Thứ nhất, HLV Troussier không quan trọng vấn đề thời gian đội tuyển Việt Nam tập ngắn hay dài mà mong muốn các học trò được về CLB và thi đấu nhiều. Thứ hai, HLV Troussier muốn giải chuyên nghiệp của Việt Nam được diễn ra liên tục và các học trò được thi đấu 45-50 trận V.League một mùa, giải quốc nội có thể kéo dài tới 10 tháng. Thứ ba, HLV Troussier muốn đội tuyển quốc gia được đá giao hữu với nhóm đội tuyển có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng FIFA để các cầu thủ nhanh chóng tiến bộ.
“Các cầu thủ nói với tôi rằng họ chỉ được đá 4 trận V.League, rồi lại nghỉ một quãng dài do giải đấu hoãn. Tôi muốn các cầu thủ được thi đấu ổn định chứ không phải 4 tháng chỉ đá 4 trận ở giải đấu trong nước. Với quãng thời gian ấy, các cầu thủ châu Âu có thể được đá đến 40 trận đấu”, HLV Troussier nói vào chiều 11/3 với mong muốn các cầu thủ được trở lại CLB và thi đấu nhiều.
Từ phát biểu của HLV Troussier có thể thấy chuyện hoãn V.League để phục vụ cho U20, U23, đây không phải kế hoạch của nhà cầm quân người Pháp. Bởi chính HLV Troussier gặp trở ngại với tiết lộ suốt 1 tuần chỉ yêu cầu cơ bản cho U23 Việt Nam như chuyền, nhận bóng. Lý do các giải đấu không diễn ra đều đặn, các cầu thủ bị mất đi bản năng cơ bản.
Hôm 22/2, ông Trần Anh Tú (Chủ tịch VPF kiêm phó Chủ tịch chuyên môn VFF) trả lời truyền thông: “Kế hoạch hằng năm của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được VPF gửi cho các CLB đóng góp ý kiến, sau đó VPF trình VFF thông qua. Ban chấp hành VFF có 8 đại diện đến từ các CLB ở V.League, nhưng các thành viên ban chấp hành đều đồng thuận với kế hoạch thi đấu này”.
Câu trả lời kể trên chỉ giải đáp được một nửa vấn đề là Ban chấp hành VFF với 8 đội chuyên nghiệp thông qua việc hoãn V.League 2023. Bởi bản chất là ai đưa ra kế hoạch hoãn V.League để Ban chấp hành VFF đồng thuận?
Câu hỏi kể trên đến từ việc V.League 2023 không phải bị hoãn ở mùa giải năm nay, mà năm ngoái hoãn đến 4 tháng sau khi đá 4 vòng. Nghịch lý kèm theo là trong vòng 13 tháng thì hệ thống chuyên nghiệp chỉ đá vỏn vẹn 4 trận, bởi 9 tháng bị dừng do dịch bệnh. Nên nhớ, Ban chấp hành VFF khoá 9 được bầu chọn vào tháng 11/2022, còn chuyện hoãn V.League 2022 diễn ra sau 4 vòng. Có nghĩa không chỉ đơn thuần liên quan đến Ban chấp hành đồng thuận mà có thể hiểu như một tư duy quen thuộc của VFF và VPF.
Quãng nghĩ 48 ngày trong năm nay là một vấn đề lớn. Vì đội tuyển Việt Nam không đá giao hữu vào dịp FIFA Days. U23 Việt Nam tập gần 1 tháng để đá giải giao hữu vào cuối tháng 3 này. Tức lúc cần nghỉ theo FIFA thì diễn ra không hợp lý, còn thời điểm các giải đấu trên thế giới diễn ra bình thường thì V.League 2023 tạm nghỉ trong thời gian dài.
“Theo tôi, một giải vô địch quốc gia mạnh là nền tảng cốt lõi để có đội tuyển quốc gia mạnh. Tôi hy vọng thời gian tới, hệ thống thi đấu bóng đá Việt Nam có thể diễn ra thường xuyên và mạnh mẽ hơn. Ở thời điểm hiện tại, do các cầu thủ không được thi đấu nhiều nên tôi phải điều chỉnh nhiều”, HLV Troussier nói.
Khái niệm giải vô địch quốc mạnh thì đội tuyển quốc gia mạnh, có lẽ ai cũng hiểu khi sân chơi chuyên nghiệp là “xương sống” nền bóng đá. Chuyện hoãn giải liên tục là cách làm thiếu chuyên nghiệp.
“Có lẽ công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nên thay đổi thái độ bóng đá (không) chuyên nghiệp của họ, và không cho phép V.League dừng lại nữa", chuyên gia châu Âu Jernej Kamensek khuyên VPF và VFF hãy bỏ việc dừng V.League.
Có thể thấy Jernej Kamensek có ý nhận xét VPF và VFF về năng lực chuyên môn, khi dừng từ không trong lời khuyên “nên thay đổi thái độ bóng đá (không) chuyên nghiệp của họ”.
Từ mong muốn của HLV Troussier đến lời khuyên của Jernej Kamensek, câu hỏi đặt ra: VPF và VFF liệu có tính lại chuyện thường xuyên hoãn sân chơi chuyên nghiệp?