Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Forbes: Bóng đá Trung Quốc nghĩ gì về sự thành công của U23 Việt Nam?

Theo nhận định của tạp chí Forbes, thành công mà U23 Việt Nam có được tại giải U23 châu Á 2018 khiến người Trung Quốc phải ngưỡng mộ và có phần ghen tị.

Tạp chí Forbes đưa tin, U23 Việt Nam đã lần lượt “quật ngã” những tên tuổi lớn của bóng đá châu Á như U23 Australia, U23 Iraq, trước khi đánh bại đối thủ đến từ đất nước siêu giàu là U23 Qatar để thẳng tiến vào trận chung kết. Ở trận tranh ngôi vô địch, thầy trò HLV Park Hang Seo tiếp tục thi đấu kiên cường và chỉ chấp nhận để thua U23 Uzbekistan đúng vào phút 120.

Những màn trình diễn vô cùng ấn tượng của U23 Việt Nam đã thu hút sự chú ý của giới chuyên môn và người hâm mộ khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, thành công của Xuân Trường và các đồng đội đạt được có thể khiến nước chủ nhà Trung Quốc cảm thấy ghen tị.

U23 Việt Nam gặt hái thành công ngoài mong đợi tại giải U23 châu Á 2018.

Mấy năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền vào công tác phát triển bóng đá. Tuy nhiên, ở giải đấu vừa qua, chủ nhà U23 Trung Quốc phải dừng bước ngay từ vòng bảng khi chỉ có được 3 điểm sau 3 trận. Dường như, các khoản đầu tư này đã “trôi sông, đổ biến”.

Theo nhận định của August Rick, tác giả bài viết, cấu trúc của nền bóng đá Việt Nam và Trung Quốc khá tương đồng. Cả 2 nước đều có lượng fan hâm mộ hùng hậu và cuồng nhiệt. Tuy vậy, tình yêu của họ phần lớn đều dành cho các đội bóng châu Âu. Trong vòng 2 thập kỷ qua, ĐTQG của 2 nước luôn có sự trồi sụt về thứ hạng nhưng chưa bao giờ được công nhận là đội bóng mạnh nhất khu vực.

“Đổ tiền” vào bóng đá

U23 Trung Quốc bị loại ngay từ vòng bảng.

Tham vọng của chính quyền Trung Quốc là đưa nền bóng đá nước này trở thành siêu cường vào năm 2050. Vì vậy, họ đã mạnh tay đầu tư rất nhiều tiền bạc vào công việc đào tạo và phát triển nền bóng đá. Thế nhưng, các nhà phân tích lo ngại rằng, chiến lược phát triển sai lầm có thể đánh mất đi niềm đam mê của người hâm mộ ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tháng 3/2016, học viện bóng đá trị giá 185 triệu USD đã được Trung Quốc xây dựng tại Quảng Châu với quy mô đào tạo tối đa 2.800 học viên. Tuy vậy, nếu muốn gửi con vào lò đào tạo này, các bậc phụ huynh phải chi ra số tiền 60.000 nhân dân tệ/năm (tương đương 9.200 USD).

Với kinh phí đào tạo đắt đỏ, không phải người dân Trung Quốc nào cũng có thể cho con theo họ, bởi mức giá này cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người ở quốc gia này vào năm 2016.

Ở những thành phố lớn của Trung Quốc (nơi tập trung nhiều người Hán sinh sống), bóng rổ là môn thể thao được yêu thích nhất. Trong khi đó, bóng đá lại được các dân tộc thiểu số ở phía Tây nước này hâm mộ.

Ngoài ra, việc những tỷ phú thôn tính các đội bóng lớn ở Trung Quốc khiến các CLB hàng đầu tại Chinese Super League thường phải đổi tên hoặc thậm chí chuyển đại bản doanh. Điều đó khiến họ mất đi thương hiệu truyền thống cũng như các fan hâm mộ. Thậm chí, logo của các đội bóng này còn phải thay đổi theo ý của chủ đầu tư.

Những năm gần đây, các CLB lớn ở Chinese Super League đã đổ rất nhiều tiền của để thuê HLV ngoại và chiêu mộ nhiều cầu thủ tên tuổi ở Nam Mỹ, châu Âu và châu Phi với hy vọng nâng cao chất lượng giải đấu. Tuy nhiên, các HLV đang làm việc tại Trung Quốc đều chưa đáp ứng được sự kỳ vọng.

Sự xuất hiện của những ngôi sao như Hulk (trái) và Oscar chưa thể giúp bóng đá Trung Quốc nâng tầm đẳng cấp.

Trong khi đó, sự xuất hiện của những ngôi sao như Hulk, Oscar, Carlos Tevez, Alexandre Pato, Graziano Pelle, John Obi Mikel, Axel Witsel… lại thu hút nhiều sự chú ý hơn việc nâng cao chất lượng giải đấu cũng như giúp các cầu thủ bản địa có thể nâng cao trình độ và kỹ năng chơi bóng.

Bên cạnh đó, việc mua cầu thủ nước ngoài ồ ạt với mức phí chuyển nhượng cùng tiền lương cao ngất ngưởng khiến các CLB lớn ở Trung Quốc không chú tâm vào việc đào tạo cầu thủ trẻ và sử dụng những cầu thủ bản địa. Lịch sử làng túc cầu thế giới đã chứng minh rằng, việc các CLB sử dụng cầu thủ bản địa sẽ giúp họ có thêm bản sắc.

Mặt khác, các cầu thủ bản địa thường có tinh thần chiến đấu và sự đoàn kết cao hơn so với các “lính lê dương”. Ngoài ra, những giải VĐQG có nhiều cầu thủ bản địa xuất sắc sẽ giúp ĐTQG của họ có nguồn nhân lực dồi dào. Điều đó đã được bóng đá Tây Ban Nha chứng minh trong những năm gần đây.

HAGL luôn đóng góp nhiều cầu thủ ở các cập độ đội tuyển của Việt Nam.

Chiến lược dài hạn của bóng đá Việt Nam

Năm 2007, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã hợp tác với CLB Arsenal để thành lập lò đào tạo cầu thủ trẻ HAGL - Arsenal JMG. Đến tháng 6/2017, HAGL chính thức chấm dứt hợp tác với “Pháo thủ” thành London. Vì vậy, học viện của họ cũng được đổi tên thành HAGL - JMG.

Chương trình đào tạo này được các HLV của Arsenal tư vấn về kỹ thuật. Hầu hết các HLV đều xem trọng lối đá kỹ thuật, khả năng xử lý tình huống và tinh thần thể thao của cầu thủ, chứ không bận tâm quá nhiều đến kích thước nơi ở của cầu thủ hay số lượng các sân tập.

Chiến lược phát triển của HAGL đã thu được thành công lớn sau 10 năm. Hồi năm 2018, có thời điểm, họ góp mặt tới 18 cầu thủ trong thành phần U23 Việt Nam. Ở cấp độ ĐTQG, số cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo HAGL - JMG được lên tuyển ngày càng tăng. Tại FIFA U20 World Cup 2017, Việt Nam cũng là đại diện duy nhất của Đông Nam Á góp mặt.

Sau thành công của học viện HAGL - JMG, các học viện bóng đá khác đã được thành lập ở một số địa phương. Bên cạnh đó, số lượng các CLB địa phương ở Việt Nam cũng tăng lên khắp cả nước. Thậm chí, dù bị chỉ trích nhưng các đội bóng ở Việt Nam vẫn luôn ưu tiên cho những HLV nội thay vì bỏ ra nhiều tiền để thuê HLV ngoại.

Cách làm bóng đá của người Trung Quốc khiến uy tín và tài năng của các cầu thủ ngày càng giảm sút. Trái lại, bóng đá Việt Nam đang sở hữu lứa cầu thủ trẻ tài năng và đầy hứa hẹn.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hữu Chí

Được quan tâm

Tin mới nhất