Ánh Viên là "mỏ vàng" ở SEA Games
Chuyện ngành thể thao Việt Nam chưa muốn Ánh Viên nghỉ thi đấu thì ai cũng biết lý do rằng: Thành tích!
Ánh Viên nghỉ thì bơi Việt Nam mất đi một ngôi sao có thể mang về nhiều tấm HCV ở SAE Games 31. Nên nhớ, Ánh Viên đã giành đến 25 HCV cho thể thao Việt Nam ở đấu trường SEA Games.
Năm 2015, Việt Nam có tổng 75 HCV, xếp chung cuộc thứ 3 ở SEA Games 28, riêng Ánh Viên đóng góp đến 8 HCV. Năm 2017, Việt Nam có 58 HCV, hơn đúng 1 HCV trước Singapore để xếp thứ 3 ở SEA Games 29, Ánh Viên góp công 8 HCV. Gần nhất, Ánh Viên giành 6 HCV ở SEA Games 30.
Đúng hơn, Việt Nam đã giành tổng cộng 231 HCV trong 3 kỳ SEA Games gần nhất thì Ánh Viên góp công gần 1/10 với 22 HCV. Sự thành công của thể thao Việt Nam ở các kỳ đại hội Đông Nam Á rõ ràng có dấu ấn cá nhân quá lớn của kình ngư người Cần Thơ.
Do đó, Ánh Viên xin nghỉ đội tuyển thì ngành thể thao Việt Nam chưa muốn giải quyết. Vì năm 2022 thì Việt Nam làm chủ nhà SEA Games 31, mục tiêu có thể là ngôi vị số 1 chứ không còn Top 3. Đồng nghĩa có Ánh Viên thì số HCV được tăng lên và có thêm cơ hội hoàn thành mục tiêu.
Xin hãy để "tiểu tiên cá" được nghỉ!
Năm 2020, Ánh Viên đã viết đơn xin nghỉ ở ĐTQG nhưng lãnh đạo ngành thể thao thuyết phục thành công. Ánh Viên đã từ bỏ chuyện dừng sự nghiệp. Bây giờ Ánh Viên tiếp tục có đơn xin nghỉ vào đầu tháng 10 năm nay.
Như vậy, Ánh Viên đã có 2 lần xin nghỉ ở đội tuyển quốc gia. Ngành thể thao Việt Nam có lẽ cần xem xét để chấp nhận cho nguyện vọng của Ánh Viên.
Ròng rã gần 10 năm cống hiến hết thanh xuân cho thể thao Việt Nam, Ánh Viên có nhiều năm không được sống như một người bình thường. Đó là sự thật nghiệt ngã khi sự khổ luyện mỗi ngày, áp lực thành tích từng khiến Ánh Viên từng rơi vào trầm cảm.
Ánh Viên không được sống cuộc đời bình thường đến từ những mẩu chuyện khác trong nhiều năm qua. "Tiểu tiên cá" từng có đến 7 cái Tết không được về Việt Nam, phải một mình ở đất khách quê người cùng HLV Đặng Anh Tuấn. Một cô gái vào tuổi dậy thì phải xa quê, mỗi ngày quanh quẩn luyện tập và không có bạn bè, còn không được xài điện thoại... Tức những cô gái khác ở độ tuổi ăn học được vui chơi thì Ánh Viên phải "gánh" áp lực to lớn về số HCV ở SEA Games.
Lãnh đạo thể thao Việt Nam có bao giờ tự hỏi rằng: Ánh Viên đã khóc bao nhiều lần ở các kỳ SEA Games và tại sao giành nhiều HCV vẫn khóc?
Tôi được chứng kiến nhiều giọt nước mắt hạnh phúc, hay tủi buồn của VĐV và cầu thủ, nhưng nói về Ánh Viên thì in sâu bởi những giọt nước mắt của "tiểu tiên cá".
Ánh Viên đã khóc ở nhiều kỳ SEA Games liên tiếp, có lần khóc khi thi đấu xong bước vào phòng chờ, có lần khóc ngay khi về đích, và khóc ngay trên sóng truyền hình khi phỏng vấn...
Gần nhất, Ánh Viên khóc nức nở, khóc rất nhiều dù giành HCV ở nội dung 400m hỗn hợp. Ánh Viên khóc kể cả đang có sóng truyền hình trực tiếp. Viên khóc vì chỉ giành 6 HCV và 2 HCB cho thể thao Việt Nam, trong khi chỉ tiêu ban đầu là 8 HCV.
Ngày chia tay SEA Games 30, Ánh Viên viết trên mạng xã hội: "Kết thúc SEA Games 30, con chỉ giành được 6 HCV và 2 HCB nên không thể xem là thành công khi không hoàn thành chỉ tiêu đề ra, dù con đã rất cố gắng. Con mệt lắm, giờ chỉ mong được về với gia đình, đã lâu lắm rồi con không được ăn một bữa cơm xum họp cùng người thân trong nhà".
"Con chỉ giành 6 HCV", hay "con mệt lắm"... Bất cứ ai đọc được những dòng chữ đó cũng thấy thương xót cho Ánh Viên!
Trên đất Malaysia năm 2017, tôi từng hỏi Trưởng đoàn thể thao Việt Nam - ông Trần Đức Phấn rằng: Tại sao Singapore chỉ để ngôi sao Schooling thi đấu 5 nội dung (ba nội dung cá nhân và hai nội dung đồng đội), còn Ánh Viên tranh đến 12-14 cự ly?
Mục đích của câu hỏi để thấy rằng thể thao Việt Nam xem Ánh Viên như "chiếc phao" tại các kỳ SEA Games, vì Schooling giành đến 9 HCV ở năm 2015 nhưng anh không phải bị áp đặt thành tích tại SEA Games 28. Ngược lại, Ánh Viên phải đăng ký đến 12-14 nội dung. Dù bơi Việt Nam có 2-3 kình ngư đủ khả năng giành HCV thì chỉ tiêu rơi vào mức 10 HCV ở SEA Games, tức áp lực "gánh" HCV dồn lên vai Ánh Viên.
Tất cả đã lý giải vì sao Ánh Viên giành rất nhiều HCV nhưng thường xuyên phải khóc. Nước mắt Ánh Viên không phải là sự hạnh phúc, nó là hiện hữu cho sự áp lực thành tích.
Một HLV của bơi Singapore đã nói với tôi rằng: "Cuộc sống của Ánh Viên rõ ràng là mất cân bằng giữa tập luyện - học tập - giải trí - quan hệ gia đình và xã hội. May mắn là con bé có ý chí phi thường nếu không chắc khó trụ được nhiều năm như vậy.
Ví dụ có 1 lần phóng viên phỏng vấn nhanh Viên ở SEA Games 2015 để phát trong buổi thi đấu, hỏi em 1 câu đơn giản rằng: Em thích bài hát nào? Ánh Viên không nghĩ ra được.
Nhưng không thể mãi mãi như thế được đâu, dù nhân tài không giống người bình thường và có sức chịu đựng hơn người".
Vậy nên, Ánh Viên bây giờ muốn dừng lại thì hãy để "tiểu tiên cá" được nghỉ. Hãy để Ánh Viên được sống như một người bình thường sau nhiều năm cống hiến đầy phi thường cho thể thao Việt Nam.