1. Hoàng Xuân Hải, người tài xế của một hãng xe dịch vụ ở Gia Lai chở tôi đến sân Pleiku, Gia Lai. Anh có tính cách vui vẻ nên trò chuyện rất nhiều với tôi. Rất nhanh chóng, chúng tôi tìm được chủ đề chung là câu chuyện về bóng đá.
Anh Hải là người am hiểu khá nhiều về bóng đá Việt Nam, đặc biệt CLB HAGL của bầu Đức. Anh nói: "Tôi mê bóng đá lắm. Hôm nay có trận HAGL đá với SLNA. Kiatisak trở lại phố Núi rồi đấy. Chiều nay sân Pleiku phải chật cứng khán giả thôi. Tôi còn nghe bầu Đức đến xem trận này".
"Ông Đức mê đá banh lắm nhé. Tôi nhớ mãi câu chuyện về ông ấy cách đây hơn 10 năm. Hôm đó, HAGL đá với một đội của Trung Quốc. Đội nhà ghi bàn thì ông ấy còn chạy ăn mừng đầy phấn khích ở sân.
Gia Lai không có bóng đá, không có bầu Đức thì chắc khó được biết đến nhiều. Nhờ có ông ấy làm bóng đá nên Gia Lai được đông đảo mọi người biết đến", anh Hải nói tiếp.
Thực sự, bóng đá ở Gia Lai có sức hút mãnh liệt với mọi người. Trước trận đấu giữa HAGL và SLNA, chủ đề được nói đến nhiều nhất chính là bóng đá. Dường như bất kỳ người dân nào ở Gia Lai cũng có thể kể vanh vách về bầu Đức, CLB HAGL, Công Phượng, Kiatisak...
2. Câu chuyện của anh Hải kể làm tôi nhớ lại chủ đề từng một thời gây sốt cả Đông Nam Á cách đây 19 năm. Đó là tháng 2 năm 2002, truyền thông Thái Lan có những dòng tít như thế này: "Hoàng Anh là ai? Gia Lai ở đâu?".
Mọi thứ bắt nguồn từ chuyện bầu Đức mua Kiatisak - người đang là HLV trưởng CLB HAGL. Hồi đó, Kiatisak là tên tuổi lớn số 1 bóng đá Đông Nam Á, là niềm tự hào của Thái Lan, là... "hung thần" của bóng đá Việt Nam. Nhưng HAGL của bầu Đức, đội bóng đá hạng Nhất đã "bắt" Kiatisak về phố Núi. Một vụ chuyển nhượng có thể nói là một phần lịch sử của bóng đá Đông Nam Á, còn Gia Lai trở thành nơi được đông đảo mọi người biết đến.
5 năm sau vụ mua Kiatisak, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức tiếp tục trở thành tâm điểm của Đông Nam Á khi bắt tay với Arsenal - CLB đang rất nổi tiếng thời đó của nước Anh. Song song, dòng chữ Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam chính thức xuất hiện ở giải ngoại hạng Anh như một niềm tự hào rất lớn mà chỉ có bầu Đức mới dám làm và làm được như thế.
Bầu Đức và HAGL cũng trở thành cái tên quen thuộc với cả châu Á khi "xuất khẩu" những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Riêng Công Phượng còn sang Bỉ chơi bóng, cũng như nhận được sự mời gọi của một số CLB ở nước Pháp.
Nói riêng về Hàn Quốc, bầu Đức làm việc với rất nhiều nhà cầm quân, trong đó có câu chuyện đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam là mời HLV Park Hang Seo về dẫn dắt ĐTQG, sau đó tạo ra một loạt thành công được cả châu Á ghi nhận.
3. Hôm qua, bầu Đức đến sân Pleiku xem Kiatisak và HAGL đá với SLNA. Một trận đấu thuộc vòng 2 V.League 2021 nhưng đánh dấu chặng đường 20 năm làm bóng đá của ông chủ phố Núi. Đó cũng là cột mốc đáng nhớ với Gia Lai, một địa phương không có truyền thống mạnh về bóng đá nhưng từ ngày có bầu Đức thì tất cả thay đổi một cách chóng vánh. Gia Lai bây giờ trở thành địa phương khiến cả bóng đá thế giới phải ghen tỵ khi trận đấu giữa HAGL và SLNA chật cứng khán giả đến sân Pleiku, trong khi hầu hết các trận đấu trên thế giới phải đá trong cảnh không khán giả vì dịch COVID-19.
Đúng hơn, HAGL của bầu Đức thực sự là một đội bóng đặc biệt ở sân chơi V.League 2021. Dù trận đấu với SLNA diễn ra vào ngày thứ Sáu (22/1) nhưng sân Pleiku vẫn được lấp đầy bốn mặt khán đài, cùng hình ảnh CĐV vô cùng cuồng nhiệt.
Cựu phó chủ tịch VFF ông Nguyễn Xuân Gụ, một người ở Hà Nội cũng vượt đường xa đến Gia Lai xem HAGL của bầu Đức thi đấu. Ông Gụ nói: "Khán giả ở Gia Lai cuồng nhiệt quá, bầu không khí bóng đá đúng là mơ ước cho mọi đội bóng trên thế giới ở hoàn cảnh hiện tại. Tôi cũng rất thích vẻ đẹp trên khán đài Pleiku là khán giả chật cứng nhưng cổ vũ rất văn minh, tôi nói vui với bầu Đức là "khán giả Gia Lai rất ngoan", tức mọi người yêu bóng đá cháy bỏng nhưng không bao giờ chửi bậy, hay có hành động gì kém văn minh".
Ông Nguyễn Xuân Gụ tiết lộ thêm một câu chuyện đẹp là trên chuyến bay từ Hà Nội vào Gia Lai có hơn 30 khán giả yêu CLB HAGL. Đó là những người Hà Nội bỏ công việc, thời gian và tiền bạc để từ ngoài Bắc vào Gia Lai cổ vũ cho HAGL của bầu Đức.
Hôm qua, sân Pleiku cũng chào đón rất nhiều khán giả từ các địa phương khác về Gia Lai xem bóng đá. Họ là những người dõi theo lứa Công Phượng của bầu Đức từ thuở là những cậu bé. Thứ tình cảm được vun đắp theo thời gian chính là sợi dây kết nối trái tim của hàng triệu người hâm mộ dành cho HAGL.
Và nói về tình yêu bóng đá, hình ảnh bầu Đức ở giữa hiệp 2 trận HAGL - SLNA đã tạo ra cảm xúc lớn cho tất cả những ai có mặt ở sân Pleiku. Bầu Đức có công việc nơi rời ghế Vip nhưng ông vừa đi, vừa đứng lại xem HAGL đá. Bầu Đức trở lại khán đài cũng không thể lên ngay khu Vip, ông cứ đứng ở khán đài dõi theo vì HAGl đang tấn công. Ông chủ CLB HAGL sợ lúc quay lưng lên có thể bỏ lỡ khoảnh khắc đội nhà ghi bàn.
Một ông chủ nổi tiếng nhất bóng đá Việt Nam, là đại gia nếu nói về thương trường nhưng tình yêu bóng đá thật sự mãnh liệt, từ cách ăn mặc giản dị đến các hành động của bầu Đức lúc dõi theo trận đấu đều rất tự nhiên và gần gũi.
Sau trận đấu, rất đông khán giả nán lại sân Pleiku gọi tên bầu Đức, Kiatisak và các cầu thủ HAGL. Họ bày tỏ tình cảm chân thật nhất dành cho CLB HAGL. Bầu Đức đã rất xúc động nên cho biết bây giờ làm bóng đá không còn cay cú ăn thua, chỉ mong muốn đội bóng đá đẹp, chơi cống hiến để đáp lại tình yêu của khán giả.
Cũng trong buổi tối HAGL thắng SLNA, HLV Kiatisak và toàn đội dành nhiều giờ để giao lưu với người hâm mộ đến Gia Lai. "Zico Thái" thể hiện các ca khúc bằng tiếng Việt để dành tặng cho mọi người, giống như một cách tri ân đến "đại gia đình" yêu mến CLB HAGL của bầu Đức trên khắp đất nước Việt Nam.
Tất cả đang tạo ra một HAGL của bầu Đức quá đặc biệt trong lòng người hâm mộ yêu bóng đá Việt Nam. Một câu lạc bộ có thể nói hơn cả một đội bóng đá nếu nhìn lại tấm gương lịch sử 20 năm, từ đóng góp phần nâng cấp hình ảnh bóng đá Việt Nam ra cả châu Á, châu Âu đến biểu tượng về tình yêu trong lòng hàng triệu người hâm mộ ở hiện tại.