ĐT Nhật Bản bất ngờ trở thành nhân vật chính trong câu chuyện có lẽ hy hữu nhất trong làng bóng đá thế giới. Lịch sử các VCK lần đầu tiên ghi nhận một đội bóng vượt qua vòng bảng nhờ chỉ số fair-play bằng cách tính số thẻ phạt. Sự kịch tính, nghiệt ngã của bóng đá không chỉ tồn tại ở các bàn thắng mà giờ đây, nó còn nghiệt ngã từ chính những chiếc thẻ phạt.
Rất nhiều những lời chỉ trích dành cho đội bóng xứ phù tang. Bởi khoảng thời gian 10’ cuối trận, các “samurai xanh” chỉ biết đá bóng ma bên phần sân nhà nhằm cố gắng bảo toàn trận thua 0-1 trước Ba La sau khi biết tin Senegal cũng đang thua cùng tỉ số.
Lúc đó, Nhật Bản và Senegal cùng được 4 điểm, cùng hiệu số bàn thắng thua là 4-4 nhưng Nhật Bản xếp trên nhờ chỉ số fair-play. Đại diện châu Á lĩnh 4 thẻ vàng còn Senegal dính 6 thẻ vàng.
Chứng kiến cách chơi của ĐT Nhật Bản trong những phút cuối cùng gặp Ba Lan, nhiều ý kiến phản ứng dữ dội cho rằng, đội bóng xứ phù tang chơi quá thực dụng, phần nhiều dựa vào sự may mắn.
Thế nhưng, xét tổng thể cả quá trình thi đấu ở World Cup 2018, Nhật Bản xứng đáng có được chiếc vé đi tiếp vào vòng 1/8. Hãy nhìn cách họ thi đấu tuyệt vời trước Colombia bằng cả sự quyết tâm cao độ. Rồi cả tinh thần kiên cường từ người Nhật khi 2 lần gỡ hòa dù liên tục bị Senegal vượt lên dẫn trước, một thử thách vô cùng khó khăn vì đội bóng châu Phi có nền tảng thể lực quá sung mãn.
Chừng đó thôi cũng cho thấy Nhật Bản đã cố gắng như thế nào. Nếu như nói họ thực dụng cũng chỉ mang tính chủ quan.
Để lọt được vào vòng knock-out, mỗi đội đều cần có những toan tính cho riêng mình. Ai nói Senegal không thực dụng. Những ai theo dõi trận đấu giữa Senegal và Colombia sẽ dễ dàng nhận thấy đại diện châu Phi cũng thực dụng không kém.
Thời điểm nhận được thông tin Nhật Bản vừa bị Ba Lan dẫn trước 1-0, HLV Aliou Cisse bên phía Senegal đã chủ động yêu cầu các học trò chơi chậm lại. Thậm chí, đã có những phút Senegal muốn chơi trò cù nhầy. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, Colombia thi đấu quá quyết tâm. Đại diện Nam Mỹ ghi bàn thắng để tước đi tấm vé từ tay Senegal đúng vào lúc đội bóng châu Phi trùng hẳn xuống nhằm bảo toàn kết quả hòa.
Rồi ngay cả một ứng cử viên vô địch như ĐT Pháp cũng “bắt tay” với Đan Mạch chơi thứ bóng đá xúc phạm người xem với mục đích vừa muốn có được ngôi đầu bảng lại giúp đội bóng Bắc Âu giành tấm vé lọt vào vòng 1/8.
Do đó, thật khó trách Nhật Bản đưa ra những toan tính hợp lý với họ vào thời khắc số phận trở nên hết sức mong manh. Bởi với người Nhật, chiếc vé đó có ý nghĩa lịch sử không chỉ với họ mà còn đối với cả nền bóng đá châu Á.
Đặc biệt, góp mặt tại vòng 16 đội, hầu hết toàn là những đội bóng châu Âu với châu Mỹ. Chẳng có nổi một đại diện nào của châu Phi. Châu Á được mát mặt phần nào nhờ Nhật Bản đứng chung hàng ngũ với 16 đội mạnh nhất thế giới tại kỳ World Cup năm nay
Bên cạnh đó, thành quả của Nhật Bản ngày hôm nay là kết tinh từ một sự ổn định được tạo ra trong suốt các kỳ World Cup mà họ tham dự. Trong lịch sử các kỳ World Cup tính đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản trở thành đội bóng châu Á có số lần vượt qua vòng bảng nhiều nhất.
Chừng đó cho thấy một vị thế nhất định của người Nhật trong làng bóng đá thế giới. Các “samurai xanh” trở thành niềm tự hào số một của bóng đá châu Á tại sân chơi World Cup.