Tối 28/12, Học viện Nutifood đánh bại Hà Nội FC 1-0 để vô địch U21 quốc gia. Đây là giải đấu đầu tiên mà đội bóng của bầu Hải tham dự và cũng… lần đầu tiên vô địch. Một danh hiệu rất ý nghĩa để bầu Hải có thêm động lực và niềm vui trong hành trình “trồng người” cho bóng đá nước nhà.
Và có một người đặc biệt không thể bỏ qua: HLV Guillaume Graechen, hay còn được gọi với tên thân mật là thầy Giôm. 5 lần góp mặt ở chung kết thì ông Graechen đã có thể tận hưởng niềm vui chiến thắng, qua đó xoá đi dớp “vua về nhì”.
Nói về Guillaume Graechen, bóng đá Việt Nam cho ông nhiều thứ từ công việc đến chuyện định cư và lập gia đình ở Việt Nam. Ngược lại, thầy Giôm chính là “người đặc biệt” trong thành công của bóng đá nước nhà trong 4 năm qua.
Giôm là người thầy đầu tiên của lứa Công Phượng ở HAGL. Ông cũng từng là thầy của Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Đức Huy, Phan Văn Đức… trong màu U19 Việt Nam. Đó chắc chắn là một điều hết sức ý nghĩa khi HLV Guillaume Graechen sắm vai thầy ngoại đầu tiên trong hành trình “trồng người” cho bóng đá Việt Nam.
Bốn năm qua, chúng ta nói nhiều về ông Park với những mỹ từ như “phép màu của ông Park”, “phù thuỷ xứ Hàn”, người hùng bóng đá Việt Nam. Nhưng sự thật không có sự thầm lặng trong hơn 1 thập kỷ của thầy Giôm thì ông Park khó thành công. Vì thế hệ vàng hiện tại chính là những học trò của Guillaume Graechen.
Phải chăng hành trình cho ra đời một lứa cầu thủ giỏi cho tương lai là quan trọng, hay nhìn vào những cái Cúp và huy chương để ghi công?
Đó là câu hỏi không dễ để cho đáp án đúng. Nếu làm bóng đá mà cuối cùng không có thành tích thì khó nói thành công. Nhưng thành công phải có quá trình, trong đó công tác đào trẻ là “chìa khoá”.
Ông Guillaume Graechen đến Việt Nam từ năm 2007 và làm việc tận tuỵ cho đến hôm nay. 14 năm ở xứ người, từ một ông thầy người Pháp trở thành chàng rể Việt Nam. Và ông dạy dỗ lứa Công Phượng, Quang Hải từ những cậu bé đi xây ước mơ trong màu áo U19, bây giờ trở thành niềm tự hào của bóng đá nước nhà.
Muốn có trò giỏi thì thầy phải hay. Ngược lại, không có thầy giỏi thì trò khó giỏi. Đó là chân lý. Người hâm mộ Việt Nam sẽ đồng ý rằng: Giôm chưa phải là HLV giỏi ở sân chơi chuyên nghiệp, nhưng ông chắc chắn là người thầy đào tạo trẻ giỏi nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Guillaume Graechen không lấp lánh với ánh hào quang như ông Park. Giôm cũng không làm HLV chuyên nghiệp trong 6 năm qua. Nhưng ông Graechen là người trồng, còn ông Park hái. Cả hai đều rất quan trọng và có giá trị đặc biệt với bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Park sắm vai người thu hoạch thì phải đến rồi đi. Chỉ có người trồng mới gắn bó lâu dài vì đào tạo trẻ là kỳ công rất gian nan, là sự đầu tư về tiền bạc, tâm huyết chăm sóc trong nhiều năm ròng rã. Và tinh thần thể thao, sự tận hiến cho sự nghiệp bóng đá Việt Nam của thầy Giôm vẫn tiếp diễn mỗi ngày. Ông đang miệt mài trong công việc đào tạo trẻ ở Học viện Nutifood.
Sau lứa Công Phượng, Quang Hải, bóng đá Việt Nam đang đứng trước dấu hỏi lớn về tài năng trẻ. 4 năm qua, tuyển Việt Nam không có thêm các gương mặt nào đáng chú ý. Rất nhiều người đang nói về thầy Giôm và chuyện “đám trẻ của bầu Hải” vô địch U21. Họ chờ đợi “người đặc biệt” của Học viện Nutifood cho ra đời những tài năng ưu tú tiếp nối sự thành công ở hiện tại.
Sự kỳ vọng này càng có cơ sở hơn khi tài năng “trồng người” của thầy Giôm đang được tiếp sức bởi tâm huyết và cam kết đầu tư mạnh mẽ, bài bản cho bóng đá trẻ của bầu Hải. “Đội bóng của chuyên gia dinh dưỡng Nutifood” đã trình làng một lứa cầu thủ có thể hình đẹp, nền tảng thể lực cực tốt, kỹ thuật cá nhân ấn tượng. Điều cuối cùng là có giáo dục toàn diện về văn hóa, đạo đức, tâm lý... Tất cả là nền tảng vững chắc, là bệ phóng giúp họ trở thành thế hệ tài năng trong lương lai.