1. Khi đặt chân đến Gia Lai thì nhiều người không thể bỏ qua Biển Hồ, tên thật của nó là Tơ Nuêng (Tơ Nưng). Với những người yêu âm nhạc, Biển Hồ còn được biết đến qua bài hát Đôi mắt Pleiku của nhạc sĩ Nguyễn Cường. “Em đẹp thế Pleiku ơi! Trái tim tôi như muốn vỡ tan rồi. Không muốn nhìn vào đôi mắt ấy. Đôi mắt Pleiku, Biển Hồ đầy…”.
Ngày nay, Gia Lai còn có thêm một địa điểm nằm trong Top 10 thu hút du khách đến thăm, đó là Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG của bầu Đức. Đây cũng là nơi đóng quân của đội bóng nổi tiếng HAGL với lứa Công Phượng đang nhận được sự yêu mến rất lớn của người hâm mộ cả nước.
Nói riêng về văn hóa bóng đá Việt Nam, hiếm có nơi nào trở thành địa điểm thu hút khách đến thăm như Học viện bóng đá HAGL của bầu Đức. Điều đó cũng chứng tỏ rằng Học viện bóng đá HAGL bây giờ không chỉ còn là chuyện bóng đá, nó là một trong những niềm tự hào của người hâm mộ Gia Lai.
Tại sao Học viện HAGL của bầu Đức trở thành nơi thu hút hàng nghìn người đến thăm vào mỗi năm?
2. Không khó để lý giải cho câu trả lời ở trên, đó là nơi ra đời của lứa Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Văn Thanh… Những cầu thủ tạo nên nguồn cảm hứng bất tận về vẻ đẹp trong bóng đá, từng góp phần làm hồi sinh tình yêu của người hâm mộ. Họ cũng đang là những cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam dưới triều đại của HLV Park Hang Seo.
Do đó, phần lớn du khách đến Gia Lai ghé thăm Học viện bóng đá HAGL đều là fan hâm mộ của lứa Công Phượng, CLB HAGL. Phần khác là sự yêu mến ông chủ CLB HAGL, người được ví công thần kiến tạo nên những bước ngoặt lịch sử cho bóng đá Việt Nam nhờ các tư duy và tầm nhìn đi trước thời đại.
Bằng chứng là mỗi người đến thăm Học viện HAGL đều gửi lại những tình cảm lớn lao trong một cuốn sổ lưu niệm được đặt đầy trang trọng trong phòng truyền thống của CLB HAGL. Những trang giấy ghi lại tình cảm của người hâm mộ cũng chính là thước đo thiết thực nhất để thấy CLB HAGL được yêu mến như thế nào trong nhiều năm qua.
Bầu Đức cũng đã ý thức được rất rõ giá trị lịch sử và văn hóa CLB HAGL nên cho xây một phòng truyền thống nằm ở trong Học viện HAGL. Nơi đó cất giữ những chiếc cúp, những hình ảnh về CLB HAGL qua nhiều thời kỳ. Nhưng không khó để thấy được phần lớn được trưng bày ở phòng truyền thống đều gắn liền với lứa Công Phượng - niềm tự hào của bầu Đức.
Vậy bạn có tin bầu Đức sẽ bán đi một trong những cầu thủ được xem là biểu tượng của CLB HAGL: Nguyễn Công Phượng?
3. “Với tôi và tập đoàn HAGL, có 10 triệu USD cũng không có ý nghĩa gì. Thế nên, chúng tôi không bán Công Phượng, đây là biểu tượng của Học viện bóng đá HAGL”.
Bầu Đức tuyên bố rất rõ ràng như thế trong ngày Công Phượng sang Bỉ. 10 triệu đô được ông chủ CLB HAGL nói phải được hiểu đúng nghĩa rằng, đó là sự ví von để khẳng định ông không bán Công Phượng trong bất cứ giá nào, chứ không phải nhìn vào con số đó để hiểu sai thông điệp của bầu Đức theo kiểu như “Công Phượng có giá 10 triệu đô”…
Bầu Đức cũng tiết lộ có một CLB của Pháp muốn Công Phượng sang thi đấu nhưng trong hợp đồng thòng điều kiện có thể mua đứt. Ông chủ CLB HAGL lập tức gạt sang 1 bên, vì Công Phượng không phải để bán - anh là biểu tượng của Học viện bóng đá HAGL.
Về Công Phượng, anh có thể liên tục trải nghiệm qua nhiều CLB khác nhau nhưng chắc chắn là một cái tên cực kỳ thu hút truyền thông, người hâm mộ và tài năng dị biệt. Hơn hết, giá trị của Công Phượng không phải đo bằng con số, bởi bầu Đức xem anh như đứa con tinh thần của Học viện bóng đá HAGL.
Và trong cuộc đời bầu Đức có hai thứ không bao giờ nằm trong danh sách để bán, dù ông có khó khăn như thế nào: Bệnh viện HAGL và Học viện bóng đá HAGL.
Công Phượng là biểu tượng của Học viện HAGL, dĩ nhiên bầu Đức không bao giờ bán. Đúng hơn, đừng nói chuyện hỏi mua Công Phượng với ông chủ CLB HAGL!