Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

HLV Troussier và World Cup 2026: 'Người khổng lồ trên đôi chân đất sét'

Bóng đá Việt Nam có gì để mơ World Cup 2026 nếu HLV Philippe Troussier được bổ nhiệm?

Trình độ của giải vô địch quốc gia là thước đo cho đẳng cấp tuyển Việt Nam. Bởi phần lớn trụ cột thi đấu ở V.League, trong khi Quang Hải đang bị "nhốt" ở giải hạng 5 của Pháp. Văn Toàn và Công Phượng xuất ngoại nhưng cũng khó mong đợi sự thay đổi lớn. Nhưng sân chơi chuyên nghiệp đang tồn đọng nhiều vấn đề nan giải... 

Xây nhà từ nóc

Hãy lấy ví dụ thực tế là sân chơi V.League 2 bị dời đến đầu tháng 4 để khởi tranh do chưa chốt xong số đội tham dự. Số phận của CLB Cần Thơ và Sài Gòn FC có thể nói bi hài. Độc giả có thể đọc tại đây. V.League 1 có 14 đội, V.League 2 có 12 đội hoặc ít hơn. Đây là mô hình xây nhà từ nóc - một khái niệm từng được cố HLV Alfred Riedl nhận xét về bóng đá Việt Nam. Bởi số đội tham dự giải hạng Nhất cần nhiều hơn so với V.League, tức phần chân đế phải lớn hơn phần đỉnh. Nhưng VFF, VPF vẫn muốn V.League có đông số đội hơn hạng Nhất. Năm ngoái, hai đội lên V.League và chỉ 1 một đội rớt hạng. Trường hợp Cần Thơ và Sài Gòn FC bỏ, chỉ có thể bán 1 suất thì giải hạng Nhất 2023 có 11 đội, cũng không loại trừ chỉ còn 10 đội. 

HLV Troussier và World Cup 2026: 'Người khổng lồ trên đôi chân đất sét' Ảnh 1
CLB Sài Gòn được dự đoán bán suất cho Lâm Đồng. Ảnh: Trọng Hiếu

Mua bán suất - chuyển giao - bỏ ngang. Một vấn đề nan giải của bóng đá Việt Nam. Số phận của Sài Gòn FC là minh chứng. Sài Gòn FC có tiền thân là CLB Hà Nội - đứa em của CLB Hà Nội (CLB Hà Nội T&T của bầu Hiển). CLB Hà Nội từng có vé lên V.League 2012 nhưng không thăng hạng, lý do như nêu trên (đứa em của CLB Hà Nội T&T). Đồng Nai được đôn lên V.League 2013, sau đó trải qua bi bịch "chết chìm". Đồng Nai rớt hạng thì CLB Hà Nội tiếp tục lên hạng, sau đó di cư vào Nam đổi thành CLB Sài Gòn. Sau vài mùa thì CLB Sài Gòn chuyển giao cho chủ mới. Sài Gòn FC rớt hạng vào năm ngoái nên đăng ký để chờ bán suất. 

10 năm qua, thống kê đáng buồn là nhiều đội thăng hạng lên V.League rồi "mất tích", hoặc chông chênh số phận. Quảng Ninh FC (bỏ V.League 2021), Sài Gòn FC (chỉ còn cái tên), CLB Cần Thơ (chuyển giao hoặc về hạng Ba), Đồng Nai (hạng Nhì), Quảng Nam FC (hạng Nhất), Đồng Tháp (hạng Nhì)...

Với giải hạng Nhất tồn đọng nhiều vấn đề, V.League không thể bền vững và phát triển. Bởi nhiều đội không đủ khả năng về tài chính và tính bền vững vẫn lên đá V.League, sau đó về lại hạng Nhất và bỏ sân chơi chuyên nghiệp. 

HLV Troussier có giỏi cũng chào thua?

HLV Philippe Troussier sẽ trở thành tân HLV trưởng tuyển Việt Nam. Liệu ông thầy người Pháp có thực hiện được tham vọng World Cup cho bóng đá Việt Nam?

"Tuyển Việt Nam là tập thể mạnh nhưng để so chất lượng của nền bóng đá với Thái Lan thì giải vô địch quốc gia của họ còn phải cải thiện nhiều hơn nữa. Thai League là giải đấu tốt nhất của Đông Nam Á. Các CLB đều phát triển đồng nhất, có khiến cấu trúc giải đấu ổn định. Chúng ta thấy những sân vận động đẹp, các ngoại binh giỏi, những HLV giỏi ở đây. Giải đấu như thế đã tạo ra những cầu thủ xuất sắc, điển hình là Chanathip...", HLV Polking nhận xét V.League chưa bằng Thai League.

Thai League nhìn khác biệt V.League như thế nào?

Về cấu trúc, Thai League 1 có 16 đội và Thai League 2 có 18 đội. V.League 1 có 14 đội và V.League 2 có 12 đội (dự kiến chỉ còn 11 đội). Một bên học theo Premier League để phát triển theo đúng xu thế bóng đá chuyên nghiệp và một bên càng ngày càng bị ảnh hưởng lớn từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam. 

Về tài chính, Thai League có bản quyền truyền hình là 12 tỷ baht (gần 9.000 tỷ đồng), tức mỗi năm trung bình là 1,5 tỷ baht (hơn 1.115 tỷ đồng). V.League được cho có 60 tỷ/mùa. Nhà tài trợ của Thai League tăng tiền để được tài trợ. V.League liên tục đổi tên giải theo nhà tài trợ, có những doanh nghiệp chỉ gắn bó 1 năm. Các CLB của V.League chông chênh số phận trong việc tìm kiếm nhà tài trợ. Thai League có những CLB kiếm được hàng trăm tỷ sau mỗi mùa giải và nhận hàng chục tỷ từ việc giải đấu có nhiều tiền để chia. 

HLV Troussier và World Cup 2026: 'Người khổng lồ trên đôi chân đất sét' Ảnh 2
HLV Philippe Troussier có tài giỏi cũng khó hoàn thành tham vọng World Cup. 

Về cơ sở vật chất, nhiều sân bóng ở V.League thua xa Thai League, chưa kể các sân bãi hạng Nhất thì càng tệ. Sau ba vòng đầu tiên, sân Hàng Đẫy, sân Thanh Hóa, sân Vinh... nhìn rất xấu. Những mặt sân xấu khiến cho giải đấu giảm chất lượng, các cầu thủ dễ bị chấn thương và khó thu hút khán giả.

Về con người, Polking nhận xét đúng về các ngoại binh giỏi và những HLV giỏi. Bóng đá Việt Nam thiếu những HLV giỏi, ngoại binh không chất lượng giống như quá khứ. Riêng các tiền đạo nội không có nhiều cơ hội phát triển tài năng, bởi xu thế chung thích dùng ngoại binh trên hàng công. Rào cản về mặt bằng cầu thủ khiến cho Việt Nam thua Thái Lan ở chung kết AFF Cup 2022, dù đối thủ vắng nhiều ngôi sao giỏi. 

Dù lên chuyên nghiệp hơn 22 năm nhưng V.League 1 và V.League 2 tồn tại nhiều vấn đề khó thay đổi trong thời gian ngắn, đặc biệt mối quan hệ giữa VPF và các CLB dễ xung đột. Ví dụ giải đấu thường xuyên bị "băm nát" với nhiều quãng nghỉ dài xen kẽ để phục vụ cho các đội cấp U. Đó là nghịch lý lớn nhưng các CLB vẫn chấp nhận chơi trong tình trạng mấy trăm cầu thủ chuyên nghiệp tập chay cả tháng để các em đá vài trận.

Với mặt bằng chung của V.League so với Thai League và các giải đấu khác của châu Á, không phải riêng HLV Philippe Troussier mà bất kỳ HLV giỏi nào cũng khó thành công nếu nghĩ về tham vọng World Cup 2026, chẳng khác gì "người khổng lồ trên đôi chân đất sét". Nên nhớ, có bột mới gột nên hồ. Tức muốn đội tuyển Việt Nam muốn đi World Cup, trước tiên cần có giải đấu chuyên nghiệp mạnh tầm châu Á để cải thiện mặt bằng chuyên môn cho các cầu thủ Việt Nam, nhiều HLV giỏi, nhiều ngôi sao xuất ngoại thành công, điều kiện cơ sở vật chất phát triển (sân bãi, học viện), các CLB đầu tư cho bóng đá trẻ... 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất