Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Giấc mơ thành sao lắm gập ghềnh của cầu thủ châu Phi

Trở thành những ngôi sao bóng đá như Yaya Toure, Didider Drogba, Samuel Eto'o... là giấc mơ của bao trẻ em châu Phi. Nhưng đâu phải ai cũng được số phận ngọt ngào mỉm cười...

Cái nắng gay gắt ở châu Phi dường như chỉ khiến dân châu Âu sống ở khu vực Địa Trung Hải - vốn quen với khí hậu ôn hòa - cảm thấy khó chịu. Còn với những cầu thủ nhí sinh sống nơi những quốc gia đang phát triển tại đây, sự khắc nghiệt của thời tiết không làm mất đi đam mê bóng đá và mơ ước một ngày trở thành những ngôi sao như Didier Droba, Samuel Eto'o… Trải dài khắp khu vực Tây Phi, dù là ở những học viện cũ kỹ hay thế nào đi nữa, những cầu thủ nhí vẫn ngày đêm miệt mài tập luyện vì chỉ có trở thành cầu thủ chuyên nghiệp mới mở ra hy vọng thoát nghèo.

Lạc lối trên hành trình tìm vùng đất hứa

Cầu thủ nhí châu Phi tập luyện trên sân với ước mơ đổi đời.

Cầu thủ nhí châu Phi tập luyện trên sân với ước mơ đổi đời.

Tuy nhiên, đời không như là mơ. Con đường sang châu Âu lúc nào cũng gập ghềnh và số phận không mỉm cười cho tất cả những ai bước chân lên chuyến tàu mang biển số hành-trình-đi-tìm-cơ-hội. Thay vì được tuyển mộ và tập luyện ở một đội bóng nào đó chuyên nghiệp, nhiều chàng trai trẻ bị bỏ rơi và mắc kẹt ở một quốc gia nào đó bởi các tay cò sau khi đồng ý ra nước ngoài trong một vụ trao đổi có giá chỉ vài ngàn euro. Thống kê của tổ chức từ thiện Foot Solidaire cho kết quả khoảng 15.000 cầu thủ trẻ rời Tây Phi mỗi năm với hy vọng đổi đời. Song, chuyên gia di cư James Esson, giảng viên khoa địa lý nhân văn của trường đại học Loughborough tại Anh, lại nhận định con số thực tế còn cao hơn thế.

Theo ông, các cầu thủ trẻ thường bị mắc bẫy khi rơi vào các học viện nhỏ, không có giấy phép hoạt động và được vận hành bởi những người giả danh đại diện bóng đá. Ban đầu, các công ty này dùng lời đường ngọt để rót vào tai các mảnh đời đi tìm cơ hội trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, sau đó lợi dụng họ làm công cụ kiếm tiền. Giải thích cụ thể hơn về vấn đề này, ông Esson cho biết: “Khi đánh vào tâm lý là sự kết hợp của những chàng trai muốn rời châu Phi để thực hiện giấc mơ trở thành “Samuel Eto'o hay Didier Drogba tiếp theo” và rất muốn kiếm tiền, các cầu thủ trở thành con mồi rất lý tưởng cho các tay buôn người khai thác. Theo thời gian, điều đó trở thành vấn nạn lớn khi dân số bùng nổ, bởi nhiều đứa trẻ sẽ bỏ học để theo nghiệp bóng đá, đặt hy vọng vào những môn thể thao như một cách để cải thiện cuộc sống”.

Một tay cò cho rằng mình là quản lý bóng đá.

Một tay cò cho rằng mình là quản lý bóng đá.

Chuyên gia Esson đưa ra quan điểm trên trong hội nghị của Foot Solidaire diễn ra ở Dakar (Senagal) hòng bảo vệ các cầu thủ trẻ châu Phi sau khi cựu cầu thủ từng chơi bóng ở Premier League, Al Bangura tiết lộ bản thân từng là nạn nhân của bọn buôn người khi còn là một cậu bé trong chuyến tàu tới Anh, nơi anh trốn thoát thành công sau khi bị đưa vào nhà chứa. Nạn buôn bán cầu thủ trẻ bất hợp pháp đang tăng vọt những năm gần đây cũng vô tình tạo điều kiện cho bọn tội phạm trong lĩnh vực này hoành hành. Ngoài ra, các điều luật thiếu chặt chẽ trong mua bán cầu thủ vị thành niên của FIFA, cộng thêm các Cơ quan bóng đá đầy rẫy tham nhũng và thiếu quyết đoán trong cách xử phạt cũng vô tình tiếp tay cho tệ nạn.

Hiểm họa ở khắp nơi

Ở Sierra Leone, thu nhập dành cho các cầu thủ ở giải đấu cao nhất chỉ từ 70 USD đến 100 USD/tháng. So với mức lương dành cho cầu thủ tại Premier League, con số đó chỉ bằng số tiền họ kiếm được trong 1 giờ đồng hồ nếu chiếu theo mức lương 80.000 USD/tháng. Sự hấp dẫn của đồng tiền trở thành nỗi khao khát của những cầu thủ trẻ châu Phi. Theo đó, họ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ miễn là có thể ra nước ngoài thi đấu hòng tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. “Miền đất hứa không chỉ nằm ở duy nhất châu Âu, thậm chí thị trường châu Á, Trung Đông và Ai Cập cũng có thể giúp các cầu thủ trẻ kiếm tiền nhiều hơn Tây Phi,” ông Essen cho biết.

Một cầu thủ trong học viện này từng được trả mức lương 200 USD/tháng,

Một cầu thủ trong học viện này từng được trả mức lương 200 USD/tháng,

Trước tâm lý đó, nhiều cầu thủ trẻ dễ sập bẫy bọn buôn người. Hồi tháng 2 năm nay, hơn 20 chàng trai người Liberia bị lừa xuất khẩu sang Lào, quốc gia có thứ hạng bóng đá theo FIFA còn kém hơn cả Sierra Leone và Liberia. Tại đây, bọn trẻ phải sống trong các điều kiện rất khó khăn. Chúng ngủ ngay sân vận động và chỉ được ăn hai bữa mỗi ngày, theo Hiệp hội FIFPro. Sau khi nhận ra thiên đường không như những gì được nghe hay theo dõi qua truyền hình, một nhóm cầu thủ đã tới gặp ban lãnh đạo đội bóng Idsea Champasak United để bày tỏ mong muốn được về nhà. Song, câu trả lời họ nhận được lại thật phũ phàng khi bị buộc phải thanh toán mọi chi phí mà CLB đã chi trả suốt thời gian qua. Điều này khiến họ rơi vào cái bẫy bản thân không ngờ tới.

“Có nhiều CLB tự xưng học viện bóng đá nhưng thực chất là tổ chức buôn trẻ em. Có thể hơi gay gắt khi nói như vậy, tuy nhiên, tính chất cũng giống như bề nổi của tảng băng,” Anthony Baffoe, Tổng thư ký Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp ở Ghana, nói. Điều luật của FIFA ngăn không cho các cầu thủ chuyển đến các CLB nước ngoài hay học viện trước 18 tuổi, trừ một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, nhiều học viện và các công ty đại diện cầu thủ lại chưa đăng ký giấy phép kinh doanh, theo đó, họ có thể lách luật và tạo ra bức bình phong hoàn hảo tránh khỏi cuộc điều tra, nhiều chuyên gia bình luận.

Các cầu thủ châu Phi ngủ ngay trong sân vận động.

Các cầu thủ châu Phi ngủ ngay trong sân vận động ở một học viện bóng đá.

Cũng theo phần đông ý kiến từ các nhà phân tích, dù FIFA đang tiến hành hợp tác với các Liên đoàn bóng đá và chính phủ để giảm thiểu tình trạng buôn trẻ em ra nước ngoài, song, thực hiện điều đó không đơn giản. Thật vậy, tổ chức này đang trong tâm bão của nạn tham nhũng và liên tục bị điều tra. Điều này khiến họ khó giải quyết được mọi chuyện. Biện pháp duy nhất để ngăn tình trạng buôn trẻ em bùng nổ chỉ còn nằm ở các cơ quan quản lý người nhập cư. Theo đó, họ phải kiểm soát số lượng những cậu bé nhập cư ở các biên giới và tiến hành điều tra và truy bắt bọn buôn người từ châu Phi vào các quốc gia châu Âu.

Ngoài ra, nỗ lực trên chỉ phát huy hiệu quả tối đa nếu từ chính các quốc gia nơi các cầu thủ sinh sống có thể ngăn chặn nạn tham nhũng. Được biết, chính phủ ở khu vực Tây Phi thường bắt tay với tổ chức buôn người để làm giả hộ chiếu và giấy khai sinh cho các cầu thủ trẻ. Cụ thể, nhiều gương mặt còn búng ra sữa nhưng bị làm giả khai sinh thành trên 18 tuổi để bọn buôn người dễ dàng thực hiện trót lọt các phi vụ, Ed Hawkins, tác giả cuốn The Lost Boys: Inside Football's Slave Trade, cho biết. Nhưng trên hết, rào cản lớn nhất để nạn buôn người không leo thang còn nằm ở ý chí các cầu thủ trẻ khi họ phải cưỡng lại sự hấp dẫn, cũng như quyền lực mà bóng đá mang đến.

“Các nạn nhân luôn bị nhử bằng miếng mồi rất ngon. Họ cũng luôn khao khát ra đi và tạo dựng tên tuổi. Thi đấu ở một nơi có thu nhập khá là ước mơ của bao cầu thủ trẻ và họ không thể nào nhắm mắt làm ngơ được,” Ed Hawkins viết.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất