Quý ngài Baeteoli
Thời cầu thủ, ông Park Hang-seo không nổi tiếng lắm. Ông khởi nghiệp từ bóng đá học đường, thường khoác áo các đội bán chuyên. Đội chuyên nghiệp duy nhất mà người đàn ông sinh năm 1959 này đầu quân là Lucky-Goldstar Hwangso, nay là FC Seoul. Nhưng thời điểm ông Park còn thi đấu, đội bóng ấy vẫn chơi tại giải hạng 2 Hàn Quốc.
Nhưng ông Park lại nổi tiếng thi đấu máu lửa với thể lực phi phàm, tới mức các đồng đội thời điểm đó phải gọi ông bằng biệt danh Baeteoli (Tiếng Hàn: 배터리 Cục pin đầy năng lượng).
Đồng đội cũ Chang Woe-ryong tiết lộ với JoongAn Daily: “Biệt danh Cục pin của Park Hang-seo bắt đầu từ năm 1984, khi ông ấy chơi cho Lucky-Goldstar Hwangso. Ông ấy chơi rất xông xáo, di chuyển nhiều ở tốc độ cao, liên tục từ đầu cho tới cuối trận như không biết mệt là gì, giống như một cục Pin tràn đầy năng lượng vậy”.
Có lẽ chính vì yếu tố thể lực quá sung mãn và tinh thần thi đấu nhiệt, ông Park mới được gọi vào ĐTQG Hàn Quốc trong giai đoạn 1979-1982, dù ông không phải tên tuổi lớn ở một đội bóng lớn.
Và khi làm HLV, yếu tố thể lực đặc biệt được ông Park coi trọng. Vì với chiến lược gia này: “Thể lực chính là nền tảng của bóng đá nói riêng và các môn thể thao nói chung”.
Vậy nên chẳng phải ngẫu nhiên khi năm 2001, ông Park được chọn làm cánh tay phải cho Guus Hiddink. Chiến lược gia Hà Lan tin tưởng giao cho cộng sự số 1 Park Hang-seo 'làm' thể lực cho cầu thủ Hàn Quốc.
Kết quả là World Cup 2002, người ta phải đặt câu hỏi, làm thế nào mà các cầu thủ Hàn Quốc có thể chạy khỏe đến thế, trong khi những ngôi sao từ Bồ Đào Nha, Italia cho tới Tây Ban Nha đều đã mệt nhoài cuối trận và trong hiệp phụ?
Và 'yêu' cũng phải liên tục… như cục pin
Thời ông Miura còn 'ăn cơm' của VFF, đám cầu thủ ở ta liên tục ca thán vì ông thầy Nhật này cho tập thể lực quá nặng, dẫn tới kiệt sức và chấn thương ở một số cầu thủ trụ cột.
Nhưng với ông Park Hang-seo, vấn đề thể lực của các cầu thủ Việt Nam sẽ còn được đẩy lên nặng hơn rất nhiều. Vậy cầu thủ ta có theo được những bài tập nặng ấy của 'Quý ngài Baeteoli'? Ở đội bóng nào ông Park cầm quân cũng vậy, anh nào yếu, không theo được thì… về nhà với vợ.
Rất khó tính trong tập luyện, với những bài tập rất nặng. Ấy thế mà ở Hàn Quốc, ông Park lại rất dễ, rất thoáng về vấn đề tình dục, một quan điểm khác biệt hẳn so với các đồng nghiệp Hàn Quốc, những người vốn rất khắt khe chuyện 'phòng the' trước mỗi trận đấu.
Tờ DongA từng đưa tin, sở dĩ những ngôi sao như Ahn Jung-hwan chơi bùng nổ tại World Cup 2002 cũng một phần nhờ tâm lý thoải mái, vì được ông cho phép giải tỏa sinh lý với bất cứ cô gái nào ngay trong khách sạn của đội tuyển.
Một nguồn tin còn tiết lộ với DongA: “Ông Park cho rằng, tâm lý căng thẳng có thể bị xóa tan nhờ sex. Còn thể lực ư? 'Ân ái' với cô bạn gái xinh đẹp mà sợ mệt thì đá bóng thế nào được nữa! Bóng đá không có chỗ cho những anh yếu đuối”.
Chưa biết liệu rồi các tuyển thủ quốc gia Việt Nam có đáp ứng được những bài tập thể lực của ông HLV có biệt danh 'Cục pin' hay không. Nhưng riêng về khoản… 'yêu' để giải tỏa tâm lý căng cứng do sức ép thì hẳn là cầu thủ Việt Nam không thua Hàn Quốc!?