Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Đừng mỉa mai Công Phượng khi bóng đá Việt Nam bằng Campuchia

Công Phượng trở lại Việt Nam sau gần 2 năm xuất ngoại trở thành chủ đề được quan tâm, kèm theo nhiều lời chế nhạo cựu tiền đạo HAGL.

"Công Phượng, người đã chiến đấu bên cạnh chúng tôi khoảng một năm rưỡi, sẽ rời khỏi đội bóng. Mọi người đều quý mến tính cách của Công Phượng.

Các cầu thủ sẽ rất nhớ mùi cà phê thơm ngon mà Công Phượng pha trong phòng thay đồ. Đó là cầu thủ tuyệt vời, với kỹ năng trước khung thành. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ hành trình sắp tới của Công Phượng. Chúc anh may mắn", Yokohama FC viết lời chia tay Công Phượng.

Câu chuyện cà phê được Yokohama FC nhắc đến lập tức trở thành chủ đề cho cộng đồng mạng chế nhạo Công Phượng. Một số ý kiến chê Công Phượng xuất ngoại không để lại dấu ấn chuyên môn mà được nhớ đến chuyện pha cà phê. Phải chăng chúng ta đang khắt khe với Công Phượng - một cầu thủ luôn ước mơ chơi bóng ở nước ngoài với ý chí không bỏ cuộc?

Một thống kê có liên quan đến Công Phượng sẽ cho thấy bóng đá Việt Nam đang đi lùi so với chính mình, nhất là những "anh hùng bàn phím" buông lời mỉa mai cựu tiền đạo HAGL có thể nhìn nhận khác đi. Đó là bóng đá Việt Nam sạch bóng cầu thủ xuất ngoại sau khi Công Phượng trở lại quê nhà. Hai nền bóng đá có cùng cảnh ngộ giống Việt Nam là Campuchia và Brunei với 0 cầu thủ xuất ngoại. Lào, Timor Leste, Myanmar và Malaysia cùng có hai cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, Singapore có 6 cầu thủ. Thái Lan, Philipines, Indonesia đang đứng đầu Đông Nam Á về số cầu thủ ở nước ngoài.

Đừng mỉa mai Công Phượng khi bóng đá Việt Nam bằng Campuchia Ảnh 1
Công Phượng trở lại Việt Nam sau gần 2 năm xuất ngoại trở thành chủ đề được quan tâm, kèm theo nhiều lời chế nhạo cựu tiền đạo HAGL.

Thống kê kể trên là câu chuyện rất buồn của bóng đá Việt Nam. Sự việc này đáng nói hơn nhiều so với chuyện mỉa mai Công Phượng xuất ngoại không thành công. Vì cầu thủ Việt Nam cần được ủng hộ và cổ vũ để xuất ngoại, thay vì mỉa mai khiến họ buồn tủi sau một hành trình nỗ lực hết mình nơi đất khách quê người. 

Hãy nhìn một tấm gương điển hình về khát vọng xuất ngoại của bóng đá châu Á. Kazuyoshi Miura, hay còn gọi là King Kazu của bóng đá Nhật Bản. Câu chuyện của King Kazu là niềm cảm hứng bất tận cho cầu thủ Nhật Bản, ông nhận được tôn sùng dù sự nghiệp không đạt thành công nào ở nước ngoài. Người Nhật chọn Kazuyoshi Miura làm biểu tượng để truyền cảm hứng cho các thế hệ đi sau về tình yêu bóng đá, kèm theo khát vọng về hành trình xuất ngoại để đưa hình ảnh Nhật Bản ra thế giới.

Trở lại với chuyện Công Phượng, anh có thể làm điều dễ dàng hơn xuất ngoại là chọn một CLB ở V.League và nhận mức lót tay cao. Nhưng Công Phượng đã chọn đại diện cho tinh thần dám ước mơ, cầu tiến, ham học hỏi và không bỏ cuộc của bóng đá Việt Nam. Thật tiếc khi một số ý kiến bỏ qua góc độ này để chế ảnh và mỉa mai Công Phượng. Đó sẽ là rào cản lớn cho mọi cầu thủ Việt Nam trong tương lai. Họ phải suy nghĩ rất nhiều về việc xuất ngoại, khi không thành công thì nhận về "gạch đá". 

Bóng đá Việt Nam không thể đi xa nếu thiếu những cầu thủ xuất ngoại thi đấu ở mội trường hàng đầu châu Á. Vậy nên, đừng mỉa mai Công Phượng khi số cầu thủ xuất ngoại bây giờ bằng Campuchia, Brunei (0 cầu thủ).

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hoài Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất