành một người đàn ông lịch lãm, một quý ông đích thực chinh phục mọi thiếu nữ. Suốt một thời gian dài, Becks-Vic là cặp đôi được mến mộ nhất hành tinh.
Ở cái thời Google hay Wikipedia, Facebook còn chưa phát triển ấy, cái tên Beckham được nhắc đến nhiều hơn, quen thuộc hơn cả tên Nữ hoàng hay Thủ tướng Anh. Đó là thành công của Becks, nhưng nói cách khác, đó cũng là một thất bại ở phương diện cầu thủ. Anh từng có thời điểm gần bắt kịp những người xuất sắc nhất cùng thế hệ như Figo hay Zidane, nhưng cuối cùng lại chọn ngã rẽ ngang khiến bao người tiếc nuối.
Trong tự truyện của mình, Sir Alex Ferguson từng thẳng thắn chia sẻ chính cô vợ Victoria cùng việc lấn sân sang showbiz đã giết chết sự nghiệp bóng đá của Becks. Ferguson có lý do để nói vậy. Khi mới đá chính ở M.U, Becks dĩ nhiên vẫn rất điển trai và tài năng, nhưng anh giản dị và không cần diễn trò lố để gây chú ý. Đó mới là hình ảnh Beckham được yêu mến nhất, hình ảnh một số 7 tung hoành trên sân cỏ.
Trong 21 năm sự nghiệp làm cầu thủ, Beckham không thiếu danh hiệu ở những đội bóng anh từng đặt chân tới. Tuy nhiên chỉ có ở M.U, anh mới được nhận về tình yêu vô điều kiện, tình yêu dành cho một cầu thủ đích thực. Sau danh hiệu Premier League, hai FA Cup cùng một cúp Champions League đủ để Beckham sánh vai cùng những huyền thoại vĩ đại nhất trong lịch sử đội bóng.
Từ một cậu bé chơi bóng bên ngoài công viên ở London, cho đến ngày giành được cú ăn ba huyền thoại năm 1999, Beckham luôn khiến ta mê mẩn bởi thứ bóng đá đẹp anh tạo ra. Beckham luôn cố gắng chơi thứ bóng đá duy mỹ, đẹp ở từng đường chuyền, từng bước chạy trên sân cỏ. Luôn xuất hiện bên cánh phải, mỗi quả tạt, mỗi cú sút phạt của Beckham đều khiến ta thót tim chờ đợi bàn thắng.
Tình yêu với trái bóng của David Beckham được truyền lại từ ông bố Ted. Là con trai duy nhất trong một gia đình có ba anh chị em, cậu bé David từ nhỏ được bố trao cho trọn vẹn tình yêu của ông với bóng đá. Tên đầy đủ của Beckham là David Robert Joseph Beckham, với “Robert” chính là tên của huyền thoại Bobby Charlton.
Có lẽ khi đặt tên cho con mình, ông Ted cũng không nghĩ cái tên đó lại trở thành định mệnh cho con trai ông tiếp nối sự nghiệp huy hoàng của M.U. Ngay từ khi còn đi học, Beckham đã thể hiện tình yêu và tham vọng trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Vì lẽ đó, cậu thường xuyên trở thành đề tài châm chọc ở trường.
Đám trẻ hỏi “Cậu muốn làm gì khi lớn lên”, Beckham sẽ trả lời “Mình muốn làm cầu thủ bóng đá”, để rồi nhận lại thắc mắc: “Không là về nghề nghiệp cơ, cậu thực sự muốn làm gì?”. Cầu thủ bóng đá khi đó chưa bao giờ được coi là một nghề, nhưng đó là thứ duy nhất Beckham muốn làm.
Ở các đội bóng thiếu niên tại địa phương, tài năng bóng đá của Beckham sớm nổi trội so với những người bạn đồng trang lứa. Chứng kiến Beckham thi đấu, đích thân Sir Alex Ferguson đã đến thuyết phục Beckham đầu quân cho M.U. Còn gì vinh dự hơn khi đầu quân cho đội bóng mình ước mơ được khoác áo từ thuở bé, và đó cũng là lúc hành trình của Beckham ở M.U bắt đầu.
Beckham là một trong số những cầu thủ thuộc thế hệ vàng giành chức vô địch giải trẻ FA Cup năm 1992 cùng Ryan Giggs, Nicky Butt, Paul Scholes và anh em nhà Neville. Nhờ màn trình diễn ấn tượng ở đội trẻ, Beckham sớm được gọi lên đội một thi đấu. Trận đấu đầu tiên Beckham ra sân là ở League Cup gặp Brighton.
Sau đó, ở tuổi 19, anh được đem cho Preston North End mượn để tích lũy kinh nghiệm. Ban đầu, Beckham vô cùng hoang mang. Anh lo sợ mình sẽ sớm phải bán xới khỏi M.U khi chưa có cơ hội thể hiện khả năng. Nhưng Sir Alex có lý do để làm như thế. M.U khi đó đang sở hữu một cầu thủ chạy cánh phải vô cùng tài năng là Andrei Kanchelskis, và sẽ thật lãng phí cho Beckham nếu anh cứ phải ngồi dự bị mà không được thi đấu.
Những ngày xuống hạng ba chơi bóng, Beckham được ra sân nhiều hơn, và từ đó anh dần định hình được phong cách chơi bóng của mình. Dù phải chịu áp lực, Beckham vẫn mạnh mẽ thể hiện bản thân. Ở Preston North End, Beckham dần luyện được tuyệt kỹ đá phạt góc của mình. Anh thậm chí còn ghi được một bàn thắng từ một quả phạt góc trực tiếp.
Trở lại M.U sau thời gian cho mượn, Beckham bắt đầu được tin tưởng trao suất đá chính ở vài trận đấu cuối mùa giải 1994/95. Đó cũng là lúc Becks cảm nhận rõ ràng nhất nỗi thất vọng của kẻ bại trận. M.U hụt hơi trước Blackburn ở cuộc đua giành Premier League năm đó, rồi thua Everton ở chung kết FA Cup.
Sau cú đúp về nhì, Ferguson nhanh chóng tiến hành cải cách. Hàng loạt công thần phải ra đi, nhường chỗ cho thế hệ 1992. Vạn sự khởi đầu nan, trận mở màn mùa giải 1995/96, M.U thua Aston Villa 1-3. Beckham là người ghi bàn hôm đó, nhưng anh và các đồng đội không tránh khỏi việc bị chỉ trích.
Chứng kiến những cầu thủ M.U hôm đó, Alan Hansen, cựu cầu thủ Liverpool đã buông lời chê bai: “Bạn không thể vô địch bằng những đứa trẻ”. Nhưng chính những đứa trẻ ấy đã khiến Hansen phải câm lặng sau đó. Với đầu tàu Eric Cantona, những cầu thủ trẻ M.U càng thi đấu càng hay. Những người vốn nghi ngờ Ferguson nay càng tin tưởng ông nhiều hơn khi chứng kiến M.U thi đấu. Kết thúc mùa giải, M.U giành lại cú đúp danh hiệu đã mất. Mùa giải sau đó, Beckham, với chiếc áo số 10 trên lưng, khiến cả Premier League phải ngỡ ngàng trước tuyệt phẩm ghi bàn từ giữa sân.
M.U khi đó đang dẫn Wimbledon 2-0, và Beckham nhìn thấy thủ môn đội bạn đang lên hơi cao. Từ phần sân nhà, Beckham phất bóng thẳng về phía khung thành đối phương. Thủ môn Wimbledon không kịp trở tay nhìn bóng bay vào lưới. Cuối mùa giải, Beckham nhận danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất.
Thi đấu ấn tượng trong màu áo M.U, Beckham nhanh chóng được gọi lên tuyển Anh. Tuy vậy, World Cup 1998, giải đấu lớn đầu tiên Beckham tham dự lại kết thúc trong ác mộng. Pha trả đũa non nớt với Simeone khiến anh nhận thẻ đỏ trực tiếp. Trận đấu đó Anh thua Argentina trên chấm phạt đền, và Beckham nhanh chóng chịu mọi tội lỗi. Anh thậm chí còn bị đe dọa tại nhà riêng.
Nhưng giữa thời khắc ấy, ý chí muốn khẳng định bản thân của Beckham lại bừng sáng lên hơn bao giờ hết. Mùa giải 1998/99, Beckham cùng M.U chơi thứ bóng đá ấn tượng hiếm ai trông thấy. Trận đấu cuối cùng ở Premier League năm đó, Beckham ghi bàn gỡ hòa Tottenham, tạo tiền đề lội ngược dòng lên ngôi vô địch cho M.U.
Ít ngày sau, M.U tiếp tục vô địch FA Cup. Giờ chỉ còn mục tiêu cuối cùng: Champions League. Phải thi đấu trước “Hùm xám” Bayern, M.U gần như chịu trận suốt phần lớn thời gian thi đấu chính thức. Họ chỉ có thể vùng lên ép sân trong khoảng 10 phút cuối cùng, trong cảnh bị dẫn trước 1 bàn. Hai bàn thắng trong phút bù giờ của Solskjaer và Sheringham đến nay vẫn còn khiến ta run rẩy mỗi khi xem lại, nhưng ít ai nhớ người đá 2 quả phạt góc thành bàn hôm đó chính là Beckham.
Cũng trong mùa hè năm 1999, Beckham lên xe hoa cùng Victoria Adams, cựu thành viên nhóm nhạc Spice Girls sau 2 năm hẹn hò. Gia đình Adams, và bản thân Vic vốn chẳng biết điều gì về bóng đá. Bố vợ Beckham trong lần đầu tiên gặp con rể tương lai thậm chí còn hỏi: “Cháu là cầu thủ bóng đá phải không? Cháu chơi cho CLB nào?”.
Bước chân vào showbiz, Beckham không còn giữ được phong độ đỉnh cao bên trái bóng nữa. Từ ngôi sao nổi bật nhất trên sân cỏ bằng tài năng của mình, Beckham vẫn biết cách khiến người ta phải chú ý tới anh - nhưng là ở những khía cạnh khác. Thay vì để lại dấu ấn bằng những bàn thắng, những pha tạt bóng hay đá phạt, Beckham để lại “dấu ấn” trên chính cơ thể anh, qua những hình xăm, những kiểu tóc thay đổi xoành xoạch.
Khi số kiểu tóc của Beckham nhiều hơn số bàn thắng anh ghi được cũng là lúc anh mất vị trí chính thức. Ferguson muốn có một chiến binh trên sân, chứ không phải một gã trai èo uột làm mình làm mẩy. Ông cho Solskjaer, một tiền đạo “siêu dự bị” đá cánh phải thay Beckham. Khi Beckham mắc lỗi, ông không ngần ngại mắng xối xả và vô tình gây ra vụ “Chiếc giày bay” hy hữu. Chiếc giày bị Ferguson đá trúng mặt Beckham khiến anh phải khâu 7 mũi ở mí mắt.
Khuôn mặt điển trai hái ra tiền của Becks phải tạm lánh showbiz một thời gian cũng vì lẽ đó. Mùa Hè năm 2003, Beckham rời M.U, đến Real Madrid với giá 35 triệu euro. Ferguson khi đó nói thẳng ông đã bán Beckham với giá rẻ như cho, và Real Madrid quá hời với thương vụ này.
Nhìn lại về ngày đó, Beckham chỉ biết chia sẻ đầy tiếc nuối: “Tôi chưa từng nghi ngờ việc mình có thể chơi trọn sự nghiệp ở M.U. Tôi luôn mong muốn được như vậy. Tôi chưa từng nghĩ tới việc đến Real Madrid cho tới ngày nhận cuộc gọi từ ban lãnh đạo đội bóng, họ báo muốn bán tôi. Tôi chưa từng muốn rời M.U. Phải rời nơi đây khiến tôi thực sự tổn thương. Tôi hâm mộ M.U, và từng khóc khi trở về nhà. M.U là nơi tôi muốn gắn bó trọn đời”.