Đứt dây chằng đang là một cơn ác mộng thực sự với các tuyển thủ Việt Nam. Nếu chỉ tính riêng đội hình đã làm nên lịch sử cho BĐVN ở VCK U23 châu Á 2018, đã có tới 6 trên tổng số 11 cầu thủ đá đá trận chung kết gặp Uzbekistan đã và đang dính chấn thương cực nặng này. Đáng chú ý hơn, “đứt dây chằng” gọi tên tới 5 cái tên nằm ở hàng phòng ngự.
Ở trận chung kết dưới tuyết trắng năm ấy, HLV Park Hang Seo sử dụng 5 hậu vệ. Đình Trọng, Duy Mạnh và Bùi Tiến Dũng đá trung vệ, trong khi hai biên được giao cho Phạm Xuân Mạnh và Vũ Văn Thanh. Trong số năm cầu thủ trên, chỉ có Bùi Tiến Dũng là chưa bị đứt dây chằng.
Ngoài 4 cái tên ở hàng phòng ngự, tiền đạo Văn Đức và tiền vệ Lương Xuân Trường là 2 cầu thủ còn lại dính chấn thương oái ăm nay. Như vậy, có thể thấy, “đội hình” đứt dây chằng của lứa U23 Việt Nam tại Thường Châu được trải dài trên cả 3 tuyến.
Duy Mạnh là trường hợp mới nhất gặp chấn thương dây chằng, do va chạm với một cầu thủ của TP HCM trong trận Siêu Cup quốc gia 2019. Theo thông tin mà các bác sĩ của Hà Nội FC tiết lộ, trung vệ của Hà Nội đứt dây chằng chéo trước, phải phẫu thuật và cần tối thiểu sáu tháng để hồi phục.
Để lấy lại đúng phong độ, thời gian còn lâu hơn, bài học nhãn tiền là trung vệ Trần Đình Trọng - người đá cùng Duy Mạnh ở CLB Hà Nội cũng như các cấp đội tuyển dưới thời HLV Park Hang Seo. Đã hơn 6 tháng trôi qua sau ngày Trọng đứt dây chằng ở Gia Lai, anh vẫn chưa thực sự trở lại với 100% thể lực.
Câu hỏi được đặt ra là: Vậy nguyên do nào khiến hơn nửa đội hình U23 Việt Nam làm nên kỳ tích năm 2018 lại dính chấn thương nặng đến vậy. Theo góc nhìn của nhiều chuyên gia, một phần nguyên nhân là vì sự quá tải trong việc thi đấu cũng như tập luyện của các tuyển thủ.
Đơn cử ở trường hợp Đình Trọng. Còn nhớ trước khi anh dính chấn thương đứt dây chằng, Trọng được chẩn đoán là vỡ xương ở mu bàn chân, sau đó đã phẩu thuật thành công.Ấy vậy, ngay sau khi lành lặn thì trung vệ này lại có dấu hiệu tăng cân và được đội ngũ HLV U23 Việt Nam ép tập giảm cân với những bài tập cường độ cao.
Không lâu sau khi trở lại thi đấu, anh đứt dây chằng ở trận CLB Hà Nội gặp HAGL ở vòng 12 V.League 2019.
Một ví dụ khác về việc thi đấu quá tải là tiền vệ Quang Hải. Hải “con” đã chơi tới hơn 120 trận kể từ đầu 2018. Tới trận gặp U22 Singapore tại SEA Games 30, anh rời sân vì chấn thương sau pha bóng không có va chạm quá mạnh.
Hay với Duy Mạnh, theo thống kê từ Tranfermark, anh đã chinh chiến tới tận 49 trận đấu ở cấp độ đội tuyển kể từ vòng chung kết U23 châu Á 2018. Một con số quá khủng khiếp với một cầu thủ. Nhìn vào pha bóng dẫn tới chấn thương của Duy Mạnh, có thể thấy là anh cũng không hề bị va chạm quá mạnh.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác dẫn dến các cầu thủ Việt Nam thường xuyên dính chấn thương nặng là bởi công tác y tế của các đội bóng tại V.League cũng chưa thực sự tốt. HLV Park Hang Seo cũng không ít lần công khai lên tiếng về vấn đề này.
Thậm chí, nhà cầm quân người Hàn Quốc còn thường xuyên kéo những cầu thủ đang bị chấn thương ở CLB lên ĐT để bác sĩ Choi Ju-young điều trị.