Ở sân chơi SEA Games, câu chuyện dễ thấy là phần lớn nước chủ nhà sẽ giành được rất nhiều HCV và xếp nhất toàn đoàn, trừ một số nước như Campuchia, Lào, Singapore thì chưa thể làm được. Ví dụ là Malaysia có hai lần đứng đầu SEA Games đều sắm vai chủ nhà vào các năm 2001 và 2017. Philippines cũng có thành tích tương tự với 2 lần nhất vào các năm 2005 và 2019 trong tư thế chủ nhà. Thái Lan, Indonesia và Việt Nam làm chủ nhà SEA Games thì cầm chắc ngôi nhất toàn đoàn.
Câu chuyện kể trên khó xuất hiện ở Asiad, bởi Trung Quốc rất mạnh so với các nền thể thao khác ở châu Á. Gần nhất, Trung Quốc đứng thứ hai chung cuộc ở Asiad là năm 1978, Nhật Bản xếp nhất toàn đoàn. Từ Asiad 9 đến 18, Trung Quốc đều đứng nhất với khoảng cách huy chương gần như vượt trội so với phần còn lại, tức thống trị Asiad gần nửa thế kỷ.
Cụ thể, 5 kỳ Asiad gần nhất thì Trung Quốc đứng nhất với số HCV lần lượt 138, 151, 139, 165 và 151. Những con số này cũng cho thấy số HCV hiện tại (139 HCV ở Asiad 19) là không bất ngờ.
Ngoài ra, Trung Quốc thường xuyên có mặt trong top 3 của Olympic. Tại Olympic 2020, Trung Quốc đứng hai với 38 HCV, kém 1 HCV so với Mỹ (39 HCV).
Với một nền thể thao thống trị Asiad kể từ năm 1982 đến nay, Trung Quốc vượt trội ở Asiad 19 trong vai trò chủ nhà là chuyện bình thường. Mọi thứ chỉ được xem là bất ngờ nếu Trung Quốc giành ít HCV, hoặc không đứng đầu.
Một trong những điểm nhấn lớn của Asiad 19 là Trung Quốc đã phá kỷ lục số HCV môn bơi của Nhật Bản thiết lập năm 1978 - kỳ Á vận hội mà nước xứ mặt trời mọc xếp nhất toàn đoàn. Bơi Trung Quốc giành đến 28 HCV tại Asiad 19, vượt kỷ lục 25 HCV của Nhật Bản. Các kình ngư Trung Quốc cũng phá 5 kỷ lục bơi châu Á.
Ngoài ra, bảng thành tích cho thấy Asiad và SEA Games khác rất xa về đẳng cấp, đó là số huy chương của các đoàn thể thao thuộc Đông Nam Á. Thái Lan tạm đứng thứ 7 với 10 HCV, Indonesia có 4 HCV, Malaysia có 3 HCV, Singapore giành 2 HCV, Việt Nam và Philippines cùng có 1 HCV.