Vì sao CLB Hà Nội vô đối ở V.League?
Đến thời điểm này không cần phải bàn cãi, CLB Hà Nội chính là đội bóng mạnh nhất Việt Nam. Đội bóng Thủ đô đang dẫn đầu V.League 2019, góp mặt ở bán kết Cúp quốc gia và đứng trước cơ hội vào chung kết AFC Cup 2019.
Sau thời Bình Dương của bốn năm trước, CLB Hà Nội là hiện thân cho biểu tượng của một đội bóng tỏa ánh hào quang nhờ sức mạnh kim tiền. Chính sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tiền bạc giúp cho đội bóng Thủ đô trở nên bất khả chiến bại so với phần còn lại của bóng đá Việt Nam. Đó cũng là sự khác biệt về cách làm bóng đá chuyên nghiệp, đồng tiền là yếu tố vô cùng quan trọng.
Điều đầu tiên phải nhắc đến sự sa sút của Bình Dương sau 2 năm thống trị V.League, đội bóng đất Thủ không còn vung tiền tậu sao. Kế đến là CLB Thanh Hóa không còn sự hậu thuẫn từ FLC. Hà Nội cũng không còn đối trọng xứng đáng ở V.League, kể cả chuyện chiêu mộ các cầu thủ giỏi từ các đối thủ.
Một trong những ngoại binh hay nhất V.League từng hai năm giúp Bình Dương vô địch, tiền vệ Moses đã đầu quân cho CLB Hà Nội. Mùa này, đội bóng Thủ đô lấy thêm tiền đạo Omar - chân sút một thời gắn bó với CLB Thanh Hóa.
Đến giai đoạn lượt về, Hà Nội “tậu” thêm cựu tuyển thủ Việt Nam - trung vệ Đinh Tiến Thành của CLB Thanh Hóa nhằm lấp vị trí Đình Trọng bị chấn thương. Đầu mùa, CLB Hà Nội đã lấy thủ môn Bùi Tiến Dũng - người cũ của đội bóng xứ Thanh.
Có thể thấy, CLB Hà Nội không chỉ sở hữu những cầu thủ giỏi, họ còn hoàn thiện sức mạnh nhờ chịu chi nhiều tiền trong chuyển nhượng để lấy những cầu thủ giỏi của đối thủ, hoặc mẫu cầu thủ có sức hút với người hâm mộ như Bùi Tiến Dũng.
Ngoài ra, một yếu tố khác cần nhắc là CLB Hà Nội có thể bốc quân từ CLB Sài Gòn về một cách dễ dàng. Điển hình như “cuộc rút ruột” hồi năm ngoái với chuyện Đình Trọng và Ngân Văn Đại về CLB Hà Nội sau khi nổi tiếng.
Tất cả cho thấy, CLB Hà Nội thống trị bóng đá Việt Nam đến từ ba yếu tố quan trọng: Thứ nhất, họ có sự đầu tư mạnh về tiền bạc, chi mạnh tay để có ngoại binh giỏi, cầu thủ nội “xịn”. Thứ hai, các đối thủ không đủ sức cạnh tranh vì yếu hơn về tài chính, trong đó có chuyện các ông bầu chán nản cuộc chơi ở V.League, ví dụ như bầu Quyết bảo một mình CLB Thanh Hóa thì không thể vô địch. Thứ ba, CLB Hà Nội có thể bổ sung quân theo kiểu lấy người giỏi từ CLB Sài Gòn.
Đến nỗi buồn cho bóng đá Việt Nam
Câu chuyện CLB Hà Nội vô đối theo kiểu một mình một ngựa trong ở V.League là nỗi buồn lớn cho bóng đá Việt Nam, bởi không khó để nhận thấy phần còn lại gần như không đầu tư để vô địch, kể cả CLB TP.HCM chỉ là hiện tượng bất ngờ theo kiểu “cờ đến tay thì… cố gắng phất” chứ không hề xác định đua vô địch ngay từ đầu. Đó cũng là nghịch lý lớn cho bóng đá Việt Nam ở hiện tại.
Câu chuyện kể trên cần phải nhìn lại từ thời điểm V.League có cuộc chơi song mã giữa Bình Dương và Hà Nội. Đội bóng đất Thủ sau 2 năm liên tục vô địch thì không còn đầu tư mạnh, họ cũng để cho một loạt cầu thủ ra đi như Công Vinh, Đình Luật, Trọng Hoàng, Văn Hoàn…
Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thể thao bóng đá Bình Dương - ông Lê Hồng Cường (CLB Bình Dương) nói về cuộc chơi ở V.League: “Một ông chủ sở hữu hai đội bóng thôi cũng đã khiến các đội vất vả trong cuộc đua đến ngôi vô địch hay xuống hạng rồi, huống gì có đến bốn đội thì sao chịu nổi. Nhiều đội cũng muốn đầu tư và quyết tâm vô địch V.League lắm nhưng nhìn thấy tình trạng một ông chủ bốn đội bóng (dù không rõ ràng) cũng đâm ra do dự”.
Sau Bình Dương, CLB Thanh Hóa trở thành một thế lực mới để đối chọi với Hà Nội. Tuy nhiên, bầu Quyết cũng nản, vì có mùa bỏ đến 120 tỷ đồng vẫn không thể “đấu” lại CLB Hà Nội. Bầu Quyết giã từ cuộc chơi vì lý do một mình CLB Thanh Hóa thì không thể vô địch.
Gần nhất, người có thời gian gắn bó lâu dài cùng bóng đá Việt Nam, bầu Đức cũng ngao ngán V.League. Bầu Đức bảo HAGL không có động lực để đầu tư mạnh, vì có đổ thêm tiền cũng không thể đua vô địch, bởi ông nhận định giải đấu số 1 Việt Nam đang có chuyện “5 đánh 1”.
Nên nhớ, bóng đá Việt Nam từng là một cuộc chơi cực kỳ hấp dẫn, với sự tham gia của nhiều ông bầu tên tuổi, sau đó họ nghỉ dần theo nhiều cách khác nhau. Nhưng nổi bật nhất là họ bất mãn với cuộc chơi ở V.League.
Thế nên, CLB Hà Nội thống trị V.League được xem là một nỗi buồn cho bóng đá Việt Nam, vì họ không có đối thủ đủ mạnh để cạnh tranh, hoặc các đội bóng như Bình Dương, HAGL, Thanh Hóa chơi không có tham vọng bay cao.
Ngược lại, CLB Hà Nội vô địch trong bối cảnh các đội bóng khác có tham vọng lớn, đầu tư mạnh thì mới tạo nên sự ý nghĩa tích cực cho bóng đá Việt Nam, vì có tính cạnh tranh để cùng nhau phát triển.
Nỗi lo hiện hữu là CLB Hà Nội sẽ còn thống trị V.League trong thời gian dài với cảnh “một mình một người ngựa” về đích, còn những ông chủ khác sẽ dần dần bỏ bóng đá vì chán nản như bầu Quyết, hay bầu Thụy trong quá khứ.
Đứng trước cơ hội là nên lịch sử mới cho V.League
Nếu có vé vào chung kết AFC Cup 2019 thì CLB Hà Nội viết nên lịch sử mới cho V.League, bởi đội bóng có từng có thành tích tốt nhất ở AFC Cup là Bình Dương với tấm vé đến bán kết. Đây là tín hiệu đáng ghi nhận cho sự nỗ lực của những Văn Quyết, Quang Hải…
Nỗi buồn của riêng CLB Hà Nội
Một thập kỷ qua, CLB Hà Nội là đội bóng có thành tích tốt nhất V.League nhờ sức mạnh kim tiền. Tuy nhiên, đội bóng Thủ đô không được yêu thích nhất Việt Nam. Thậm chí, trước khi có lứa Quang Hải thu hút fan trẻ thì CLB Hà Nội thường xuyên đá trong cảnh khán đài trống hoác.