Thể thao

HLV Nhật Bản: Liệu ông Troussier có phù hợp với bóng đá Việt Nam?

Văn Nhân
Chia sẻ

HLV Nhật Bản - ông Shinozaki đã đặt câu hỏi trên khi trò chuyện với Saostar về HLV Troussier.

Trò chuyện với Saostar, HLV Nhật Bản - ông Shinozaki (đội Jubilo Iwata) nói về HLV Troussier rằng, những đóng góp và di sản của ông Troussier cho bóng đá Nhật Bản cách đây 20 năm khá lớn. Nhưng chuyện đó đã diễn ra cách đây rất lâu, bây giờ mọi thứ thay đổi rất nhiều. Do đó, tư duy bóng đá của ông Troussier liệu có phù hợp ở hiện tại với tham vọng World Cup?

Nói về bóng đá Nhật Bản, ông Shinozaki cho rằng điều quan trọng nhất là sự ra đời của J.League đã giúp đội tuyển Nhật Bản lần đầu dự World Cup 1998. Đây là thời điểm không có nhiều cầu thủ Nhật Bản xuất ngoại sang châu Âu.

Dấu ấn lớn nhất của HLV Troussier ở Nhật Bản, đó là chuyện vượt qua vòng bảng World Cup 2002, giải đấu mà Nhật Bản và Hàn Quốc đồng hành làm chủ nhà. Nhưng Hàn Quốc còn làm tốt hơn Nhật Bản khi đi đến tận bán kết - cột mốc xa nhất của một đội châu Á ở sân chơi World Cup, còn Nhật Bản chưa bao giờ vào đến tứ kết.

HLV Nhật Bản: Liệu ông Troussier phù hợp với bóng đá Việt Nam? Ảnh 1
HLV Troussier từng thành công cùng tuyển Nhật Bản.

Vấn đề quan trọng từ phát biểu của ông Shinozaki: J.League nâng tầm tuyển Nhật Bản. Nhìn xa hơn thì bóng đá Việt Nam và Nhật Bản hoàn toàn khác biệt.

Thứ nhất, Nhật Bản có hệ thống giải chuyên nghiệp hàng đầu châu Á, có nền tảng đào tạo trẻ và hệ thống các giải đấu ngoài chuyên nghiệp rất nhiều. V.League của Việt Nam vẫn chưa thể chạm đến đúng nghĩa hai tiếng chuyên nghiệp, cầu thủ trẻ của Việt Nam vẫn chưa được thi đấu liên tục.

Thứ hai, ông Troussier đến Nhật Bản và Việt Nam khát nhau rất lớn về trình độ cầu thủ. Ví dụ ông Troussier đến Nhật Bản trong thời điểm có lứa cầu thủ trẻ xuất chúng giành Á quân U20 thế giới năm 1999, tứ kết Olympic 2000. Onno - đội trưởng U20 Nhật Bản đã đến Feyenoord (Hà Lan) và vô địch UEFA Cup 2002. Câu chuyện đó khác biệt hoàn toàn so với chuyện ông Troussier bắt đầu với lứa cầu thủ Việt Nam vừa rớt từng vòng bảng U20 châu Á 2023. Onno đến Hà Lan, còn đội trưởng U20 Việt Nam vẫn chưa có 1 phút thi đấu ở V.League 2023, đây là một so sánh để thấy trình độ khác biệt lớn.

Thứ ba, đó là tư thế đội tuyển quốc gia. Tuyển Nhật Bản lần đầu tiên vô địch châu Á vào năm 1992. Nhật Bản đã lần đầu dự World Cup vào năm 1998, thời điểm ông Troussier còn làm việc ở châu Phi. Nhà cầm quân người Pháp cũng không chịu áp lực việc tìm vé dự World Cup, bởi họ làm đồng chủ nhà ở World Cup 2002. Mọi thứ khác xa so với tuyển Việt Nam, khi cột mốc xa nhất ở châu lục là tứ kết ASIAN Cup 2019 và vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022.

Thứ tư là chính HLV Troussier. Ông đến Nhật Bản ở tuổi 47 và bây giờ làm việc ở Việt Nam với độ tuổi 68. Nhà cầm quân người Pháp liên tục trau dồi năng lực qua các đội tuyển ở châu Phi để thành công cùng Nhật Bản - một nền bóng đá phát triển bài bản, chuyên nghiệp, hội tụ rất nhiều lợi thế và khát khao vươn mình ở thời đó. Bóng đá Việt Nam đang phát triển nhưng không thể so bì với Nhật Bản cách đây 20 năm, còn tâm thế và tư duy của ông Troussier cũng khác xa quá khứ. Ông có gần 20 năm chưa dẫn dắt một ĐTQG, có thể nói lúc đến Nhật Bản như thời điểm chín của sự nghiệp và bây giờ giống như “hoàng hôn”.

Lấy một ví dụ thực tế, HLV Troussier đã nói hài lòng với U23 Việt Nam dù thua UAE 0-4, trước đó thua Iraq 0-3. Nhưng chắc chắn ông không thể phát biểu như thế nếu dẫn dắt U23 Nhật Bản thua trận. Nhật Bản không đi học kinh nghiệm từ các đội UAE, Iraq, mà tâm thế luôn hướng ra thế giới để mong một ngày trở thành cường quốc bóng đá.

HLV Nhật Bản: Liệu ông Troussier phù hợp với bóng đá Việt Nam? Ảnh 2
Bóng đá Nhật Bản và Việt Nam rất khác biệt, liệu HLv Troussier có thành công?

Từ những so sánh kể trên, HLV Troussier đang áp dụng công thức như từng dẫn dắt tuyển Nhật Bản, với xuất phát điểm từ lứa U23 và triết lý bóng đá kiểm soát. Liệu có phù hợp với trình độ cầu thủ và mặt bằng bóng đá Việt Nam?

Hy vọng rằng ông Troussier sẽ đúng để giúp bóng đá Việt Nam thực hiện được mục tiêu dự World Cup 2026. Trường hợp thất bại thì trách nhiệm này thuộc về Liên đoàn bóng đá Việt Nam, bởi họ chọn một người đi xây ước mơ theo công thức của 20 năm trước và đặt ra mục tiêu rất lớn (dự World Cup 2026), dù ai cũng thấy bóng đá Nhật Bản và Việt Nam hoàn toàn khác biệt. Và không có một nền tảng vững chắc và mạnh toàn diện thì HLV giỏi nhất thế giới cũng rất khó thành công.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất