Cựu tiền vệ Quốc Vượng viết như thế trên mạng xã hội sau khi Việt Nam thua Iran 0-2 vào tối 12/1. Dòng trạng thái ấy nhắc đến hai cầu thủ tài hoa của bóng đá Việt Nam là Nguyễn Công Phượng và Phạm Văn Quyến.
Dù khẳng định không có ý so sánh nhưng nội dung của dòng trạng thái của Quốc Vượng nói lên nhiều thứ, tạm hiểu thì tình huống Công Phượng đối mặt không ghi bàn sau đường kiến tạo của Văn Toàn, nếu Văn Quyến theo ý Quốc Vượng có thể khác, tức có bàn thắng cho tuyển Việt Nam.
Nhiều người cũng tiếc nuối với tình huống của Công Phượng ở hiệp 2, kể cả pha dứt điểm của Quang Hải cũng rất ngon ăn nhưng đi chệch cột dọc. Nhưng bóng đá là thế. Không thể trách cầu thủ chỉ vì một cơ hội bị bỏ lỡ trong một trận đấu mà chưa đá thì phần lớn đều nhận định tuyển Việt Nam cầm chắc thất bại trước Iran, đội bóng có đẳng cấp vươn tầm World Cup.
Văn Quyến và Công Phượng nếu đặt lên bàn cân so sánh thì nghe rất mơ hồ. Vấn đề là so sánh như thế để làm gì? Chỉ có mang đến sự tranh cãi trên mạng xã hội.
Cũng như nhiều ý kiến chỉ trích thẳng thì thế hệ của Quốc Vượng, Văn Quyến tài hoa nhưng kết cục trở thành nỗi buồn cho một nền bóng đá, với vết nhơ chẳng bao giờ có thể rửa sạch ở SEA Game năm 2005.
Hôm qua, giá trị của tuyển Việt Nam không nằm ở tình huống Công Phượng, Quang Hải hỏng ăn. Vì đội bạn trong hiệp 1 cũng có tình huống thoát xuống đối mặt với Đặng Văn Lâm nhưng dứt điểm không thành bàn. Đó chỉ là tình huống của một trận đấu còn toàn cục, Việt Nam thua Iran là chuyện không thể tránh khỏi.
Điều cần nhìn nhận là tinh thần thi đấu của tuyển Việt Nam với Iran. Quế Ngọc Hải chơi bóng trong tình trạng bị choáng. Đức Huy đá đến mức tạm mất trí nhớ. 11 cầu thủ trên sân đều chơi với tinh thần quả cảm, đến mức các cầu thủ Iran ngợi khen là cầu thủ Việt Nam rất chịu khó chạy và theo kèm người trong suốt 90 phút.
Sự thua thiệt về đẳng cấp, thể hình, thể lực đã được tuyển Việt Nam bù đắp bằng ý chí chiến đấu quả cảm trước Iran. Đó là giá trị để thấy một tuyển Việt Nam ra sân luôn chơi hết mình vì màu cờ sắc áo, vì tình cảm của người hâm mộ. Họ có thể thua vì giới hạn của trình độ nhưng ý chí và khát vọng chiến đấu là điểm 10.
Nhìn hình ảnh của tuyển Việt Nam thi đấu trước Iran, nhiều người dõi theo bóng đá Việt Nam có lẽ cùng quan điểm: Giá như một số cầu thủ thế hệ tài hoa của bóng đá Việt Nam trong quá khứ cũng chơi với tinh thần quả cảm, đá vì màu cờ sắc áo thì không có những câu chuyện buồn như SEA Game 2005.
Đúng hơn, có lúc đội tuyển thua nhưng người mộ vỗ tay tán thưởng, động viên, trận đấu với Iran là ví dụ. Nhưng có những trận thắng khiến cho hàng triệu khán giả đau buồn, oán trách. Đó là sự khác biệt về ý thức, văn hóa, niềm tự hào về màu cờ sắc áo theo từng thế hệ cầu thủ.