Sau trận thua Indonesia, HLV Troussier cho rằng các học trò thiếu kinh nghiệm và thực chiến, hay chuyện SEA Games 32 không sử dụng cầu thủ lớn tuổi. Đây có lẽ chỉ là lý do để nói về thất bại.
Chuyện các đội không dùng cầu thủ trên 22 tuổi là quy định chung. Indonesia, Thái Lan và tất cả các đội đều không ai dùng cầu thủ trên 22 tuổi. Đó chắc chắn không phải là nguyên nhân để nói về thất bại của U22 Việt Nam.
Về kinh nghiệm và thực chiến, U22 Việt Nam khó nói non kém so với các đội. Phần lớn cầu thủ của U22 Việt Nam đã vô địch U23 Đông Nam Á 2022, tranh tài ở U23 châu Á 2022 (vào tứ kết), có một số gương mặt vô địch SEA Games 31 và góp mặt ở đội tuyển Việt Nam (Văn Khang, Duy Cương). Ngoài ra, nhiều cầu thủ thi đấu tại các sân chơi như U20 châu Á 2023, giải giao hữu Dubai Cup, V.League…
Ở vòng bảng, U22 Malaysia phải nhận hai thẻ đỏ và tự “kết liễu” trong bối cảnh dồn ép U22 Việt Nam, có thời điểm cơ hội gỡ hoà đã rất gần. U22 Việt Nam đã bản lĩnh thắng Malaysia, hoà Thái Lan trong một thế trận lấn lướt.
Ở bán kết, U22 Indonesia mới là đội thiếu kinh nghiệm. Họ ném đi lợi thế với tấm thẻ đỏ ngay sau khi có bàn dẫn 2-1. Indonesia thêm một lần “tặng quà” cho U22 Việt Nam với pha đá phản lưới nhà.
Những điều đó đã phản ánh đối thủ không có được kinh nghiệm và cái đầu lạnh bằng cầu thủ Việt Nam trong các trận đấu quyết định. Vấn đề của U22 Việt Nam kể từ các trận đấu giao hữu đến SEA Games 32, có hai điểm nổi bật không liên quan đến kinh nghiệm: Công không sắc bén và hệ thống phòng ngự thiếu chắc chắn.
Trận thua Indonesia là minh chứng. U22 Việt Nam nhập cuộc không tốt và thiếu sự chủ động so với đối thủ. Cả hai bàn thua đều diễn ra trong quãng thời gian 10 phút đầu tiên của hai hiệp đấu.
Ở bàn thua thứ ba của Việt Nam, HLV U22 Indonesia nói: “U22 Việt Nam dồn hết lên 1/3 cuối sân để tấn công thì chúng tôi tận dụng phản công. Tôi quyết định thay hai cầu thủ vào sân để chờ cơ hội và có thành quả”. Đây là dấu ấn về chiến thuật của Indonesia để thắng U22 Việt Nam trong thế thua người.
Cần nhắc, HLV Troussier từng nói: “Với đối thủ cùng đẳng cấp, trong Đông Nam Á chẳng hạn, đương nhiên chúng ta được đánh giá mạnh hơn, có thể kiểm soát bóng vượt trội hoàn toàn so với đối thủ”.
Thực tế, U22 Việt Nam không làm được như thế. Việt Nam để cho Lào ép cả hiệp 2, Malayasia cũng dồn ép và quyền kiểm soát bóng chỉ đến khi đối thủ bị đuổi liền 2 cầu thủ. Hình ảnh U22 Việt Nam ở SEA Games 32 cũng khác với cách chơi tại giải giao hữu trên đất Qatar. Không quá lời để nói rằng, U22 Việt Nam chọn cách đá thực dụng và thường phát triển bóng dài từ giữa sân, thay vì có những pha ban bật theo triết lý kiểm soát bóng và chủ động tấn công.
Công không sắc bén khi phần lớn bàn thắng đến từ khả năng đánh đầu của Văn Tùng và đối thủ đá phản lưới, hoặc có phần may mắn. Phòng ngự chưa đủ chắc chắn và khả năng chống bóng bổng không tốt. U22 Việt Nam rõ ràng chưa được vận hành một cách hợp lý trong cách chơi. Đó cũng là lý do U22 Indonesia mất người nhưng có thể chờ cơ hội ra đòn kết liễu.
Trong bóng đá, không ai có thể thắng mãi. Nhưng thua trong thế trận có lợi thế về mọi mặt, từ quân số đến tinh thần và đối thủ có 1 bàn phản lưới nhà, HLV Troussier không thể nói vì thiếu kinh nghiệm và thực chiến. U22 Việt Nam chỉ có thể tự trách chính mình vì không đủ mạnh để kết liễu đối thủ, qua đó nhận đòn “hồi mã thương”.
HLV Troussier cũng cần có trách nhiệm về thất bại của U22 Việt Nam. Nhà cầm quân người Pháp có đẳng cấp World Cup nhưng lối chơi của U22 Việt Nam chưa thuyết phục được người hâm mộ. Đơn giản, HLV là người toàn quyền quyết định thì đội bóng thua phải có trách nhiệm đầu tiên.