Nhưng từ sự sôi động, náo nhiệt quen thuộc của bóng đá thì nhịp sống ở Pleiku ngày hôm qua khá yên lặng, thưa thớt bóng người, thỉnh thoảng bắt gặp những chiếc xe taxi chở khách nhưng không phải vội vã hay tấp nập theo nghĩa giá trị kép nhờ bóng đá.
11 giờ trưa cùng ngày diễn ra trận HAGL - Hà Tĩnh, thành phố Pleiku vẫn tĩnh lặng, không có sự nhộn nhịp và đầy hối hả của ngày hội bóng đá. Đó là sự đáng tiếc khi sự bùng phát dịch Covdi-19 đã khiến cho trận đấu của HAGL không được phép đón khán giả đến sân.
Tôi có nhắn tin hỏi một vài CĐV thân thuộc của HAGL. Họ nói nhiều khán giả từ TPHCM đã quay xe trở lại dù đi được 1/3 chặng đường đến Gia Lai, khi BTC sân Pleiku thông báo không đón người hâm mộ vào sân ở trận mở màn trên sân nhà do dịch Covid-19.
Buổi trưa cùng ngày, tôi cùng một số đồng nghiệp đi tìm quán ăn. Tất cả đều treo biển: Tại đây bán mang về. Từ các quán cơm đến hàng phở, cà phê đều không mời khách vào quán. Gia Lai trong ngày có đại tiệc bóng đá phải rơi vào cảnh tượng yên tĩnh như thế. Tất cả như dừng lại và bao trùm nỗi nhớ của hơi thở bóng đá. Bởi còn gì buồn hơn khi bóng đá thiếu đi thứ quý giá nhất là sự sôi động của CĐV.
Chúng tôi hay đến Gia Lai tác nghiệp vì mỗi trận đấu ở sân Pleiku là ngày hội bóng đá, một sự cuồng nhiệt theo đúng vũ điệu của người dân Cao Nguyên mà không thể tìm thấy ở TPHCM, Bình Dương. Người Gia Lai rất yêu bóng đá, từ các em nhỏ đến các tài xế taxi, các cụ già… đều mê bóng đá. Họ đã quen thuộc với chuyện mỗi tuần đến sân Pleiku xem CLB HAGL của bầu Đức thi đấu trong 20 năm qua. Chúng tôi “thèm” được tác nghiệp trong bầu không khí như thế, bởi bóng đá phải sôi động và cuồng nhiệt trên khán đài.
Tôi nhớ thời điểm này ở năm ngoái, Gia Lai trở thành nơi ồn ào và náo nhiệt nhất nhờ bóng đá. Làng túc cầu thế giới “đóng băng” vì Covid-19 thì sân Pleiku rơi vào cảnh dòng người xếp hàng dài hơn cả cây số để mua vé xem trận HAGL - Hà Nội. Khán giả cả nước kéo về phố Núi đông đến mức BTC sân Pleiku phải lắp màn hình led cho người hâm mộ theo dõi trận đấu ở bên cạnh sân.
Nhịp sống bóng đá sôi động đến mức giám đốc điều hành CLB HAGL - ông Nguyễn Tấn Anh tâm sự với tôi rằng: “Mấy ngày qua tôi vừa mệt vừa vui. Mọi người đến Học viện bóng đá HAGL tham quan rất đông, ngày nào cũng đón nhiều người hâm mộ. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao cho CLB HAGL và chúng tôi luôn tự nhắc nhở phải cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày”.
Sự cộng hưởng rất lớn là Gia Lai đón thêm hàng nghìn khách du lịch. Hàng quán, xe dịch vụ tấp nập chạy ngược xuôi. Các khách sạn, nhà nghỉ đón khách đông đúc… Có thể nói CLB HAGL góp một phần khá lớn làm “đòn bẩy” cho nhiều ngành nghề ở Gia Lai hưởng lợi, hái ra nhiều tiền theo đúng nghĩa phát triển kinh tế từ sức hút của bóng đá.
Cũng từ suy nghĩ về giá trị bóng đá mang lại cho Gia Lai, bầu Đức đã nâng tầm hình ảnh cho CLB HAGL ở mùa này. Ông cho tu sửa sân Pleiku, lắp màn hình led… Mục đích là muốn đội bóng phố Núi đẹp toàn diện về mọi mặt, là “sân khấu ngoại hạng” để khán giả cả nước về xem bóng đá sẽ được sướng, càng thổn thức về vẻ đẹp bóng đá - “đặc sản” ở Gia Lai.
Bầu Đức luôn quan điểm rằng: “Tôi từ lâu đã không đặt nặng chuyện thắng thua, quan trọng là cống hiến và phục vụ cho khán giả. Chỉ cần người hâm mộ đến sân đông, xem bóng đá cảm thấy sướng thì tôi hạnh phúc”.
Tất cả rất đẹp và ý nghĩa. Nhưng hôm qua chỉ tiếc là CLB HAGL chưa thắng, và chưa thể đón khán giả. Dù biết chỉ là sự tạm thời nhưng nhiều người cảm thấy nhớ bầu không khí sôi động và vẻ đẹp bóng đá trên sân Pleiku đầy ắp khán giả.