Bây giờ họ đã phát triển trở thành những tiền đạo lùi hay những cầu thủ chạy cánh với đôi chân ma thuật như là hệ quả của một tư tưởng chung: Tất cả đều phải gây áp lực; tất cả đều phải có trách nhiệm phòng ngự.
Các dạng cầu thủ kiến thiết theo kiểu truyền thống đã chết; khởi đầu cho sự chấm dứt đó có lẽ là khoảng thời gian giữa kì World Cup Italia 90 khan hiếm bàn thắng và Euro 92 chẳng mấy vui vẻ. Lo lắng việc gia tăng xu hướng phòng ngự, FIFA quyết định cấm việc thủ môn cầm bóng từ một tình huống chuyền ngược trở lại có chủ đích hay cố gắng triệt hạ đối thủ bằng cách tắc bóng từ phía sau.
Tuy nhiên, trong buổi hoàng hôn của những cầu thủ kiến thiết, một vài ngôi sao vẫn tỏa sáng rực rỡ. Diego Maradona vẫn chiến thắng con quỷ bên trong chính con người mình, ít nhất là cho Napoli; Michael Laudrup giúp đất nước Đan Mạch vụt sáng, Nam Tư phát sốt vì Dragan Stojkovic và thế hệ vàng của Bỉ được tiếp nối bởi người thủ lĩnh Enzo Scifo. Còn Romania, quốc gia ấy được truyền cảm hứng bởi một người đàn ông mà họ xem là cầu thủ kiến thiết vĩ đại nhất châu Âu trong kỷ nguyên hiện đại: đó là Gheorghe Hagi.
THẦN TƯỢNG CỦA ROMANIA
Ở Bucharest, không thể nói điều gì khác về ông ngoài sự kính trọng. Để thể hiện vị trí của ông trong xã hội Romania, khi tạp chí Hustler phát hành một ấn bản tiếng Romania bảy năm trước, ông được chọn làm gương mặt trang bìa: Gheorghe Hagi là người Romania nổi tiếng nhất từ trước tới nay.
Ở một đất nước mà phe cực hữu có một ảnh hưởng rất lớn và những dấu hỏi về nguồn gốc xuất thân liên tục được dấy lên thì điều đặc biệt nhất là tuy Hagi được ca ngợi tới mức độ cao như vậy nhưng lại không phải là người gốc Romania. Ông là người Aromania, một phần của nhóm khoảng 2 triệu người nằm rải rác khắp Đông-Nam châu Âu. Họ là hậu duệ của những người Balkans bản xứ bị Latin hóa sau cuộc xâm lược của người La Mã.
Họ bị hành hạ trong những cuộc tranh chấp biên giới sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc. Năm 1932, ông nội của Hagi là một trong 40000 người Aromania rời Hy Lạp để đến Romania. Ông dựng nhà tại một ngôi làng ở Sacele, gần Constanta nằm bên bờ Biển Đen. Hagi vẫn nhớ những kỷ niệm về người ông của mình - một người mà như biết bao người Aromania khác cũng làm nghề chăn cừu.
“Tôi rất tự hào khi ông, người cũng được gọi là Gheorghe giống tôi, đã bảo tôi đi và giành cả ngày với ông để chăm những con cừu,” ông nói. “Tôi thích ăn pho mát và cà chua cùng ông, và đến bây giờ đó vẫn là thức ăn yêu thích của tôi.”
“MARADONA CỦA CARPATHIAN”
Chính ông nội là người đưa Hagi đến với thể thao. Ông đã tặng cho người cháu của mình một quả bóng được làm từ bờm ngựa. “Khi mẹ tôi tặng tôi quả bóng đúng nghĩa đầu tiên thì đó là vào dịp Giáng sinh,” Hagi nói. Ông chơi bóng hàng giờ liền cho đến khi kết thúc, thường là với những đứa trẻ lớn tuổi hơn. Điều này gây ra một chút rắc rối khi ông dần cho thấy mình giỏi hơn những người khác dù tầm vóc thì kém hơn họ.
“‘Biến khỏi đây, mày là thằng nhóc bẩn thỉu,’ họ thường hét vào mặt tôi như thế,” Hagi nói. ‘Mày ở đây để biến bọn tao thành lũ ngu phải không?’ Họ không hiểu rằng đó chỉ là phong cách chơi bóng của tôi mà thôi; tôi không bao giờ muốn làm nhục đối thủ”. Họ chỉ là những người đầu tiên bị mê hoặc bởi tốc độ và sự kì diệu của cái chân trái mà từ đó nó giúp cậu bé ấy có biệt danh “Maradona của Carpathian”.
Nhưng cha của Hagi, Iancu, lại phản đối một cách gay gắt hơn với sự nghiệp bóng đá đang chớm nở của ông. “Ông ấy bảo tôi phải đến trường,” Hagi nói, “không được quanh quẩn với trái bóng cả ngày và sau đó bảo mọi người cho tôi ăn cái gì đó vì lòng trắc ẩn.” Hagi được Farul, đội bóng địa phương của Constanta lựa chọn.
Đến năm 15 tuổi, ông được mời đến Luceafarul ở Bucharest, một trường học dành cho những tài năng đặc biệt nhằm tạo ra một đội tuyển quốc gia mạnh nhất. Iancu không thích điều đó, và ông không cho phép con trai mình đến thủ đô nếu không có một quan chức từ liên đoàn bóng đá đến Constanta và đưa cho ông những yêu cầu cụ thể.
Mặc dù vậy cơ sở vật chất ở Luceafarul rất nghèo nàn, những đứa trẻ sống trong kí túc xá bị chuột hoành hành. “Thật không thể tin được khi phải sống trong điều kiện như thế,” ông nói, “nhưng ước mơ của tôi là một ngày nào đó sẽ được chơi cho một câu lạc bộ lớn và đội tuyển quốc gia mạnh mẽ.”
TÀI NĂNG HỨA HẸN
15 tuổi, Hagi đã có màn ra mắt cho đội tuyển trẻ Romania ở Montaigu, Pháp và gây ấn tượng rất lớn với những câu lạc bộ nước ngoài đang muốn chiêu mộ ông. Nhưng luật của Romania lại cấm những đứa trẻ rời đất nước, và Hagi khẳng định rằng mình không thể nào đi được. “Những lời mời rất hấp dẫn nhưng phải sống xa cha mẹ và các chị là điều không thể,” ông nói. “Người Aromania chúng tôi có sự kết nối gia đình rất mạnh mẽ và mối quan hệ của chúng tôi là điều quan trọng nhất. Vì thế tôi đã nói không với những câu lạc bộ nổi tiếng như Barcelona, Juventus, Internazionale và Saint-Etienne.”
Thay vào đó, ông trở về Constanta năm 16 tuổi và sau một giai đoạn ở học viện trẻ, ông đã có màn ra mắt đội một mùa giải 1982/1983. “Tôi đã nói với mọi người rằng hãy nhìn vào cậu bé này,” Iosif Bukossy, huấn luyện viên đầu tiên của Hagi, nhớ lại. “Tôi biết cậu bé đó sẽ sớm trở thành một trong những cầu thủ giỏi nhất thế giới. Cậu ta có thể làm mọi thứ với trái bóng. Xem cậu ta chơi bóng giống như đang xem một câu chuyện cổ tích vậy.”
Nhưng dù thế thì Farul cũng chỉ là một đội bóng nhỏ chưa bao giờ kết thúc mùa giải cao hơn vị trí thứ tư trên bảng xếp hạng và việc Hagi ra đi là điều không thể tránh khỏi. Một bản hợp đồng đã được đồng thuận để đưa ông đến với Universitatea Craiova, khi đó đang ở vào thời kì đỉnh cao trong một giai đoạn ngắn ngủi của họ, nhưng có lẽ là vì mối liên hệ của Nicu Ceausescu (con trai nhà độc tài Nicolae Ceausescu) ở Sportul Studentesc, khiến ông quyết định chuyển tới đó.
Khả năng chắc chắn không còn phải nghi ngờ, thế nhưng những dấu hỏi được đặt ra liên quan đến thể chất của Hagi. Ông chỉ cao 5ft 9in (khoảng 1m75) và những bài kiểm tra ở Sportul còn cho biết tim và phổi của ông kém phát triển hơn bình thường với một vận động viên. Suốt một thời gian dài, ông đã phải kí vào một biên bản trước mỗi trận đấu để giảm nhẹ bớt trách nhiệm của câu lạc bộ nếu ông gặp bất cứ tình huống xấu nào trên sân.
BƯỚC VÀO TUỔI TRƯỞNG THÀNH
Một khi ông đã chơi bóng thì đừng hòng cản ông lại. Trong bốn mùa giải ở đây, ông ra sân 107 lần và ghi 98 bàn thắng. 18 tuổi, ông được triệu tập lên đội tuyển quốc gia cho trận giao hữu với Na Uy. Hai năm sau, ông được đeo băng thủ quân lần đầu tiên ở vòng loại World Cup trước Bắc Ireland. Tuy nhiên, danh tiếng đó không phải là tất cả những gì ông có được. Ở tuổi 19, Hagi từng bị một viên cảnh sát bắt ở thị trấn Transylvanian của Sibiu vì trông ông giống với một tên trộm bị truy nã.
Dù được Nicu Ceausescu đỡ đầu nhưng Sportul có lẽ không bao giờ có thể hy vọng thách thức những danh hiệu lớn. Và việc Hagi chuyển tới Steaua, nơi mà Valentin (anh trai của Nicu) làm giám đốc thể thao, là việc không thể tránh khỏi. Điều bất ngờ duy nhất là việc cuộc chuyển nhượng này diễn ra sau khi đội bóng đã vô địch European Cup. Ban đầu Hagi đến đây với bản hợp đồng cho mượn có thời hạn một năm để thi đấu trận chung kết Siêu cúp châu Âu trước Dynamo Kyiv, thế nhưng sau khi ghi bàn thắng duy nhất trong trận đấu từ một cú đá phạt trực tiếp, ông đã không bao giờ trở lại đội bóng cũ nữa.
Ông tỏa sáng trong một đội bóng đặc biệt dù bước đầu không hoàn toàn dễ dàng. “Cậu ấy quá cá nhân,” Valentin thừa nhận. Trong khi đó các thành viên chủ chốt từng giành chức vô địch European Cup (dựa vào những đường chuyền sắc bén và di chuyển thông minh) đã tỏ ra thất vọng rằng đây đã trở thành đội bóng của Hagi.
Tuy nhiên, Steaua tiếp tục thống trị ở trong nước, họ thiết lập chuỗi 104 trận bất bại ở giải vô địch quốc gia và giành ba chức vô địch quốc gia liên tiếp bổ sung vào hai danh hiệu trước khi Hagi đến. Họ lọt vào bán kết European Cup một lần nữa và sau đó trận chung kết đã chứng minh rằng chiến thắng của Steaua trước Barcelona năm 1986 không phải may mắn. Điều đó cũng bảo đảm cho hồ sơ của Hagi đã đủ tốt để có thể đi ra nước ngoài thi đấu sau khi biến giới Romania đã được mở nhờ sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.
RA NƯỚC NGOÀI THI ĐẤU
Một sự kiện có ý nghĩa với Hagi chính là vụ tai nạn xảy ra trên con đường băng gần Constanta vào mùa đông năm 1989. Ông đang di chuyển trên một chiếc Mitsubishi do người bạn thân Darius Handrea của mình lá thì bánh xe trượt đi và bị đâm. Chiếc xe bị lật và hư hỏng. Cả hai đã thoát ra khỏi xe mà “không có gì ngoài sợ hãi” như Hagi nói. “Buổi chiều hôm ấy, tôi đã chào đời lần thứ hai.”
Hagi tiến gần tới việc gia nhập Juventus vào năm 1988 bằng một bản hợp đồng mà hãng xe hơi Fiat sẽ được mở một nhà máy gần Bucharest. Kế hoạch này đã bị loại bỏ vì nó “quá tư bản chủ nghĩa”. Năm 1990, ông gia nhập Real Madrid - nhưng vận đen thì đã tích tụ lại trước khi ông đến đây.
Hagi có một kì World Cup không tốt, và khi ông tỏ ra lúng túng trước hàng phòng ngự dày đặc của Cộng hòa Ireland, đã có những người cho rằng ông không phải quá giỏi nếu bước ra khỏi giải vô địch Romania. “Thật không công bằng,” ông nói về thất bại trong loạt sút luân lưu ở vòng hai trước người Ireland. “Chúng tôi có tất cả cơ hội và thậm chí các cầu thủ Ireland cũng nói chúng tôi xứng đáng giành chiến thắng. Tôi cảm thấy vô cùng cay đắng khi nghĩ tới trận đấu đó một thời gian dài sau này.”
Lương duyên ở thành Madrid không đi quá xa. Mùa giải 1990/1991, Hagi chỉ có ba pha lập công và dường như còn gặp khó khăn khi phải thích nghi với cuộc sống bên ngoài “lớp kén” của Steaua. Mùa giải tiếp theo ông có thi đấu tốt hơn khi có tổng cộng 12 bàn thắng.
Trong trận đấu cuối cùng của mùa giải, ông có một pha lập công và kiến tạo một bàn để đưa Real vượt lên dẫn trước Tenerife 2-0 trước khi đội bóng của ông sụp đổ khi để thua ngược 2-3 và dâng chức vô địch cho Barcelona. “Tôi hiểu rằng định mệnh của tôi không ở cùng với Real,” Hagi nói dù bàn thắng ghi vào lưới Osasuna vẫn còn tồn tại rất lâu trong kí ức của sân Bernabeu.
SÂN KHẤU BÓNG ĐÁ THẾ GIỚI
Ông ra đi và tham gia vào cuộc cách mạng Romania của Mircea Lucescu cùng với Sabau và Florin Raducioiu tại Brescia ở Serie B. “Tôi nghĩ Real không phải một bước đi tốt của cậu ấy,” Lucescu nói.
“Đó đáng lẽ phải là đỉnh cao sự nghiệp của cậu ấy nhưng cậu ấy ra đi một cách đơn độc và cậu ấy là một cầu thủ cần cảm xúc. Những cầu thủ như cậu ấy đều là những người nghệ sĩ. Họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Họ có thể ghi bàn từ bất cứ vị trí nào; có thể khiến cả đội đi xuống. Họ tạo ra thứ cảm xúc đam mê của bóng đá.” Tuy nhiên, Hagi cũng không đạt được phong độ cao nhất ở Brescia và dù đội bóng được thăng hạng năm 1993 thì ngay năm sau đã phải xuống hạng. “Giống như tất cả những tài năng xuất chúng khác,” Lucescu nói, “cậu ấy gặp vấn đề để giữ sự ổn định”.
Như một “thói quen”, nỗi buồn xuống hạng ngay lập tức được tiếp nối bằng khoảng thời gian sung sức nhất của Hagi. World Cup tại Mỹ, ông thực sự thi đấu quá tuyệt vời. Bàn thắng vào lưới Colombia ở vòng bảng là một cú sút cầu âu tuyệt vời, bóng bay vào góc xa khung thành bên trái của thủ môn Oscar Cordoba.
Ông đạt đến phong độ đỉnh cao ở vòng 16 đội trên sân Rose Bowl ở Pasadena khi ghi bàn để góp phần vào chiến thắng 3-2 huyền thoại trước Argentina. Thụy Điển loại Romania trên chấm luân lưu ở vòng tứ kết và điều này dẫn tới một phản ứng rất tức giận của Hagi. “Chúng tôi là những người Latin,” ông nổi nóng. “Chúng tôi thích chơi với trái bóng để trình diễn. Chúng tôi không đổ bê tông giống người Đức.”
Màn trình diễn xuất sắc ở World Cup đã thuyết phục Barcelona trao cho ông một cơ hội trở lại Tây Ban Nha. Nhưng rồi một lần nữa, ông lại thi đấu với phong độ chật vật. “Tôi là đồng đội của anh ấy chỉ trong một thời gian ngắn,” cựu tiền vệ Pep Guardiola nói. “Anh ấy rất tuyệt vời nhưng tiếc là huấn luyện viên Johan Cruyff của chúng tôi lại muốn anh ấy nỗ lực nhiều hơn. Đó là một vấn đề hết sức nghiêm túc vì anh ấy không thể vừa tấn công vừa phòng ngự, vì thế Cruyff không thể tìm được chỗ đứng cho anh.”
MỘT DI SẢN BỀN VỮNG
Và như thế, sự nghiệp thi đấu tại các giải vô địch lớn ở Tây Ây của Hagi đã khép lại. Ông tận hưởng một “mùa hè Ấn Độ” ở Galatasaray, giành bốn chức vô địch quốc gia, hai cúp quốc gia và có lẽ quan trọng nhất là UEFA Cup 2000 khi Hagi bị đuổi khỏi sân trong trận chung kết trước Arsenal. Nổi nóng luôn là một phần con người của ông - “vì cậu ấy muốn giành chiến thắng, không phải vì cậu ấy thích gây gổ,” Lucescu khẳng định.
Còn cựu tiền đạo Hakan Sukur thì chia sẻ. “Anh ấy mang động lực thành công đến cho đội bóng của chúng tôi. Chưa bao giờ một đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ tin vào sức mạnh của họ cả. Nhưng anh ấy đã dạy chúng tôi chiến đấu. Và trong đời mình tôi chưa bao giờ thấy bất cứ ai giống như anh ấy khi chơi bóng.”
Cuối cùng, tốc độ của ông không còn nhưng ngọn lửa bên trong thì vẫn cháy sáng. Ông bảo thủ và không hài lòng khi bóng đá bước vào giai đoạn chuyển giao nhưng lại càng tức giận hơn nữa khi những kiểu cầu thủ như ông đang trở nên lỗi thời. “Ngày nay bạn có thể được xem là giỏi nếu bạn có thể lực tốt và chạy nhanh,” ông nói. “Nhưng còn kỹ thuật cá nhân thì sao?” Trước khi giải nghệ, ông ít nhất vẫn cho thấy mình có thể truyền cảm hứng cho các đồng đội (và cả người Anh) như thế nào ở Euro 2000.
Khi được đặt câu hỏi vào năm 2003 rằng tại sao ông chưa bao giờ được là Cầu thủ xuất sắc nhất năm của châu Âu, Hagi trả lời: “Vì tôi sinh ra ở Romania.” Có lẽ năm tháng thất bại ở Tây Ban Nha đã chống lại ông. Nhưng nếu được đặt trong một môi trường mà ông thấy thoải mái, ông sẽ tỏa sáng rực rỡ: một tài năng dễ nổi nóng; một trong những cầu thủ kiến thiết cuối cùng và vĩ đại nhất của châu Âu. “Đôi khi tôi bật băng hình lên và xem các bàn thắng chúng tôi ghi được. Bây giờ tôi vẫn khóc như khi tôi khóc ở trên sân. Anh ấy quả thực là một thiên tài,” Hakan Sukur nói.